12/01/2023 11:56
Đồng chí Phạm Phước Trãi, Phó Giám đốc Sở Công thương (phải) khảo sát gian hàng thực phẩm tươi sống ở siêu thị EB Trà Vinh.
Đồng chí Phạm Phước Trãi, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: thực hiện Chỉ thị số 10/CT-BCT, ngày 08/12/2022 của Bộ Công thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2022 và dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023; Quyết định số 1215/QĐ-UBND, ngày 01/7/2022 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2022 và tết Nguyên đán năm 2023 trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở đó, Sở Công thương phối hợp với sở, ngành tỉnh, huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát về niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đầu cơ, găm hàng, gây tăng giá đột biến, bất hợp lý. Xử lý nghiêm các hành vi găm giữ hàng, các vi phạm về giá, sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuyên truyền kế hoạch bình ổn thị trường và những biến động bất thường về giá. Cung cấp thông tin cho người tiêu dùng các điểm bán hàng bình ổn và nguồn cung hàng hóa tại các doanh nghiệp, siêu thị tham gia chương trình bình ổn thị trường. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến khu dân cư, khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa,… nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng bình ổn nhân dịp Tết.
Thời điểm này các trung tâm, siêu thị, doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh đã và đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng hóa dự trữ Tết phục vụ người tiêu dùng. Đây là một trong những yếu tố quan trọng trong chuỗi cung cầu của thị trường, bình ổn hàng hóa và không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa trên thị trường. Từ ngày 04 - 06/01/2023, Sở Công thương tổ chức đoàn công tác để nắm lại tình hình dự trữ hàng hóa phục vụ bình ổn thị trường Tết tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua khảo sát, hầu hết các siêu thị, doanh nghiệp phân phối hàng hóa đã khởi động nguồn cung để cung cấp đầy đủ hàng hóa và đảm bảo chất lượng phục vụ người tiêu dùng.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Cường Thịnh, Giám đốc siêu thị Co.opmart Trà Vinh cho biết: thực hiện công tác dự trữ các mặt hàng phục vụ bình ổn năm 2022 và Tết Nguyên đán năm 2023, siêu thị Co.opmart Trà Vinh dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ 03 tháng trước, trong và sau Tết với tổng giá trị gần 30 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm trước. Trong đó, phần lớn ngân sách ưu tiên đầu tư cho trữ lượng 09 nhóm hàng bình ổn thị trường gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt và trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ qua, thủy hải sản, còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản Tết. Để giảm áp lực mua sắm dồn vào những ngày cuối năm, Co.opmart Trà Vinh đồng loạt giảm giá hàng Tết sớm từ trước 02 tháng so với Tết để người tiêu dùng chủ động có kế hoạch mua sắm các mặt hàng trang trí, vệ sinh nhà cửa và nhu yếu phẩm.
Trao đổi với bà Lý Thị Cẩm Hà, khách hàng tại siêu thị Co.opmart Trà Vinh (Khóm 7, Phường 8, thành phố Trà Vinh) bộc bạch: đến thời điểm này, hàng hóa đã được bày bán nhiều, sức mua bắt đầu tăng dần so với ngày thường. Chính vì thế, tôi tranh thủ vào buổi sáng và trong giờ hành chính, ít người, để lựa chọn mua sắm thoải mái, không cần xếp hàng chờ thanh toán. Đặc biệt là mua vào thời điểm nào cũng có thể mua được sản phẩm giảm giá hoặc khuyến mãi.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Giám đốc siêu thị EB Trà Vinh (Go! Trà Vinh) cho biết: để người dân an tâm đến siêu thị mua sắm trong dịp Tết, ngoài thực hiện công tác bình ổn thị trường, siêu thị đề ra chương trình khuyến mãi, giảm giá các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là hàng tuần siêu thị sẽ cập nhật giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống và niêm yết giá bằng hoặc thấp hơn giá tại các chợ. Dự đoán thị trường Tết năm nay, sức mua tại siêu thị tăng hơn năm trước. Vì lẽ đó, kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ thị trường Tết của siêu thị tăng gấp 03 lần so với năm trước.
Cùng với đó, thị trường dịp cuối năm sôi động cũng là dịp hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc có thể trà trộn, đánh lừa người tiêu dùng. Chính vì thế, Sở Công thương phối hợp xây dựng và lồng ghép các chương trình, kế hoạch để thực hiện việc kiểm tra, thanh tra về quản lý giá, công tác chống hàng gian, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn theo Kế hoạch số 15/KH-BCĐ389, ngày 10/12/2022 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Theo đồng chí Phạm Phước Trãi, để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh trái pháp luật, Sở Công thương tham mưu ban hành Kế hoạch số 09/KH-BCĐ389, ngày 13/12/2022 cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch số 09, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã đưa ra 08 nội dung trọng tâm trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết. Trong đó, tập trung kiểm tra về giá sản phẩm (niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết), chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Các mặt hàng kiểm tra chủ yếu ở lĩnh vực buôn bán, vận chuyển các mặt hàng cấm như pháo các loại, đồ chơi trẻ em kích động, bạo lực, các mặt hàng thiết yếu và tiêu thụ nhiều trong dịp tết như: rượu ngoại, thuốc lá ngoại, bánh mứt, kẹo, thực phẩm các loại; nông sản, hoa quả, gia súc, gia cầm, các phụ phẩm gia súc, gia cầm và các mặt hàng khác. Địa điểm kiểm tra khu vực thành phố, các chợ huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh; chú trọng kiểm tra các cá nhân và cơ sở sản xuất, kinh doanh có dấu hiệu vi phạm.
Bên cạnh đó, Sở Công thương đã phối hợp với các phương tiện truyền thông, UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền phổ biến nội dung của chương trình bình ổn và hơn 40 điểm bán hàng trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng thông tin điện tử,… nhằm giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các mặt hàng bình ổn.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.