03/09/2022 14:06
Chị Bùi Thị Thi chăm sóc heo con.
Khởi nghiệp với 06 công đất cha mẹ cho lúc ra riêng, chị Bùi Thị Thi, sinh năm 1978, hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Sóc Vinh, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long trồng lúa nhưng không mang lại hiệu quả nên những năm sau chị quyết định lên vườn trồng dừa.
Trong thời điểm khó khăn, gia đình chị Thi được Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Phương Thạnh hỗ trợ cho vay 24 triệu đồng để đầu tư vào chăn nuôi. Nguồn vốn vay từ Dự án Phát triển chăn nuôi bò, gia đình chị mua được 02 con bò, nay đã sinh sản được 02 con bò con. Ngoài ra, từ nguồn vốn Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Càng Long, Hội LHPN xã cho vay 30 triệu đồng sản xuất, kinh doanh để nuôi heo và nuôi gà, nhờ vậy kinh tế gia đình ngày càng phát triển với tổng thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Chị Thi cho biết: năm đầu tiên, gia đình chị nuôi 1.200 con gà và 10 con heo sinh sản và heo thịt. Đối với heo sinh sản, heo thịt mỗi năm xuất 02 đợt lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng, với tổng lợi nhuận đợt chăn nuôi đầu khoảng 60 triệu đồng. Nhận thấy nghề chăn nuôi đem lại hiệu quả cao, năm thứ hai, gia đình chị tiếp tục đầu tư vốn nuôi 2.500 con gà, nhưng do giá thị trường sụt giảm nên lỗ hơn 60 triệu đồng. Bù lại 03 con heo nái sinh sản được 35 con heo con, lợi nhuận trên 20 triệu đồng. Không nản lòng, năm thứ ba, chị tiếp tục nuôi gà 3.000 con, nhờ giá thị trường ổn định 75.000 đồng/kg, đem đến lợi nhuận 105 triệu đồng và duy trì tiếp 03 con heo nái để bán heo con, lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/đợt.
Chị Thi chia sẻ: nhờ số tiền lợi nhuận từ chăn nuôi chị mua thêm 07 công đất lên vườn trồng dừa, đến nay gia đình chị có 13 công dừa, nhưng hiện tại chỉ có 05 công đang cho trái, sản lượng hàng tháng khoảng 500 trái dừa, giá 30.000 - 35.000 đồng/chục (12 trái), thu nhập khoảng 02 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh trồng dừa để bán, vợ chồng chị Thi mua ghe để thu mua dừa của người dân trong và ngoài xã vận chuyển sang tỉnh Bến Tre để bán, nhờ vậy thu nhập tăng lên đáng kể. Mỗi tháng vợ chồng chị thu mua 08 chuyến dừa đem sang tỉnh Bến Tre bán, mỗi chuyến lợi nhuận khoảng 03 triệu đồng, thu nhập khoảng 24 triệu đồng/tháng. Do tình hình dịch bệnh năm vừa qua nên việc mua bán và chăn nuôi của gia đình gặp khó khăn, năm nay kinh tế mới khôi phục lại, nên thu nhập ước tính trên 100 triệu đồng/năm.
Bà Đào Thị Bé Hai, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Sóc Vinh cho biết: hiện tại Chi hội có 98 hội viên, trong đó có 02 hội viên thuộc diện hộ nghèo (01 hộ làm ăn xa), kế hoạch sẽ thoát nghèo trong năm nay. Ấp có 49 hội viên vay vốn của ngân hàng chính sách với tổng số tiền trên 1,1 tỷ đồng và tham gia gửi tiết kiệm với tổng số tiền 163 triệu đồng.
Ngoài ra, Chi hội duy trì hoạt động của 02 tổ tiết kiệm tín dụng và vay vốn, hùn vốn xoay vòng, trong đó tổ nuôi heo đất gồm 42 người tham gia góp vốn 20.000 đồng/người/tháng, 200.000 đồng/người/tháng gửi tiết kiệm tín dụng. Với tình hình chung hoạt động của Chi hội ấp thì mô hình hiện nay của ấp là tiết kiệm xoay vòng gắn với vay vốn thúc đẩy kinh tế hiệu quả. Hiện nay, 02 tổ này đang hoạt động hiệu quả. Hướng tới Chi hội tham mưu Hội LHPN xã tranh thủ nguồn vốn của trên hỗ trợ các chị có điều kiện phát triển trồng dừa và chăn nuôi, vì đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bài, ảnh: CẨM TIẾU
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.