21/01/2023 07:59
Đồng chí Lê Văn Hẳn (bên phải) và ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tại buổi ký kết hợp tác đầu tư. Ảnh: TRƯỜNG ON
Ngày 16/3/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 543/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch hành động của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.
Bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, năm 2022, các chương trình chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Trà Vinh; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Trà Vinh; thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Nghị quyết số 126/NQ-CP, ngày 08/10/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; chính sách ưu đãi về thuế theo Nghị quyết số 15/2022/NQ-CP; các dự án đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi tỉnh… đều hoàn thành các chỉ tiêu, tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế và đạt các chỉ tiêu mà Nghị quyết năm 2022 đề ra.
Năm 2022, tăng trưởng GRDP đạt 3,45%. Trong đó, Khu vực I tăng 2,29%; Khu vực II, công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi, các doanh nghiệp chủ động, linh hoạt hơn trong sản xuất, thích ứng với tình hình mới, tỉnh nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân tạo động lực cho tăng trưởng. Tuy nhiên, do Trung ương cắt giảm sản lượng điện liên tục nên tăng trưởng âm 4,93% (trong đó công nghiệp tăng trưởng âm 9,05%; xây dựng tăng trưởng dương 8,72%). Khu vực III tăng 15,67% (trong đó dịch vụ tăng 15,47%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,34%); quy mô kinh tế theo giá hiện hành ước đạt 72.076 tỷ đồng, tăng 7.555 tỷ đồng so với năm 2021. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2021 chiếm tỷ trọng 32,78% giảm còn 31,07% năm 2022; khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ từ 67,22% lên 68,93% (chỉ tiêu Nghị quyết 67,33%); GRDP bình quân ước đạt 71,07 triệu đồng/người, đạt 106% Nghị quyết (tăng 8,24 triệu đồng so với năm 2021).
Để đáp ứng nguồn vốn phục vụ nhu cầu tái sản xuất, phục hồi kinh tế, hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh kịp thời hỗ trợ nguồn vốn; tổng vốn hoạt động đạt 44.820 tỷ đồng, tăng 12% so với cuối năm 2021, tổng dư nợ đạt 37.450 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2021. Thu chi ngân sách nhà nước đạt kết quả quan trọng, ước đạt 14.566,623 tỷ đồng, đạt 140,97% dự toán. Chi ngân sách được kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm hiệu quả, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp và nhiệm vụ chi theo dự toán, tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 12.692,813 tỷ đồng, đạt 113,82% dự toán.
Đồng chí Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh (phải) kiểm tra tiến độ thực hiện công trình tại huyện Cầu Ngang.
Ảnh: MỸ NHÂN
Xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 35 xã đạt nông thôn mới nâng cao (chiếm 41,18% tổng số xã), 08/09 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn được nâng lên; cảnh quan, môi trường có nhiều khởi sắc theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp, an ninh, trật tự nông thôn được bảo đảm.
|
Năm 2022 chuyển đổi 3.418ha đất lúa sang các loại cây trồng khác và nuôi trồng thủy sản; toàn tỉnh có 24.319ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (sử dụng công nghệ tưới phun bán tự động 5.910ha, công nghệ nhà lưới và thủy canh 12,91ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ 7.452,19ha…).
Tổng giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 30.491 tỷ đồng, đạt 98,24% kế hoạch, tăng 3,82% so với cùng kỳ. Đặc biệt, tỉnh tập trung cơ cấu giống, diện tích lúa gieo trồng 201.369ha, đạt 99,97% kế hoạch; mặc dù bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện, nhưng đã kịp thời khống chế và kiểm soát; ước đến cuối năm, đàn heo đạt 277.500 con, vượt 7,35% kế hoạch; đàn bò 242.000 con, đạt 95,65%; đàn dê 21.450 con, đạt 89,38% kế hoạch; gia cầm 7,6 triệu con, đạt 97,44%; sản lượng thịt hơi các loại 80.000 tấn.
Đặc biệt, lĩnh vực thủy sản, hiện có khoảng 1.100ha nuôi tôm thâm canh mật độ cao, năng suất đạt từ 50 - 70 tấn/ha; duy trì 5.750ha diện tích nuôi tôm sinh thái kết hợp trồng rừng và 5.600ha lúa - thủy sản. Trong khai thác, toàn tỉnh có 1.139 tàu cá được đăng ký, tổng công suất 150.197CV (240 tàu có chiều dài từ 15m trở lên); 100% tàu cá đang hoạt động đều được lắp thiết bị giám sát hành trình, đủ chuẩn để kiểm soát chống khai thác bất hợp pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, sản lượng ước đạt 227.275 tấn, đạt 96,67% kế hoạch, tăng 22,16% so với cùng kỳ (tương đương tăng 41.231 tấn).
Hiện toàn tỉnh có 13 làng nghề; có 104 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP… từ đó, góp phần hỗ trợ tổng giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 29.725,38 tỷ đồng, đạt 106,79% kế hoạch; thương mại - dịch vụ... phục hồi nhanh và thích nghi với tình hình mới; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 48.129 tỷ đồng, đạt 130,95% kế hoạch, tăng 53,15% so với cùng kỳ.
Năm 2022, đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đạt nhiều kết quả quan trọng, tổng nguồn vốn ước đạt 29.044 tỷ đồng (đạt 96,81% Nghị quyết). Toàn tỉnh có 04 tuyến quốc lộ, 05 tuyến đường tỉnh, 42 tuyến đường huyện, tổng chiều dài 978,38km, trong đó đường bê-tông nhựa, láng nhựa 863,87km (chiếm 88,3%); đường đất, cấp phối 114,51km (chiếm 11,7%). Các tuyến quốc lộ cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa, giao thương trong và ngoài tỉnh nhưng chưa đạt cấp hạng kỹ thuật theo quy hoạch được duyệt; các tuyến đường tỉnh, đường huyện đang khai thác đạt tiêu chuẩn từ cấp VI đến cấp IV, có cầu giao thông cơ bản đạt tiêu chuẩn kỹ thuật.
Năm 2022, đạt các thành tựu trên, nhờ tỉnh chỉ đạo phát triển khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN). Toàn tỉnh có 03 KCN, trong đó KCN Long Đức lấp đầy 100%; đang triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng để giao cho nhà đầu tư KCN Cổ Chiên; trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư KCN Cầu Quan, phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Định An đến năm 2040. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật KKT Định An, như: Dự án Tuyến số 05 KKT Định An - giai đoạn 1, Dự án Nâng cấp, sửa chữa Tuyến số 01 và 02 dẫn vào Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải. Thành lập mới Cụm Công nghiệp (CCN) An Phú Tân; đến nay toàn tỉnh có 04 CCN. Hiện nay, đã san lấp mặt bằng CCN Tân Ngại đạt 50% khối lượng; san lấp mặt bằng CCN Phú Cần đạt trên 96% khối lượng; đang triển khai thực hiện các thủ tục cấp Giấy phép xây dựng CCN Hiệp Mỹ Tây.
Từ những kết quả đạt được năm 2022, cùng với dự báo, năm 2023 Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các sở, ngành và các địa phương sẽ tập trung triển khai thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP 7,5%; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư... tập trung thực hiện một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, tập trung các giải pháp nền tảng, xây dựng nền kinh tế tăng trưởng theo hướng bền vững; dồn sức thực hiện năm cuối Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và kế hoạch 05 năm (2021 - 2025) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Đặc biệt, thực hiện Chương trình số 18-CTr/TU, ngày 15/8/2018 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Trong đó, tập trung triển khai Chương trình số 13-CTr/TU, ngày 26/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển kinh tế nông nghiệp đến năm 2025; thực hiện tốt Chương trình khuyến nông giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030; tiếp tục cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dần theo hướng công nghệ cao, mô hình nông nghiệp 4.0, liên kết sản xuất gắn với hình thành chuỗi tiêu thụ sản phẩm; phấn đấu năm 2023 có thêm 30 sản phẩm đạt OCOP, nâng chất lượng các sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp và thúc đẩy công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Thứ ba, hỗ trợ các dự án đầu tư sớm đưa vào hoạt động, nhất là các nhà máy điện gió, Dự án kho trung chuyển xăng dầu, nhà máy phối trộn xăng dầu sinh học, trạm chiết nạp, dự án Khu Bến tổng hợp Định An, dự án Khu Liên hợp sản xuất, chế biến thực phẩm, dự án Nhà máy sản xuất khí Hydrogen xanh... Tiếp tục mời gọi đầu tư hạ tầng KCN, CCN, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối nông sản, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển chợ nông thôn; phát triển chuỗi giá trị, nhãn hiệu, thương hiệu các sản phẩm hàng hóa của tỉnh.
Thứ tư, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23-CT/TU, ngày 01/7/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Đổi mới công tác xúc tiến thương mại, triển khai hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp; phát triển các loại hình doanh nghiệp cả về số lượng, quy mô và lĩnh vực hoạt động, phấn đấu phát triển mới 520 doanh nghiệp trở lên. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã và tổ hợp tác; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ hợp tác xã; nhân rộng các mô hình hợp tác xã điểm; phát triển mới ít nhất 10 hợp tác xã; trên 60% hợp tác xã hoạt động có hiệu quả.
Thứ năm, xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, phát triển đô thị; triển khai đầu tư xây dựng Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào Sông Hậu (giai đoạn 2), tập trung giải phóng mặt bằng cầu Đại Ngãi nối Trà Vinh - Sóc Trăng và nâng cấp Quốc lộ 54 (đoạn Tập Sơn - thành phố Trà Vinh), Quốc lộ 60 (đoạn Trà Vinh - Đại Ngãi). Đầu tư giai đoạn 02 các tuyến đường hạ tầng thiết yếu, đường vành đai và Đường tỉnh 915B; xây dựng và nâng cấp, mở rộng các tuyến đường tỉnh, đường huyện mới và kéo dài, đầu tư thay thế các cầu yếu gắn với bảo trì nhằm đảm bảo thông suốt giữa giao thông đường bộ với đường thủy, cảng biển, các KCN, CCN và KKT Định An.
Thứ sáu, thực hiện Chương trình số 11-CTr/TU, ngày 26/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế sâu rộng. Quan tâm đào tạo nghề, đào tạo lao động, tuyển sinh đào tạo cho 20.000 người.
Thứ bảy, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân. Trong đó, phát huy giá trị văn hóa - thể thao và du lịch; nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân; phát huy dự án Bệnh viện Đa khoa (mới); nâng cao chất lượng điều trị tại các bệnh viện; an sinh xã hội, giảm nghèo; thực hiện chính sách với người có công, đối tượng yếu thế, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới; công tác dân tộc, tôn giáo, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng báo chí, truyền thông, an toàn thông tin.
Thứ tám, thực hiện cải cách hành chính; tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém, nâng cao các chỉ số PAR Index, SIPAS. Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 120/2020/NĐ-CP, ngày 07/10/2020 của Chính phủ; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nhất là Trung tâm Phục vụ hành chính công.
LÊ VĂN HẲN
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.