30/08/2023 17:42
Ông Nguyễn Hoàng Em bên điểm sạt lở đã được gia cố, hiện đang tiếp tục bị sạt lở lấn sâu vào bờ đê (điểm đầu cồn Xẻo Cạn, xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè giáp với thị trấn Cầu Quan, huyện Tiểu Cần).
Từ năm 2010 đến năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra sạt lở 222 điểm/khu vực với tổng chiều dài sạt lở 75,6km; gây sụp lún 21.534m2 kè, thiệt hại 9.940ha hoa màu, cây ăn trái, lúa, 18ha ao tôm, 29ha rừng và đất sản xuất; ảnh hưởng đến 171 căn nhà; ước giá trị thiệt hại gần 331 tỷ đồng. Riêng trong năm 2023 (tính đền thời điểm cuối tháng 7/2023), tổng số điểm/khu vực sạt lở là 24 điểm; tổng chiều dài sạt lở 2,1km; thiệt hại 184,2ha hoa màu và cây ăn trái, 2,6ha rừng và ảnh hưởng 11 căn nhà, ước tổng giá thiệt hại gần 03 tỷ đồng.
Nguyên nhân của tình trạng sạt lở là do triều cường dâng cao kết hợp gió lớn, thay đổi lưu tốc dòng chảy và mưa lớn làm vỡ kết cấu đất bờ và lòng sông gây sạt lở bờ sông, bờ biển. Bên cạnh đó, tác động do con người gây ra như: việc chặt phá cây chắn sóng, đào ao nuôi trồng thủy sản sát bờ sông, bờ biển; xây dựng nhà ở ven bờ sông, khu vực bờ biển và việc khai thác cát trái phép… góp phần làm trình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng.
Trong công tác đầu tư, gia cố và khắc phục các công trình đê bao, từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã thực hiện 77 công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển với kinh phí trên 1.000 tỷ đồng. Trong đó, đã hoàn thành 61 công trình, kinh phí 431 tỷ đồng, đang thi công 16 công trình, dài 37km, kinh phí 676 tỷ đồng.
Ghi nhận trên địa bàn huyện Cầu Kè, trong năm 2022 và năm 2023 với các điểm sạt lở được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện khảo sát đưa vào kế hoạch duy tu, sửa chữa; đến cuối tháng 7/2023 đã gia cố, khắc phục sạt lở xong tại 05 đoạn bờ bao trên địa bàn xã Ninh Thới (dài 157m); 01 đoạn sạt lở tại phần đất hộ ông Tống Tấn Phận, ấp Ngãi Nhất, xã Tam Ngãi (dài 83m) và 03 điểm sạt lở bờ bao ven Sông Hậu ở ấp Rạch Đùi (xã Ninh Thới); ấp An Bình, Hội An (xã Hòa Tân), tổng chiều dài 206m đã thi công đạt 100%; riêng gia cố khắc phục 02 đoạn sạt lở trên địa bàn ấp Ô Chích, Rạch Nghệ xã Thông Hòa (dài 78m) tiến độ thực hiện đạt 90% và gia cố khắc phục sạt lở tại phần đất hộ ông Nguyễn Văn Hoàng ấp An Trại, xã An Phú Tân (dài 105m) chưa triển khai.
Ông Nguyễn Chí Nguyên, ấp An Trại, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè cho biết: gia đình có hơn 0,5ha đất vườn tiếp giáp với khu vực đầu vàm Bến Cát, Sông Hậu; năm 2022 phía khu vực trước nhà bị sạt lở nghiêm trọng, dài gần 100m. Đến tháng 3/2023, huyện đã tiến hành xử lý đoạn sạt lở trên bằng việc gia cố cừ tràm kết hợp với che chắn bằng bao cát; hiện khu vực này cũng khá an toàn trước mùa mưa bão, triều cường năm nay.
Tuy nhiên, tại một số điểm sạt lở ở khu vực ven Sông Hậu ở xã Ninh Thới thuộc các ấp Xẻo Cạn, Rạch Đùi, Vàm Đình đã được gia cố, xử lý sạt lở những năm trước đây, nay đang có nguy cơ sạt lở và lấn sâu vào trong đê bao trên tuyến đường ven Sông Hậu đang triển khai; gây bất an cho các nhà vườn ở đây.
Ông Nguyễn Hoàng Em ở ấp Xẻo Cạn, xã Ninh Thới đưa chúng tôi đi xem hơn chục điểm sạt lở đã được gia cố bằng cừ tràm, cây dừa nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Tại điểm sạt lở khu vực phía đầu cồn của ấp Xẻo Cạn (giáp với thị trấn Cầu Quan, huyện Tiểu Cần) đang có những hố trũng sâu từ 04 - 06m, nằm sát với đường ven Sông Hậu.
Nhà vườn Trần Chí Linh, ấp Xẻo Cạn cho biết: gia đình có gần 01ha đất vườn cây ăn trái, phần đất ven Sông Hậu dài hơn 100m. Từ năm 2018 - 2019, đoạn sạt lở phía trước nhà (hơn 20m) đã được huyện đầu tư gia cố bằng cừ dừa để tránh sạt lở. Tuy nhiên, khoảng 02 - 03 năm nay, tình trạng sạt lở đang diễn biến phức tạp, trong đó, đơn vị thi công tuyến đường ven Sông Hậu khi xử lý lấy đất vào đắp gia cố chân đường, đã cho phương tiện xáng cạp lấy đất ngay sát bờ, làm tăng độ hẳm của chân đê, gây nên sụt lún, sạt lở thêm.
Bên cạnh những đoạn sạt lở lớn ven tuyến Sông Hậu ở huyện Cầu Kè, hiện có chi phí đầu tư vượt ngoài tầm tay của địa phương nên các điểm sạt lở trên phải chờ sự hỗ trợ của tỉnh.
Công trình kè chống sạt lở khu vực thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè có tổng giá trị đầu tư hơn 73 tỷ đồng.
Theo báo cáo của lãnh đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh), hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 48 điểm/khu vực sạt lở và tràn bờ sông, bờ biển đặc biệt nguy hiểm, dài khoảng 214km cần khắc phục ngay nhưng chưa được bố trí vốn để đầu tư xây dựng công trình (ước kinh phí thực hiện khoảng 5.844 tỷ đồng); trong đó, 44 khu vực sạt lở bờ sông, dài khoảng 198,9km, ước kinh phí thực hiện khoảng 4.325 tỷ đồng, 04 khu vực sạt lở bờ biển, tổng chiều dài khoảng 16km, ước kinh phí thực hiện khoảng 1.518 tỷ đồng.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.