05/08/2020 17:45
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân địa phương quan tâm, đầu tư phát triển nhiều mô hình, loại hình nuôi thủy sản, đặc biệt, đối với con tôm sú và tôm thẻ chân trắng, nhất là mô hình nuôi tôm thâm canh mật độ cao. Mặc dù quá trình thực hiện còn gặp không ít khó khăn về điều kiện môi trường, thời tiết, thiên tai, dịch bệnh và biến động chi phí đầu vào cho sản xuất, giá thị trường đầu ra cho sản phẩm có ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất.
Tuy nhiên, được sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan có liên quan, UBND các xã, thị trấn cùng sự cần cù, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất của Nhân dân, kết quả NTTS trên địa bàn huyện đạt được những kết quả quan trọng.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh mật độ cao ở ấp Giồng Bàn, xã Long Vĩnh.
Trong 06 tháng đầu năm 2020, chuyển đổi từ các hình thức sản xuất khác sang nuôi tôm thâm canh 285,4ha, nâng tổng số đến nay, chuyển đổi được 1.082,5ha. Chuyển đổi sang nuôi tôm thâm canh mật độ cao 40,52ha. Riêng năm 2019, có 321 lượt hộ thả nuôi 167,07 triệu con giống, diện tích 85,7ha theo hình thức nuôi tôm thâm canh mật độ cao. |
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện Duyên Hải chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi thủy sản 823,6ha. Đặc biệt, chuyển đổi hình thức nuôi tôm sú quảng canh cải tiến, bán thâm canh sang hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh mật độ cao gần 100ha. Hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh mật độ cao bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận bình quân 03 tỷ đồng/ha/năm, cao hơn 17 lần so hình thức nuôi truyền thống. Bình quân hàng năm, có 29.426 lượt hộ nuôi các loài thủy sản trên 9.417ha mặt nước, tăng 274ha so năm 2016.
Ông Phạm Thành Lập, Chủ tịch UBND huyện Duyên Hải cho biết, công tác quy hoạch ngành NTTS trên địa bàn huyện từng bước được điều chỉnh, bổ sung phù hợp đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành; các chương trình, dự án, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư tiếp tục được hoàn thiện; những thông tin về tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thời tiết luôn được cập nhật và phổ biến kịp thời tạo điều kiện để Nhân dân nắm bắt, có kế hoạch sản xuất phù hợp.
Đặc biệt, đối với mô hình sản xuất theo hướng nuôi tôm thâm canh mật độ cao, bước đầu có hiệu quả, thu hút sự quan tâm của người dân. Dự báo sẽ được triển khai nhân rộng nhiều hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích nuôi tôm thâm canh, thâm canh mật độ cao cần có sự quan tâm bảo vệ môi trường, nhằm tạo môi trường phát triển bền vững đối với ngành kinh tế chủ lực của địa phương.
Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, huyện tập trung phát triển nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương, duy trì mức tăng trưởng ngành nông nghiệp hợp lý, cân bằng giữa các lĩnh vực trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Năm 2020, sản lượng nuôi trồng, khai thác, đánh bắt thủy sản ước đạt 41.640 tấn tôm, cá các loại. Trong đó, sản lượng nuôi trồng 24.230 tấn (tôm sú 2.930 tấn, tôm thẻ chân trắng 10.680 tấn).
Để thực hiện đạt chỉ tiêu kế hoạch, ngành chuyên môn phối hợp với chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tập trung thực hiện chuyển đổi cơ cấu, phương thức NTTS phù hợp, tuân thủ các khuyến cáo về lịch thời vụ, các quy định về cải tạo ao hồ trong hoạt động nuôi tôm. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm nước lợ thâm canh mật độ cao phù hợp với từng khâu của chuỗi sản xuất (giống, thức ăn, thuốc, chế phẩm xử lý môi trường, thiết bị…), ứng dụng công nghệ thông tin, phương pháp quản lý phù hợp đảm bảo an toàn môi trường, dịch bệnh và các khâu trong chuỗi sản xuất tại các vùng nuôi tôm tập trung, nhất là đối với các xã Long Vĩnh, Long Khánh, Đông Hải… những địa phương có điều kiện phát triển mạnh về NTTS, phát triển nuôi tôm thâm canh mật độ cao.
Đẩy mạnh, đổi mới công tác tập huấn, chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, đáp ứng nhu cầu của người dân gắn với các mô hình sản xuất cụ thể có sự tham gia của người dân, để người dân học tập, làm theo và phổ biến nhân rộng. Công nghệ chuyển giao hướng tới mục tiêu sản xuất sản phẩm thủy sản an toàn, đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành, nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Để tạo điều kiện cho ngành NTTS trên địa bàn huyện phát triển bền vững, UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với ngành chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hoạt động nuôi thủy sản xả thải gây bồi lắng kênh mương công cộng, gây ô nhiễm môi trường và phát tán mầm bệnh, nhất là đối với hoạt động nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh mật độ cao. Đồng thời, kết hợp cơ quan chuyên ngành tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm thủy sản, quản lý chất lượng theo chuỗi sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc.
Đặc biệt, xử lý nghiêm các vi phạm trong việc sản xuất, kinh doanh giống, thức ăn, thuốc thú y và các chế phẩm sinh học dùng trong NTTS, chất bảo quản sản phẩm thủy sản, tình trạng khai thác bằng phương tiện hủy diệt nguồn lợi, sử dụng chất cấm, bơm tạp chất vào sản phẩm thủy sản. Tăng cường công tác xúc tiến quan hệ hợp tác, liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp với tổ chức đại diện của nông dân (tổ hợp tác, hợp tác xã) và giữa các địa phương có cùng thế mạnh phát triển nghề nuôi tôm nước lợ làm đầu mối liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, giảm bớt các khâu trung gian. Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có liên quan trong chuỗi giá trị ngành hàng tôm nước lợ phát triển thị trường, xây dựng nhãn mác, xây dựng các chứng nhận trong nước và quốc tế như VietGAP, GlobalGAP, ASC, Natuland… để gia tăng giá trị mặt hàng tôm, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi miễn giảm, hỗ trợ lãi suất, đối với các tổ chức, hộ gia đình có nhu cầu sử dụng đất, mặt nước để đầu tư xây dựng, chỉnh sửa hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất giống tôm sạch bệnh, chủ động cung cấp đầy đủ cho người nuôi. Các chính sách về khoa học- công nghệ, khuyến khích áp dụng công nghệ cao, công nghệ mới, các chính sách ưu đãi về đất đai, giao, cho thuê sử dụng mặt nước, hỗ trợ lãi suất… cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan nắm, tiếp cận để mở rộng đầu tư vào địa phương.
Ông Phạm Thành Lập cho biết thêm, lĩnh vực NTTS trên địa bàn huyện những năm gần đây có sự tăng trưởng rõ rệt, sản lượng tôm thẻ chân trắng nuôi tăng cao đáng kể. Đạt được kết quả trên là do người dân mạnh dạn đầu tư, thay đổi hình thức nuôi từ nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh sang nuôi thâm canh mật độ cao, tuy chi phí đầu tư cao nhưng hiệu quả mang lại rất lớn. Huyện ủy, UBND huyện Duyên Hải tiếp tục chỉ đạo ngành chuyên môn và các ngành liên quan kết hợp xây dựng đề án phát triển nuôi tôm thâm canh mật độ cao phù hợp với điều kiện từng vùng của từng địa phương gắn với bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững.
Bài, ảnh: HUỲNH NỔI
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.