06/02/2023 16:15
Hoa màu chuẩn bị phục vụ Tết của người dân xã Tân Hòa.
Xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2017 và đạt NTM nâng cao năm 2020. Trước đây là địa phương vùng sâu, khó khăn của huyện Tiểu Cần, nay cuộc sống của người dân thay đổi đáng kể, nhất là những con đường rộng mở đến tận các ấp Sóc Dừa, Sóc Cầu.
Đồng chí Nguyễn Trung Chánh, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hòa cho biết, cũng như những địa phương khác của huyện Tiểu Cần, người dân ý thức, đồng lòng nỗ lực XDNTM, từ đó, giúp đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng tăng lên, bộ mặt nông thôn Tân Hòa ngày càng đổi mới, hộ nghèo ít, thu nhập bình quân cuối năm 2021 đạt trên 62 triệu đồng/người/năm.
Cây dừa là thế mạnh của xã Tân Hòa với diện tích trên 1.500ha, trong đó trên 1.100ha đang cho trái, sản lượng khoảng 15,84 triệu trái/năm. Nhằm phát huy thế mạnh của cây dừa, năm 2019, UBND xã thực hiện mô hình canh tác dừa theo hướng hữu cơ và chỉ đạo hợp tác xã nông nghiệp Tân Thành vận động 230 hộ dân của các ấp trên địa bàn xã để tuyên truyền vận động các hộ chuyển đổi từ sản xuất dừa truyền thống sang sản xuất dừa hữu cơ, để thực hiện chuỗi giá trị sản xuất từ đầu vào đến đầu ra và liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, gắn với ứng dụng công nghệ… Đây là hướng đi cốt lõi, đảm bảo cho liên kết sản xuất bền vững, có vùng nguyên liệu chất lượng cao, mỗi năm tiêu thụ khoảng 2,4 triệu trái dừa trong vùng nguyên liệu, giải quyết việc làm thường xuyên nhiều lao động tại địa phương.
Bó chổi là một trong những nghề giải quyết được việc làm ổn định cho người dân xã Tân Hòa.
Ngoài đầu tư hệ thống giao thông phục vụ đi lại, Tân Hòa được quan tâm xây dựng tuyến đường phục vụ sản xuất, tiêu thụ nông sản. Trong đó, có tuyến đường vào vùng nguyên liệu dừa ấp Cần Tiêu dài 1,7km, kinh phí 3,6 tỷ đồng, nâng cấp đường vào vùng nguyên liệu dừa ấp Cao Một, dài 1,76km, kinh phí 4,6 tỷ đồng… nhờ đó, bộ mặt nông thôn ngày thêm khởi sắc, đời sống người dân ngày càng phát triển.
Xã Đại An cũng là địa phương vùng sâu của huyện Trà Cú với trên 71% dân số là dân tộc Khmer. Bắt tay vào XDNTM với nhiều khó khăn nhưng chính quyền địa phương đã nỗ lực tuyên truyền và được người dân đồng thuận. Được biết, trước khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, xã Đại An có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém, khoảng 40% hộ nghèo, cận nghèo, là một trong những xã nghèo thuộc Chương trình 135 của Chính phủ, đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Qua hơn 10 năm XDNTM, kinh tế - xã hội xã Đại An ổn định, UBND xã chỉ đạo người dân phát triển sản xuất dựa vào tiềm năng đất đai, lao động tại địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, cây màu… Đồng thời, duy trì phát triển nghề truyền thống (đan đát), phát triển thương mại - dịch vụ. Đặc biệt, kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Năm 2018, Đại An được công nhận đạt chuẩn NTM và đạt NTM nâng cao năm 2021.
Đồng chí Tô Thị Mỹ Hạnh, Bí thư Đảng ủy xã Đại An cho biết: xác định XDNTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, xã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm, đột phá về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, bố trí lại cây trồng vật nuôi phù hợp với từng vùng sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu và nuôi thủy sản đạt hiệu quả cao, đặc biệt duy trì diện tích trồng môn là cây trồng chủ lực của địa phương, sản lượng hàng năm đạt trên 300 tấn, lợi nhuận từ 120 - 150 triệu đồng/ha. Gần đây, người dân địa phương phát triển nuôi thủy sản, giúp nâng cao thu nhập.
Ông Thạch Long, Bí thư Chi bộ ấp Giồng Lớn A phấn khởi trước nhiều đổi thay của địa phương. Ông Long cho biết: ấp có địa bàn rộng, khoảng 600 hộ dân, 85% dân tộc Khmer. Được tuyên truyền, vận động, hỗ trợ từ các cấp, các ngành, người dân đã dần ý thức sản xuất hiệu quả, thu nhập tăng, đời sống phát triển. Chung tay thực hiện các công trình, phần việc góp phần cùng địa phương XDNTM, chăm lo con em đến trường, xây dựng nhà ở kiên cố, khang trang. Ngoài sản xuất nông nghiệp, thủy sản, nhiều hộ trong ấp vẫn giữ nghề đan đát nhằm duy trì việc làm cho người cao tuổi, phát huy thế mạnh sản phẩm tiểu thủ công nghiệp địa phương.
Chung tay XDNTM, các địa phương trong tỉnh đều phát huy lợi thế, khai thác tốt những tiềm năng, tạo đột phá trong sản xuất, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân. Sự bứt phá vượt bậc đó đã minh chứng cho những chủ trương đúng đắn, những cách làm phù hợp trong triển khai XDNTM. Các xã NTM khoác lên mình một màu áo mới, màu áo của sự thắng lợi, no đủ, an lành, thể hiện tinh thần đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các địa phương, tạo nên sức mạnh tổng hợp, cùng chung tay xây dựng quê hương Trà Vinh ngày thêm giàu đẹp.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.