06/08/2023 14:21
Mô hình nuôi tôm công nghiệp của nông dân xã Long Hòa, huyện Châu Thành.
Tình hình cung ứng con giống trong nuôi thủy sản còn nhiều hạn chế; trong đó, các trại sản xuất giống tôm chủ yếu tập trung ở huyện Duyên Hải, thị xã Duyên Hải... đa số là cơ sở nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, cơ sở hạ tầng xuống cấp, chi phí sản xuất cao, năng lực cạnh tranh với nguồn cung cấp từ ngoài tỉnh thấp; nên số cơ sở giảm theo từng năm. Đối với các cơ sở sản xuất tôm sú của địa phương, nguồn tôm bố mẹ chủ yếu mua từ các người dân đánh bắt tự nhiên, ao đầm như ở Bạc Liêu, Cà Mau; giống tôm thẻ thì tôm bố mẹ nhập khẩu từ nước ngoài vào để sản xuất...
Đồng chí Nguyễn Văn Quốc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông Trà Vinh cho biết: trước khó khăn do cơ sở hạ tầng một số vùng nuôi trọng điểm chưa đáp ứng nhu cầu phát triển (đường, điện, thủy lợi); đặc biệt là vùng nuôi thâm canh, thâm canh mật độ cao chưa có hệ thống kênh cấp - kênh thoát riêng, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và kiểm soát dịch bệnh. Việc cung ứng con giống chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu vào thời điểm chính vụ. Tình hình dịch bệnh trên tôm thường xuyên xảy ra ngày càng khó ứng phó, việc áp dụng các biện pháp phòng, trị một số bệnh chưa hiệu quả (bệnh phân trắng, bệnh vi bào tử trùng,...). Công tác quản lý vật tư đầu vào mặc dù đã được thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, nhưng vẫn còn khó khăn trong công tác quản lý.
Với mục tiêu phát triển mạnh nuôi thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững; đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi phù hợp với lợi thế của từng địa phương, hiện ngành đề ra một số giải pháp: tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi; phát triển mạnh nuôi thâm canh mật độ cao, quy trình thực hành nuôi tốt, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; nuôi thủy sản có chứng nhận với các sản phẩm chủ lực; phát triển một số sản phẩm nuôi có tiềm năng.
Phát triển nuôi thủy sản thành lĩnh vực sản xuất hàng hóa lớn, khuyến khích phát triển nuôi theo quy mô công nghiệp ở các huyện ven biển để tạo nguồn sản phẩm lớn phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa; phát triển nuôi các loài cá truyền thống, cá bản địa,... ở vùng nông thôn có điều kiện sinh thái phù hợp nhằm chủ động nguồn cung thực phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ gia đình nông dân, góp phần giảm nghèo... Khuyến khích phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, giảm giá thành sản xuất, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; các mô hình nuôi hữu cơ, nuôi sinh thái, áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP) để nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Đồng chí Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết: thực hiện chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (theo Quyết định số 339/QĐ-TTg, ngày 11/3/2021) và Quyết định số 3168/QĐ-UBND, ngày 31/12/2022 về việc ban hành kế hoạch hành động thực hiện chiến lược phát triển thủy sản tỉnh Trà Vinh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngành thủy sản tỉnh Trà Vinh sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế pháp lý - kỹ thuật về thủy sản, lập kế hoạch xây dựng, rà soát văn bản pháp luật hàng năm, 05 năm để loại bỏ, sửa đổi những quy định không phù hợp hoặc bổ sung những quy định còn thiếu kịp thời phục vụ sản xuất và quản lý Nhà nước về thủy sản. Tổ chức triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả chiến lược, chương trình, đề án, dự án, chính sách liên quan đến lĩnh vực thủy sản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Song song đó, kiện toàn, củng cố cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản, rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động để quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tham mưu, quản lý nhà nước về thủy sản; phân định rõ nhiệm vụ quản lý nhà nước và dịch vụ công.
Phân cấp quản lý nhà nước về thủy sản, đẩy mạnh phân cấp cho cơ quan quản lý các cấp về quản lý thủy sản phù hợp với điều kiện của từng cơ quan, địa phương nhằm tăng cường sự chủ động trong bố trí nguồn lực, kinh phí và triển khai nhiệm vụ. Tăng cường phân cấp gắn liền với thanh tra, kiểm tra, giám sát, công tác hậu kiểm và trách nhiệm của người đứng đầu.
Phát triển nguồn nhân lực quản lý nhà nước về thủy sản, xây dựng danh mục vị trí việc làm, biên chế, số người làm việc dựa trên các quy định của pháp luật, điều kiện đặc thù về ngành thủy sản của địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Nguồn nhân lực quản lý Nhà nước về thủy sản đáp ứng đủ số lượng, đảm bảo chất lượng; 100% công chức quy hoạch được cử đi đào tạo theo quy định.
Áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thủy sản, xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng, tích hợp phần mềm, hệ cơ sở dữ liệu quản lý chuyên ngành thủy sản gắn với phân cấp quản lý, truy cập khai thác, sử dụng phần mềm, hệ cơ sở dữ liệu quản lý chuyên ngành thủy sản từ trung ương tới địa phương. Tăng cường và đổi mới hình thức, phương pháp thanh tra, kiểm tra, giám sát chuyên ngành thủy sản phù hợp để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.