15/08/2024 11:16
Không nằm ngoài xu thế chung của toàn cầu, Trà Vinh đã và đang tích cực tham gia đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX).
Việc áp dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ và chuyển đổi số trong phát triển kinh tế tập thể, HTX gắn với sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị tại các tỉnh Tây Bắc Sông Hậu trong những năm gần đây đã được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm thực hiện đồng bộ, hiệu quả, từ đó giúp nâng cao hiệu quả cũng như đáp ứng nhu cầu về phát triển kinh tế tập thể.
Phát triển hợp tác xã - tăng liên kết, nâng hiệu quả
Hiện các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc Sông Hậu có 1.423 HTX, liên hiệp HTX, trong đó có 1.047 HTX nông nghiệp, 285 HTX phi nông nghiệp, 81 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở và 09 liên hiệp HTX với vốn điều lệ 2.494 tỷ đồng, thu hút 285.218 thành viên tham gia, giải quyết việc làm 49.612 lao động. Các HTX đã mạnh dạn đầu tư mới áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào quy trình sản xuất, chế biến tạo nhiều sản phẩm có giá trị và chất lượng, được thị trường đón nhận. Đến nay, khu vực Tây Bắc Sông Hậu có 239 HTX có sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, có 118 HTX với 154 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao trở lên; 216 HTX có sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn VietGAP, GlobalGAP và 254 HTX có sản phẩm chủ lực hoạt động có hiệu quả.
Người lao động của HTX nông nghiệp Thành Chí phân loại chanh không hạt.
Đồng chí Thái Phước Lộc, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: những năm qua, các HTX đã triển khai nhiều biện pháp kỹ thuật, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là các HTX nông nghiệp linh động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi lịch thời vụ, kết hợp sử dụng các giống mới vào sản xuất; ứng dụng khoa học - kỹ thuật, khoa học công nghệ vào quy trình canh tác nông nghiệp. Qua đó, đã hình thành đa dạng các mô hình HTX kiểu mới, áp dụng có hiệu quả các kỹ thuật canh tác nông nghiệp hiện đại, thông minh gắn với sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị ngành hàng.
Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng sản phẩm của các tổ hợp tác, HTX chiếm lĩnh trên thị trường trong khu vực vẫn còn ít, kiểu dáng mẫu mã chưa đa dạng, phong phú. Việc liên kết giữa các doanh nghiệp với các HTX chưa mang lại hiệu quả cao, chưa ổn định. Các sản phẩm của các HTX nông nghiệp sức cạnh tranh còn thấp.
Phần lớn các HTX đang hoạt động với phương thức thủ công, truyền thống, trình độ đội ngũ cán bộ quản lý còn hạn chế, ngại thay đổi, ngại tiếp cận công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. Hoạt động của các HTX quy mô còn nhỏ lẻ, chủ yếu sản xuất, kinh doanh truyền thống. Năng lực tài chính yếu nên khó tiếp cận công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực, trình độ của cán bộ quản lý HTX còn hạn chế, chủ yếu hoạt động theo kinh nghiệm, chưa qua đào tạo nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận và thực hiện quá trình chuyển đổi số.
Để định hướng giải pháp phát triển kinh tế tập thể, HTX gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, Liên minh HTX các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc Sông Hậu đã chủ động triển khai nhiều hoạt động, lồng ghép các chương trình hỗ trợ, cụ thể hóa các chính sách của Trung ương, của tỉnh để tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các HTX xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị. Đồng thời tập trung tư vấn định hướng mô hình sản xuất, liên kết vùng nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, tổ chức cho các HTX, đơn vị thành viên có sản phẩm, hàng hóa tham gia quảng bá, tìm kiếm thị trường, đối tác tại các hội nghị, hội chợ xúc tiến thương mại của Liên minh HTX Việt Nam và các tỉnh tổ chức. Đối với các HTX cần chủ động tìm tòi, học hỏi, tiếp cận và mạnh dạn đổi mới, ứng dụng công nghệ, thiết bị, kỹ thuật mới vào các quy trình sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế tập thể, HTX, thúc đẩy nền sản xuất xanh.
Liên kết sản xuất, hướng đi bền vững
Thời gian qua, Trung ương đã có nhiều chính sách khuyến khích HTX liên kết chuỗi giá trị như ưu đãi về tín dụng, HTX được vay tín dụng ưu đãi để sản xuất theo mô hình liên kết tối đa bằng 70% giá trị của dự án theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Ngoài ra, còn có chính sách ưu đãi về thuế, cho thuê đất, hỗ trợ bồi dưỡng, đào tạo, hỗ trợ ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới, đầu tư kết cấu hạ tầng và hoạt động xúc tiến thương mại… Tuy nhiên, do liên kết còn yếu nên nhiều chính sách ưu đãi chưa phát huy hiệu quả. Hiện trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có 11 HTX đang vay vốn với gần 5,3 tỷ đồng, hiện dư nợ còn gần 2,9 tỷ đồng. Đồng thời, giải ngân 01 tỷ đồng từ Quỹ 120 (Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm Trung ương) cho 20 dự án thuộc 06 HTX vay; giải ngân gần 1,5 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, Liên minh Việt Nam cho 02 HTX vay. Từ nguồn vốn vay, các HTX đã đầu tư trang thiết bị, mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị sản phẩm. Qua đó, giúp các HTX nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động trong HTX.
Những năm gần đây, các HTX trên địa bàn tỉnh đã liên kết với các tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp và chủ động tìm kiếm kết nối với các doanh nghiệp để tạo đầu ra sản phẩm. Không chỉ liên kết với các tổ hợp tác sản xuất, HTX nông nghiệp Thành Chí, xã Huyền Hội, huyện Càng Long đã liên kết với Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ (Hà Lan) trong khâu sản xuất và bao tiêu sản phẩm chanh không hạt với giá hợp đồng ban đầu 10.000 đồng/kg và mua theo giá thị trường nên nông dân an tâm sản xuất.
Ông Phan Đức Tài, Giám đốc HTX nông nghiệp Thành Chí cho biết: ban đầu, khi mới thành lập có 10 thành viên tham gia trồng thử nghiệm 07ha chanh không hạt, sau đó nhận thấy việc liên kết với doanh nghiệp tạo đầu ra sản phẩm ổn định, năng suất chanh đạt từ 30 - 50 tấn/ha/năm, lợi nhuận từ 300 - 500 triệu đồng/ha/năm. Do đó, những năm tiếp theo HTX đã thu hút đến nay 20 thành viên tham gia sản xuất 40ha, góp phần giải quyết việc làm cho 23 lao động địa phương.
Ngoài ra, HTX còn liên kết với các huyện Châu Thành, Trà Cú, Tiểu Cần triển khai thực hiện mô hình chanh không hạt trên diện tích 142ha. Bên cạnh đó, HTX phối hợp với Hội Nông dân hỗ trợ vốn vay cho các thành viên tham gia từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, giúp thành viên an tâm đầu tư mùa vụ mới.
Mô hình trồng ớt chỉ thiên trong nhà lưới của HTX nông nghiệp Thành Công.
Tại xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, HTX nông nghiệp Thành Công do ông Từ Ngọc Ngà dẫn dắt từng bước liên kết chuỗi sản xuất cây ớt chỉ thiên, góp phần giải quyết đầu ra sản phẩm, tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương.
Ông Từ Ngọc Ngà, Giám đốc HTX nông nghiệp Thành Công cho biết: HTX thành lập năm 2014 với 08 thành viên, nay nâng lên 50 thành viên tham gia sản xuất 2,6ha. Ban đầu các thành viên trồng ớt theo phương pháp truyền thống, giá bán bấp bênh, lợi nhuận thấp. Đến năm 2019 được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà lưới trồng ớt theo hướng hữu cơ, bình quân 100 triệu đồng/nhà lưới, từ đó, năng suất nâng cao và được liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những năm tiếp theo, được Nhà nước hỗ trợ các thành viên HTX mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thêm nhà lưới trồng ớt chỉ thiên. Đồng thời, HTX còn liên kết hỗ trợ các hộ dân khác xây dựng thêm 06 nhà lưới, cung ứng dịch vụ giống ớt chỉ thiên (AK17) và phân thuốc hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng đạt chuẩn châu Âu đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Đến nay, HTX quản lý 14 nhà lưới trồng ớt chỉ thiên, năng suất bình quân đạt 03 tấn/0,1ha, hiện nay giá thị trường 50.000 đồng/kg, lợi nhuận 100 triệu đồng/0,1ha/năm.
Từ những kết quả đạt được, tin rằng với sự dẫn dắt, hướng dẫn của Liên minh HTX, thời gian tới, các HTX trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, kinh doanh, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.