08/08/2021 07:09
Khách hàng lựa chọn sản phẩm tại siêu thị Co.opMart Trà Vinh.
Theo ông Nguyễn Long Giang, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Trà Vinh, trong 02 ngày trước khi thực hiện giãn cách xã hội, nhằm vào những ngày nghỉ cuối tuần, lượng khách đến tham quan mua sắm tăng gấp 03 lần so với ngày thường. Tuy nhiên, sau ngày thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31/3/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 và Chỉ thị số 09/CT-UBND, ngày 17/7/2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, số lượng khách đến tham quan và mua sắm giảm 30% so với ngày thường.
Để đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, lượng thịt tươi, trứng, rau củ quả đã thuận lợi nhập về tăng hơn 30% so với những ngày trước. Cộng với lượng dự trữ lớn về gạo, mì, thực phẩm khô, thực phẩm đông lạnh, thịt, hàng bình ổn giá... đảm bảo cung ứng ra thị trường ổn định. Lượng hàng hóa căn cứ vào nhu cầu mua sắm của khách hàng tại siêu thị thông qua hình thức điện thoại và các kênh mua sắm trực tuyến, mà siêu thị bổ sung nhập về liên tục trong ngày, mỗi ngày có 02 - 03 chuyến nhập hàng nhằm đảm bảo đủ hàng hóa cung ứng người tiêu dùng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày thực hiện giãn cách xã hội, người dân đến mua sắm tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích giảm mạnh so với ngày thường. Người tiêu dùng không còn tham quan, tìm hiểu những sản phẩm khác tại các siêu thị, phần đông nhanh chóng mua sắm những nhu yếu phẩm cần thiết trong thời gian ngắn, mỗi khu vực mua sắm người tiêu dùng luôn thực hiện giãn cách để vừa tiện lựa chọn sản phẩm, vừa phòng, chống dịch bệnh.
Chị Kim Ngọc Bảo Duy, quê ở xã Kim Sơn, huyện Trà Cú làm công nhân của Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam tại Trà Vinh cho biết: cứ vài ngày/tuần, sau giờ làm việc chị đều đến siêu thị mua thức ăn và bổ sung một số nhu yếu phẩm cần thiết và về phòng trọ không đi ra ngoài. Với chị, mua sắm ở siêu thị, việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tương đối tốt hơn ở ngoài chợ dân sinh, mua sắm tại siêu thị đều được nhân viên siêu thị trang bị nước sát khuẩn, vệ sinh thường xuyên hơn. Đặc biệt, ở những khu vực mua sắm, người tiêu dùng đã ý thức cao việc phòng, chống dịch bệnh nên không còn chen chút mua sắm tập trung như trước. Do làm việc theo ca, nên thời gian phân bổ công việc sẽ dễ dàng đến siêu thị mua sắm hơn tránh hạn chế tập trung đông người vào những giờ cao điểm. Mặt khác, giá tại siêu thị niêm yết rõ ràng, dễ lựa chọn hơn mua sắm ở các khu vực chợ.
Cùng tâm trạng mua sắm, ông Châu Ngạn Lộc, Khóm 2, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành cứ cách 02 hoặc 03 ngày đến siêu thị mua một lần. Ông Lộc cho biết: mua sắm siêu thị hàng hóa giá bình ổn, hạn chế tiếp xúc chỗ đông người, bởi trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, hàng hóa tại khu vực chợ thường xuyên biến động về giá, đông người qua lại chen chút ngoài chợ khoảng cách mua sắm rất gần, không có nước sát khuẩn.
Ông Nguyễn Long Giang cho biết thêm: về phương án phân phối hàng hóa, bên cạnh việc bán hàng tại các siêu thị, siêu thị Co.opMart Trà Vinh còn tăng cường bán hàng qua điện thoại, Facebook, trên các ứng dụng App Saigon Co.op, trang web https://cooponline.vn/. Bên cạnh đó, siêu thị còn đề ra chương trình mua sắm giảm giá 02 đợt/tháng giúp người dân tiện lợi mua sắm, giảm áp lực chi tiêu, đối với mặt hàng khẩu trang vải kháng khuẩn siêu thị luôn luôn ưu đãi giảm 50%. Hàng hóa tại siêu thị không bao giờ thiếu, nhưng chúng tôi rất cần sự phối hợp hỗ trợ mua sắm tiêu dùng hết sức trách nhiệm của từng người dân, như tuân thủ hướng dẫn an toàn mua sắm tại siêu thị để giảm thiểu nguy cơ, cũng như tham gia mua sắm online để giảm tải siêu thị, hưởng ứng thực hiện giãn cách xã hội. Việc tuân thủ “5K” tại các nơi mua sắm nhu yếu phẩm trong giai đoạn này hết sức quan trọng, cần tuân thủ nghiêm ngặt để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo tại các điểm bán, sẽ khiến siêu thị phải đóng cửa rà soát, xét nghiệm toàn bộ.
Thực tế cho thấy, tuy thực hiện giãn cách xã hội, siêu thị vẫn duy trì hoạt động xuyên suốt để đảm bảo nguồn cung cấp lương thực thực phẩm cho người dân. Tuy nhiên, một bộ phận người dân hoang mang, lo lắng, từ đó tích trữ hàng hóa dồn dập và tập trung đông người khiến hệ thống các điểm cung ứng lương thực, thực phẩm quá tải, tắc nghẽn cục bộ. Do vậy, người dân cần yên tâm lương thực, thực phẩm vẫn đảm bảo, việc quan trọng nhất là cần bình tĩnh, mua sắm vừa phải, cần phối hợp và tuân thủ hướng dẫn của các siêu thị để lương thực, thực phẩm được phục vụ đều cho càng nhiều người càng tốt.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.