09/08/2023 10:53
Khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và nông sản của các HTX tỉnh thu hút khách tham quan, mua sắm.
Điển hình như Hợp tác xã nông nghiệp Rạch Lọp, huyện Tiểu Cần là một trong những HTX không chỉ chủ động liên doanh, liên kết để tiêu thụ sản phảm nông nghiệp cho người dân, mà còn thực hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả và phát triển thêm các dịch vụ mới. Đến nay, HTX đã xây dựng các sản phẩm gạo OCOP thương hiệu HTX Rạch Lọp.
Ông Huỳnh Đăng Khoa, Giám đốc HTX nông nghiệp Rạch Lọp cho biết: từ khi HTX đi vào hoạt động đến nay, dù lợi nhuận trên vốn góp không nhiều, nhưng HTX đã mang lại lợi nhuận tăng thêm và chất lượng cho thành viên sử dụng dịch vụ, ổn định giá thị trường tại địa phương. Hiện HTX đã mở rộng 07 dịch vụ, góp phần giải quyết việc làm nhiều lao động tại địa phương. Hiện HTX có 519 thành viên, với số vốn góp 1,5 tỷ đồng, trong đó có 193 thành viên là đảng viên. Ngành nghề kinh doanh của HTX liên kết cung cấp vật tư nông nghiệp, các dịch vụ thủy lợi, khai thác quản lý chợ, dịch vụ đời sống, tín dụng nội bộ, vệ sinh môi trường, xây dựng dân dụng, giao thông, hạ tầng kỹ thuật và khai thác các dịch vụ khác…
Hàng năm HTX xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh chi tiết cho cả năm, từng vụ. Nhờ đó, thành viên HTX sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật, cùng loại giống, từ đó sản phẩm đầu ra đồng nhất, số lượng lớn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp. Sản lượng lúa HTX cho ra thị trường đạt từ 1.500 - 1.800 tấn/năm. Nhờ việc bán trực tiếp cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nên giá cao hơn thị trường tại địa phương, giúp nông dân an tâm sản xuất. Đồng thời, thương thảo và ký kết với các doanh nghiệp cung ứng đầu vào như: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để cung ứng cho thành viên, giúp thành viên tiếp cận nguồn đầu vào chất lượng, giá hợp lý, mang lại thu nhập cho thành viên từ 500 - 750 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, HTX xây dựng dự án liên kết và được hỗ trợ 01 tỷ đồng đầu tư giống, phân bón trực tiếp cho 497 thành viên HTX được thụ hưởng, đồng thời HTX được hỗ trợ 05 tỷ đồng để xây dựng trạm bơm điện phục vụ 250ha đất sản xuất theo Quyết định số 3141/QD-UBND, ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh Trà Vinh.
HTX Thương mại Dịch vụ Trà Cú có vai trò quan trọng trong quá trình cơ cấu lại kinh tế, phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Hiện HTX đã chia thành 07 khu vực để quản lý, khai thác gồm: chợ trái cây; nhà lồng chợ vải và điện máy; quần áo may sẵn, đồ sắt, đồ mủ; nhà lồng tạp hóa, gạo, cám; rau củ quả và ăn uống giải khát; thịt heo, bò, khô, mắm; khu vực chợ cá, gia cầm; các ki-ốt bao quanh và các công trình phụ trợ, đủ điều kiện bố trí cho 271 hộ tiểu thương (kinh doanh cố định) và 40 hộ mua bán không thường xuyên tham gia buôn bán, kinh doanh. Với mức thu 25.000 đồng/m2/tháng đối với ki-ốt tại khu vực nhà lồng chợ vải, điện máy và khu nhà lồng tạp hóa, gạo, cám; đối với các khu còn lại thu giá 20.000 đồng/m2/tháng. Tổng doanh thu bình quân HTX đạt trên 900 triệu đồng/năm, mức thu nhập của người lao động trên 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Văn Năm, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Thương mại Dịch vụ Trà Cú, huyện Trà Cú cho biết: để nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh doanh, thời gian qua, HTX đầu tư gần 1,2 tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo chợ, đề phòng nguy cơ cháy nổ, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm... trong đó, vận động xã hội hóa hộ tiểu thương trên 465 triệu đồng, từng bước góp phần ổn định tổ chức, hoạt động của chợ thị trấn. Tuy nhiên, HTX vẫn còn hạn chế như một số công trình đã sử dụng trên 10 năm đã xuống cấp, vốn hoạt động còn thấp, trình độ của đội ngũ quản lý HTX còn hạn chế, thu nhập của người lao động chưa cao…
Để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho HTX Thương mại Dịch vụ Trà Cú hoạt động, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý HTX; thường xuyên tư vấn HTX về nghiệp vụ và công tác quản trị. Thường xuyên rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động HTX để có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn; tổ chức cho các HTX thuộc loại hình quản lý khai thác chợ được học tập kinh nghiệm tại các tỉnh, thành phố.
Theo đồng chí Thái Phước Lộc, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh: thời gian qua, công tác tuyên truyền đã góp phần làm thay đổi nhận thức của cán bộ, người dân về tầm quan trọng và vai trò của kinh tế tập thể, HTX trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các hoạt động tư vấn, hỗ trợ tiếp tục triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực cho tổ hợp tác, HTX và thành viên. Công tác chỉ đạo xây dựng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả, thực hiện chuỗi giá trị, bước đầu đã được các HTX triển khai thực hiện giúp thành viên vươn lên thoát nghèo, góp phần tích cực trong thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, XDNTM. Các HTX tạo hướng đi phù hợp, phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với sản phẩm có lợi thế và định hướng phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm.
Điển hình có HTX nông nghiệp Đức Phát với sản phẩm cây lác; HTX nông nghiệp Thuận Phú với sản phẩm cây có múi, HTX dừa sáp Hòa Tân, HTX xoài cát chu An Lộc, HTX nông nghiệp Ninh Thới được hỗ trợ xây dựng sản phẩm với quy mô liên kết các hộ sản xuất trái cây theo hướng VietGAP (dừa sáp, bưởi da xanh, xoài cát chu, quýt đường).
Bên cạnh đó, HTX nông nghiệp Việt Thành và HTX nông nghiệp Đạt Thịnh được hỗ trợ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản xuất lúa an toàn, lúa hữu cơ. Đối với các HTX đã được phê duyệt dự án, mô hình liên kết sản xuất, vẫn tiếp tục thực hiện và phát huy hiệu quả các nguồn lực phát triển sản xuất, kinh doanh mang lại nguồn thu ổn định cho thành viên và người lao động tại địa phương.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.