15/07/2024 08:45
Đồng chí Nguyễn Văn Khá, phụ trách Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Càng Long phản ánh tình hình khó khăn trong tiêm phòng cúm gia cầm đối với hộ nuôi nhỏ lẻ.
Tham dự hội nghị, có các đồng chí: Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trà Vinh; Ngô Đức Thạnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cùng với gần 300 đại biểu là cán bộ, công chức, viên chức các Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, thị xã, thành phố và Thú y viên cơ sở.
Trong 06 tháng đầu năm 2024, tình hình dịch bệnh, đối với động vật trên cạn như bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng ở gia súc; viêm da nổi cục ở trâu, bò… được kiểm soát và không xảy ra trên diện rộng. Chi cục chủ động đề ra giải pháp thực hiện phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm ngay từ đầu năm 2024 (đặc biệt là công tác tiêm phòng) cùng với lực lượng nhân viên thú y được tỉnh hỗ trợ tăng cường về cơ sở...
Tại hội nghị, đại biểu nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi; trong đó, công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm còn khó khăn. Trong đó, huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần… hiện còn thiếu lực lượng nhân viên thú y theo quy định; huyện cũng gặp không ít khó khăn trong công tác tiêm phòng ở hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Công tác phối hợp tuyên truyền với chính quyền địa phương chưa đồng bộ …
Theo kế hoạch trong 06 tháng cuối năm tổ chức giám sát dịch bệnh đối với 05 cơ sở sản xuất và 35 cơ sở nuôi tôm giống, tại các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải. Xây dựng và công nhận 06 vùng an toàn dịch bệnh cấp xã: Nhị Trường, Trường Thọ, huyện Cầu Ngang; xã Phong Phú, Phong Thạnh, huyện Cầu Kè; xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè; thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành. Lấy 58 mẫu kiểm tra, giám sát sự lưu hành vi-rút và lấy 501 mẫu giám sát sau tiêm phòng cúm gia cầm, viêm da nổi cục; ngoài ra, lấy mẫu giám sát bệnh tại cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, tổng cộng 1.261 mẫu... Thực hiện “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc khử trùng đợt 2/2024, theo sự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh (khoảng tháng 9 - 10/2024) để làm sạch môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT chỉ đạo trong thời gian tới, Chi cục và các Trạm Chăn nuôi và Thú y cần: Tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT (Công văn số 4687/BNN-TY, ngày 02/7/2024 của Bộ NN-PTNT), Cục Thú y, UBND tỉnh.
Phát triển chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại, công nghiệp và bán công nghiệp; nếu còn duy trì chăn nuôi nông hộ thì phải theo hình thức hữu cơ an toàn sinh học; tiếp tục mở rộng chăn nuôi áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP; khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng.
Triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm gia súc, gia cầm và thủy sản, hạn chế tối đa khả năng lây lan và gây thiệt cho người sản xuất. Tăng cường công tác dự tính, dự báo, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho động vật trên cạn và thủy sản. Phối hợp địa phương tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức phòng bệnh của người dân.
Tin, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.