27/07/2021 07:00
Tính đến cuối tháng 6/2021, nông dân trong tỉnh đã xuống giống vụ lúa hè - thu được 72.702ha (đạt 99,35% kế hoạch), tăng 3.393ha so với vụ lúa hè - thu năm 2020. Hiện nay, phần lớn lúa đang ở giai đoạn đòng trổ 48.681ha, đẻ nhánh 11.998ha, chín 11.981ha… và một số diện tích đã thu hoạch, chủ yếu khu vực xã Thạnh Phú, Thông Hòa (huyện Cầu Kè), Tân An, Tân Bình (huyện Càng Long).
Cánh đồng lúa hè-thu ở xã An Quảng Hữu, huyện Trà Cú.
Theo ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh: cơ cấu giống trong vụ lúa hè - thu năm 2021, chủ yếu tập trung và nhóm giống chất lượng cao, chiếm 67,8% diện tích (gồm: OM5451, OM4900, Đài Thơm 8, OM429, OM6976…); nhóm giống chất lượng trung bình chiếm 21,8% (gồm: IR50404, ML202, Siêu Hàm Trâu) và nhóm thơm, đặc sản chiếm 0,7% diện tích (gồm: ST24, ST25, RVT, Nàng Hoa 9), còn lại các giống khác chiếm 9,7%...
Ghi nhận về tình hình sản xuất vụ lúa hè - thu năm 2021 trên địa bàn huyện Cầu Kè, đến nay, diện tích xuống giống lúa hè - thu của huyện trên 8.101ha (vượt 0,2% diện tích so với kế hoạch); trong này, có trên 7.850ha lúa trong giai đoạn đòng trổ. Theo ông Nguyễn Văn Đởm, Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Cầu Kè: đối với trà lúa hè - thu năm nay tương đối tốt so với năm 2020, đầu vụ sản xuất trà lúa không bị ảnh hưởng mặn, khô hạn và trong quá trình sinh trưởng, bệnh và sâu gây hại trên trà lúa hè - thu ít, nông dân thực hiện tốt các biện pháp canh tác và phòng trừ sâu bệnh trên lúa… Qua khảo sát thực tế trên đồng ruộng và ghi nhận tại một số diện tích lúa hè - thu đã thu hoạch, cho thấy khả năng lúa đạt năng suất cao hơn cùng kỳ khoảng 25% (từ 6,3 - 6,5 tấn/ha, lúa khô).
Còn tại huyện Tiểu Cần, vụ lúa hè - thu năm 2021 đã xuống giống 11.566/11.710ha, đạt 98,7% kế hoạch; các giống được nông dân tập trung xuống giống nhiều là OM18, OM5451, Om4900…
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phú Cần, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần cho biết: vụ lúa hè - thu năm nay tương đối thuận lợi, nông dân không phải xuống giống lại nhiều lần như vụ hè - thu năm 2020; cùng với đó là lịch thời vụ được triển khai đồng loạt và lúa có giá cao nên nông dân đầu tư tốt cho sản xuất, kết cấu hạ tầng về thủy lợi cũng phát huy hiệu quả trong sản xuất. Đối với diện tích sản xuất của các thành viên trong hợp tác xã, khả năng trà lúa hè-thu năm nay đạt năng suất khá cao, khoảng 07 tấn/ha.
Một số khuyến cáo của ngành nông nghiệp đối với các diện tích lúa sẽ bắt đầu trổ chín và cho thu hoạch trong thời điểm tháng 8, tháng 9 nông dân gặp nhiều bất lợi khi mưa bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Do vậy, để hạn chế lúa bị đổ ngã; nông dân cần tuân thủ tốt các giải pháp kỹ thuật như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm
Đặc biệt, cần quản lý tốt lượng nước trên đồng và bón phân cân đối để cây lúa hấp thu tốt chất dinh dưỡng và tạo được bộ rễ cứng cáp, giúp cây lúa khỏe hơn. Nông dân không nên bón phân cho lúa vào giai đoạn nuôi đòng hoặc dứt hạt vì trà lúa trong vụ hè - thu cần giữ cho lá xanh và óng vàng để có khả năng chống chịu mưa bão tốt hơn.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.