22/08/2024 18:14
Bài cuối: Thực trạng và giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ
HTX nông nghiệp Ngọc Biên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình đóng gói gạo quê tôi đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Thực trạng ứng dụng khoa học công nghệ trong khu vực hợp tác xã
Tiến sĩ Lê Tuấn An, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Môi trường - Liên minh HTX Việt Nam cho biết: đến cuối tháng 6/2024, cả nước có 139 Liên hiệp HTX, 74.833 tổ hợp tác và 32.688 HTX, trong đó có 21.991 HTX nông nghiệp, 9.695 HTX phi nông nghiệp, 1.182 quỹ tín dụng nhân dân. Các chỉ tiêu về hiệu quả hoạt động của HTX, liên hiệp HTX và tổ hợp tác đều tăng so với năm 2023, đặc biệt quy mô sản xuất, xu hướng hợp tác được mở rộng, đi vào thực chất. Đóng góp vào thành quả trên, một phần quan trọng là kết quả ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế tập thể, HTX. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra còn chậm với quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, trình độ công nghệ không cao, nguyên nhân chủ yếu do nguồn lực tài chính đầu tư vào đổi mới, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật còn thấp và rào cản lớn nhất là trình độ cán bộ quản lý HTX yếu kém, năng lực khai thác thông tin, mức độ sẵn sàng ứng dụng và tiếp nhận đổi mới khoa học - kỹ thuật còn hạn chế.
Theo Thông tư số 17/2019/TT-BKHCN, ngày 10/12/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ về hướng dẫn đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất và Quyết định số 1970/QĐ-BTTTT, ngày 13/12/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số.
Năm 2022, Viện Khoa học công nghệ và Môi trường đã thực hiện khảo sát, đánh giá về hiện trạng và nhu cầu, khả năng tiếp nhận công nghệ trong các HTX tiểu thủ công nghiệp, Viện tiến hành khảo sát 422 HTX thuộc 05 ngành nghề tiểu thủ công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu cao (mây tre đan; dệt may, thêu ren; đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ; gốm sứ; giấy) tại 21 tỉnh thuộc 07 vùng kinh tế cho thấy trong 03 năm gần nhất có gần 60% HTX đã ứng dụng, đổi mới công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đánh giá về năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, có khoảng 85% HTX sử dụng máy tính và ứng dụng các phần mềm vào hoạt động sản xuất, kinh doanh (chủ yếu là các phần mềm kế toán và một số phần mềm phục vụ sản xuất, kinh doanh như phần mềm chạy máy CNC cho các sản phẩm đồ gỗ, mây tre, phần mềm phục vụ khai thác thông tin về mẫu mã sản phẩm và thương mại điện tử, email...).
Về trình độ cán bộ quản lý được đào tạo qua bậc đại học chiếm từ 16 - 24% tùy theo lĩnh vực, hầu hết các cán bộ quản lý mới được đào tạo hết sơ cấp và trung cấp. Lực lượng lao động tại các HTX chủ yếu làm việc theo phương thức truyền nghề, thực hành tại chỗ, điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Theo Tiến sĩ Lê Tuấn An, năm 2023, Viện Khoa học công nghệ và Môi trường kháo sát 200 HTX được lựa chọn ngẫu nhiên từ tại 30 tỉnh, thành phố trên 08 vùng kinh tế thuộc các nhóm ngành nghề như HTX nông nghiệp - thủy sản (sản xuất và kinh doanh rau, củ, quả, gia súc, gia cầm, thủy hải sản), HTX phi nông nghiệp (hợp tác xã lĩnh vực giao thông vận tải, HTX lĩnh vực thương mại - kinh doanh tổng hợp, HTX lĩnh vực sản xuất chế biến), HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Kết quả khảo sát về trình độ học vấn có 13% HTX có giám đốc được đào tạo trình độ đại học trở lên, 34% trình độ cao đẳng hoặc trung cấp, còn lại 53% giám đốc HTX chưa được đào tạo (trình độ lớp 12 hoặc thấp hơn). Có 15% kế toán HTX có trình độ đại học trở lên, 36% có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp, tuy nhiên vẫn còn 49% kế toán chưa qua đào tạo.
Về hiện trạng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo vào sản xuất, qua đánh giá mức độ áp dụng tiêu chuẩn chất lượng, tỷ lệ các HTX áp dụng tiêu chuẩn VietGAP chỉ có 19% HTX, chứng nhận ISO 22000 có 03%, có 01% HTX áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ. Từ đó, cho thấy trình độ sản xuất của các HTX còn hạn chế và thiếu khả năng cạnh tranh với thị trường trong nước. Có thể thấy hiện trạng công nghệ sản xuất của các loại hình HTX ở mức trung bình và tương đối đồng đều.
Hầu hết các ứng dụng công nghệ số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh các HTX được khảo sát đều tập trung vào sử dụng các phần mềm trên máy tính như phần mềm kế toán, trên thiết bị điện thoại thông minh như phần mềm điều khiển thiết bị tưới, bón phân; các trang thương mại điện tử và một số phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm và các ứng dụng mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Hiện trạng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của khu vực HTX trong giai đoạn hiện nay ở mức trung bình và tương đối đồng đều. Mức độ đầu tư, đổi mới trang thiết bị của các HTX chưa cao nhưng về nhu cầu đổi mới công nghệ sản xuất của các HTX rất lớn; trở ngại lớn nhất thiếu vốn đầu tư, thiếu đất canh tác, nhà xưởng để phát triển sản xuất. Nguyên nhân chính do đặc thù của mô hình HTX mang tính cộng đồng, việc tập trung mức độ quyết tâm và huy động tài chính, vốn góp của thành viên để đầu tư phát triển sản xuất gặp khó khăn. Trình độ tiếp nhận công nghệ, chính sách và các yếu tố đảm bảo môi trường sản xuất là nguyên nhân chính cản trở việc đổi mới công nghệ do nhu cầu về đất đai, nhà xưởng được quy hoạch tại địa phương.
Về mức độ chuyển đổi số, có thể thấy các HTX nói chung đang ở giai đoạn đầu của quá trình bắt đầu chuyển đổi số. Khó khăn, thách thức chủ yếu trong chuyển đổi số hiện nay là nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số trong các HTX còn hạn chế. Bên cạnh trình độ cán bộ lãnh đạo tại các HTX còn yếu, các HTX không có cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin; nền tảng thiết bị, công nghệ còn yếu; hạ tầng công nghệ thông tin còn hạn chế. Đặc biệt, tại các vùng sâu, vùng xa, trang thiết bị máy tính, các thiết bị liên lạc thông minh còn thiếu.
Bên cạnh đó, đường truyền tín hiêu internet, một số nơi chưa được phủ sóng, đây là hạn chế lớn để các HTX và thành viên tiếp cận thông tin để đổi mới khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Mặt khác, hệ sinh thái chuyển đổi số chưa đồng bộ, chưa phù hợp với điều kiện đặc thù vùng miền, năng lực của các HTX, thành viên. Hiện nay trên thị trường chuyển đổi số cho các doanh nghiệp và HTX có nhiều ứng dụng số. Tuy nhiên, để áp dụng vào thực tiễn còn gặp khó khăn là khả năng tiếp nhận do rào cản về địa lý, trình độ, chi phí và phong tục tập quán.
Giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy hợp tác xã chuyển đổi số
Tiến sĩ Lê Tuấn An cho biết thêm: để tạo điều kiện cho các HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh trong xu thế phát triển trên nền tảng số hiện nay, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam đã và đang triển khai đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, trong đó xây dựng triển khai một số nền tảng ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cho khu vực kinh tế tập thể, HTX: dự án “xây dựng và duy trì vận hành chợ sản phẩm trực tuyến cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi”, phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm hoptacxa.vn; phần mềm bản đồ số vùng trồng sản phẩm HTX …
Thực hiện Quyết định số 844/QĐ-TTg, ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; Quyết định số 188/QĐ-TTg, ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số số 844/QĐ-TTg; Liên minh HTX Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 593/KH-LMHTXVN, ngày 28/7/2023 của Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam về việc hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong khu vực kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2023 - 2025, nhất là huy động, lồng ghép một số nguồn lực từ các chương trình mục tiêu hỗ trợ của Trung ương, địa phương và các nguồn lực xã hội khác để hỗ trợ về hạ tầng thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh và chuyển đổi số. Tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo xây dựng môi trường thuận lợi cho các HTX và các doanh nghiệp tìm hiểu công nghệ; liên kết hợp tác đầu tư, thương mại; chia sẻ kinh nghiệm và quảng bá, ứng dụng các giải pháp công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh cho khu vực kinh tế tập thể, HTX.
Đẩy mạnh đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, quản trị và đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ. Nâng cao kỹ năng khai thác thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số cho cán bộ quản lý HTX và thành viên HTX. Tuyên truyền chính sách, pháp luật, trong đó tập trung phổ biến Luật Hợp tác xã 2024 và các chính sách hỗ trợ phát triển HTX của Đảng và Nhà nước;
Nâng cao năng lực, phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam thông qua việc tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin, điều chỉnh điều lệ, quy chế tổ chức hoạt động phù hợp với tình hình mới. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài hệ thống Liên minh HTX Việt Nam và trên các phương tiện truyền thanh, truyền hình, pano, áp phích tại trụ sở HTX, UBND xã, huyện, ấp, khóm. Tổ chức các hoạt động tham quan, học tập các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số hiệu quả trong khu vực kinh tế tập thể, HTX.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.