05/08/2024 08:04
Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị.
Ngày 02/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) phối hợp Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội nghị “Tăng cường thực thi các quy định và cam kết về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) trong Hiệp định EVFTA, Hiệp định RCEP và các giải pháp thực hiện”.
Tăng nhanh số lượng cảnh báo
Tại hội nghị, thông tin từ Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhận số lượng cảnh báo từ Liên minh châu Âu (EU) tăng nhanh, với 57 cảnh báo, trong khi cùng kỳ năm 2023 là 31 cảnh báo, tăng khoảng 80%.
Tiến sĩ Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam nhấn mạnh, việc EU tăng số lượng cảnh báo góp phần khiến tần suất kiểm tra biên giới của nông sản tăng.
Hiện, 4 mặt hàng nông sản phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn gồm: thanh long, ớt, đậu bắp và sầu riêng.
Tiến sĩ Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam phát biểu tại hội nghị.
Cũng theo Tiến sĩ Ngô Xuân Nam, tính riêng thị trường EU, nếu cảnh báo từ RASFF tiếp tục gia tăng, EU sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát biên giới tần suất cao hơn, khiến một số mặt hàng khó xuất khẩu.
“Xu hướng này có thể tăng tiếp nếu chúng ta không có giải pháp kịp thời”, Tiến sĩ Ngô Xuân Nam nhấn mạnh.
Các đại biểu cho rằng, nguyên nhân của sự gia tăng các cảnh báo từ việc góp ý cho thông báo dự thảo về biện pháp SPS còn hạn chế; doanh nghiệp xuất khẩu chưa thực sự tuân thủ các quy định của nhà nhập khẩu; vùng nuôi thủy sản lạm dụng kháng sinh, môi trường ô nhiễm phân bón hóa học…
Nâng cao nhận thức và tuân thủ các quy định
Quyết định số 534/QĐ-TTG ngày 19/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới và cam kết SPS trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do”.
Để thực hiện hiệu quả quyết định này, theo Tiến sĩ Ngô Xuân Nam, các hiệp hội cần tăng cường phối hợp các cơ quan quản lý; đóng góp ý kiến đối với các quy định SPS của thị trường.
Cơ quan quản lý trung ương cần đàm phán tháo gỡ khó khăn với các nước nhập khẩu về các biện pháp SPS; ký kết và nâng cấp các FTA; thúc đẩy mở cửa thị trường.
Ngoài ra, các hiệp hội và cơ quan trung ương cần kết hợp cùng cơ quan quản lý địa phương tuyên truyền, tập huấn, phổ biến các quy định về kiểm dịch động thực vật, nâng cao nhận thức cho người nông dân về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh trong thương mại nông sản.
Quang cảnh hội nghị.
Về phía doanh nghiệp và vùng trồng nông sản, cần tuân thủ các quy định của Việt Nam về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh; cập nhật biện pháp về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh (SPS) của thị trường nhập khẩu; tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn HACCP, ISO22000... và thực hiện truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
“Trong thời gian sắp tới, Văn phòng SPS Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai những hoạt động phổ biến quy trình, cách triển khai cụ thể giúp doanh nghiệp và nông dân nắm bắt thông tin, nâng cao nhận thức và tuân thủ các quy định”, ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết.
Theo nhandan.vn
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.