19/04/2021 05:38
Tàu đánh bắt thủy, hải sản neo đậu tại Cảng cá Định An, huyện Trà Cú.
Ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh có Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào Sông Hậu xuyên qua địa phận tỉnh Trà Vinh thông với Biển Đông, nối liền cảng Cái Cui (Cần Thơ). Đây là công trình giúp Trà Vinh trở thành đầu mối giao thương hàng hóa với quốc tế thông qua con đường vận tải biển và là điều kiện thuận lợi để hàng hóa nông sản thế mạnh của tỉnh Trà Vinh tiếp cận thị trường trong nước, các nước tiểu vùng sông MeKong và các nước cộng đồng kinh tế ASEAN.
Cùng với luồng tàu biển, tỉnh còn có Khu Kinh tế Định An, là 01 trong 08 khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước được Trung ương đầu tư nhằm khai thác tiềm năng kinh tế biển; thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và tăng trưởng công nghiệp địa phương nói riêng, đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Khu Kinh tế Định An tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, gồm công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch, đô thị và nông - lâm - ngư nghiệp và được định hướng phát triển thành vùng kinh tế động lực; trong đó, ưu tiên phát triển các ngành như: sản xuất điện năng, hóa dầu, đóng tàu cùng các ngành công nghiệp phụ trợ khác… đây là lợi thế lớn để các nhà đầu tư khai thác tiềm năng về giao thông vận tải, vận chuyển hàng hóa, thương mại dịch vụ, du lịch và các giao lưu văn hóa - xã hội của tất cả các vùng miền trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, tỉnh có nhiều lợi thế phát triển nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản với gần 34.000ha nuôi trồng và gần 1.200 tàu đánh bắt… tuy có tiềm năng và lợi thế nhưng nhìn nhận một cách khách quan, kinh tế biển ở Trà Vinh nhiều năm qua vẫn chưa phát triển xứng tầm.
Thực tế cho thấy, ở lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy sản, với diện tích gần 34.000ha nuôi thủy sản vùng nước mặn và lợ, hàng chục năm qua, tỉnh chỉ có khoảng 635ha nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao; tàu cá đánh bắt thủy sản chủ yếu là tàu nhỏ, ngư cụ, máy móc, thiết bị công nghệ đánh bắt chưa đủ mạnh và hiện đại. Vì vậy, tái cơ cấu ngành thủy sản của tỉnh thời gian chuyển biến chậm, tăng trưởng của ngành này chưa cao và thiếu tính bền vững.
Khu Kinh tế Định An sau 12 năm thành lập đến nay chỉ mới thu hút được trên 50 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 155.000 tỷ đồng (tương đương 6,7 tỷ USD); trong đó nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 2,71 tỷ USD với các lĩnh vực như: cảng biển, logistics, nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời, kho xăng dầu, siêu thị, nhà máy chế biến thủy sản, khu ươm tôm giống, vật liệu xây dựng, du lịch sinh thái biển, giải trí, lĩnh vực giáo dục, y tế, khu đô thị… Nơi đây vẫn chưa thu hút được nhiều dự án lớn, quan trọng, các nhà đầu tư trong nước còn nhỏ lẻ, số lượng nhà đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài còn ít, thiếu đầu tư những ngành nghề tạo thế mạnh tác động vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, đóng góp của Khu kinh tế này còn “khiêm tốn”, chưa thể hiện vai trò động lực phát triển như mục tiêu đề ra.
Với những vướng mắc, trở ngại đã qua, giai đoạn từ năm 2021 - 2025, tỉnh tập trung dồn sức, tạo bước đột phá về kinh tế biển. Theo đó, tỉnh đề ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng, như đẩy mạnh đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực chuyên môn cao, cải cách hành chính… để thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Tỉnh chủ trương phát triển kinh tế biển song song cùng công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch. Đây được xem động lực trọng tâm của tỉnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng hợp lý và hiệu quả, tăng nguồn thu ngân sách, nâng cao thu nhập cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội, vững chắc quốc phòng an ninh. Tỉnh quyết tâm trở thành trung tâm kinh tế biển của khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2025.
Hiện nay, tỉnh đang huy động các nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển kinh tế biển; phát triển hệ thống cảng biển trở thành trung tâm giao thương cả vùng; kêu gọi đầu tư vào khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật khu đô thị- dịch vụ- công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật khu kho ngoại quan – logistic, nhà máy đóng, sửa tàu thuyền và sản xuất gia công cơ khí; đẩy mạnh phát triển sản xuất và chế biến thủy sản. Cụ thể, các địa phương ven biển đang thực thi các chính sách ưu đãi của Trung ương, của tỉnh để mời gọi doanh nghiệp đầu tư, khai thác khoảng 50.000ha đất ven biển và 15.000ha đất bãi bồi, cồn nổi để nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng hóa đối tượng nuôi gắn với thích ứng biến đổi khí hậu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, tạo giá trị gia tăng, gắn công nghiệp chế biến với thị trường xuất khẩu. Chủ trương của tỉnh là phát triển kinh tế biển gắn với phát triển du lịch biển và du lịch sinh thái trở thành trung tâm của vùng. Đặc biệt, phát triển năng lượng sạch, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đang triển khai trong lĩnh vực điện gió, điện khí trên địa bàn tỉnh…
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, ông Lâm Hữu Phúc cho biết, tỉnh xác định cải thiện môi trường kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế bền vững, là một trong những nhiệm vụ cấp thiết hàng đầu hiện nay. Với mong muốn xây dựng một chính quyền kiến tạo, phục vụ, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển, Trà Vinh đang nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Ngoài ra, tỉnh vừa xây dựng Bộ Chỉ số đo lường năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh (DDCI), do Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vửa tỉnh Trà Vinh (Dự án SME Trà Vinh) hỗ trợ thực hiện, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng làm đơn vị tư vấn. DDCI của tỉnh Trà Vinh gồm 09 chỉ số thành phần, nhằm đo lường năng lực của chính quyền các huyện/thị xã/thành phố và các sở, ban ngành trong điều hành kinh tế. Trên cơ sở kết quả đánh giá của doanh nghiệp, các sở, ngành, địa phương nhận thấy những điều cần cải thiện, để đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quỳnh Thiện, UBND tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu xây dựng Đề án Chiến lược phát triển kinh tế biển tỉnh Trà Vinh theo hướng bền vững giai đoạn 2021 - 2030. Trên cơ sở Đề án này, tỉnh sẽ xây dựng chính sách đặc thù riêng về phát triển kinh tế biển của tỉnh để xin ý kiến Trung ương cho tỉnh ban hành chính sách đặc thù thích hợp tất cả các lĩnh vực hỗ trợ phát triển kinh tế biển của tỉnh. Trước mắt, tiếp tục triển khai, vận dụng các chính sách đã ban hành còn hiệu lực để hỗ trợ hiệu quả cho các nhà đầu tư trên các địa bàn thuộc các huyện, thị ven biển như chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản xuất khẩu, đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, phát triển năng lượng tái tạo….
Trà Vinh nỗ lực cải thiện tốt môi trường đầu tư để đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà đầu tư, thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế biển của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp an tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. “Tỉnh quyết tâm xây dựng một chính quyền kiến tạo, nhằm phục vụ, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh - Nguyễn Quỳnh Thiện khẳng định.
Bài, ảnh: THANH HÒA
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.