29/01/2024 10:41
Hộ nghèo ở huyện Trà Cú được hỗ trợ bò để nuôi.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Trà Vinh, năm 2024, tỉnh huy động tối đa các nguồn lực xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; tiếp tục tập trung đồng bộ các giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Tỉnh quan tâm hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần hoàn thành các mục tiêu về giảm nghèo của tỉnh.
Theo đó, tỉnh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Công tác tuyên truyền, giáo dục được đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong công tác giảm nghèo bền vững. Các địa phương phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái”, khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội…
Toàn tỉnh hiện còn 3.440 hộ nghèo, gần 6.800 hộ cận nghèo (chiếm tương ứng 1,2% và 2,36% tổng số hộ toàn tỉnh), trong đó có 1.860 hộ nghèo Khmer, chiếm 2,09% tổng số hộ Khmer của tỉnh. Tỉnh đặt mục tiêu năm 2024 giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,3%; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer giảm trên 0,5%; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ cận nghèo 0,5% theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia.
Năm 2023, toàn tỉnh giảm gần 2.000 hộ nghèo và 4.125 hộ cận nghèo; trong đó có 1.358 hộ nghèo dân tộc Khmer. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Thanh Bình, kết quả tích cực năm 2023 có được là nhờ trong năm, tỉnh tập trung nhiều nguồn lực, giải pháp nâng cao mức sống cho người nghèo. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, từ đầu năm 2023 đến đầu tháng 12/2023, Trà Vinh đã giải ngân hơn 15,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện các dự án, tiểu dự án cải thiện đời sống cho người nghèo trong tỉnh.
Nhiều chính sách giảm nghèo đã được thực hiện. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Trà Vinh đã giải ngân trên 240 tỷ đồng cho gần 4.800 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn ủy thác của UBND tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giải ngân gần 23 tỷ đồng hỗ trợ 468 hộ nghèo, cận nghèo vay vốn cải thiện nhà ở.
Bên cạnh đó, từ nguồn Quỹ An sinh xã hội, tỉnh Trà Vinh hỗ trợ 01 triệu đồng/tháng cho 574 hộ nghèo có một nhân khẩu từ 60 tuổi trở lên neo đơn đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng. Tỉnh hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 475 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (mỗi căn trị giá 40-50 triệu đồng tùy đối tượng); giải ngân gần 6,6 tỷ đồng, hỗ trợ 135 hộ nghèo vay thêm vốn để đối ứng xây nhà ở khang trang.
Tỉnh hỗ trợ 130.079 thẻ bảo hiểm y tế cho các nhóm đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, người dân sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo, người có mức sống trung bình làm nghề nông, lâm, ngư, diêm nghiệp với số tiền hơn 101 tỷ đồng. Đồng thời, tỉnh cấp gần 6.400 thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, mới thoát nghèo với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 3 tỷ đồng… Nhờ vậy, đời sống người nghèo được nâng lên đáng kể.
Theo kết quả rà soát sơ bộ, đến cuối năm 2023, Trà Vinh có trên 287.000 hộ dân; trong đó, hơn 45% hộ có mức sống trung bình (tăng 4,52% so với với năm 2022), trên 46% hộ có thu nhập khá, trên 4,5% hộ giàu.
Tin, ảnh: THANH HÒA
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.