05/07/2024 07:31
Tham quan mô hình trồng chanh không hạt của hộ anh Lưu Văn Tài có liên kết bao tiêu sản phẩm.
Mô hình trồng chanh không hạt xuất khẩu đang triển khai trong Hội Nông dân ở các huyện Càng Long, Châu Thành, Trà Cú… có liên kết và bao tiêu sản phẩm, sản xuất theo định hướng của đơn vị liên kết đã tạo an tâm cho nông dân khi tham gia.
Đồng chí Phạm Quốc Việt, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: mô hình liên kết trồng chanh không hạt xuất khẩu đang được Hội hỗ trợ các nguồn vốn cho hội viên và các mô hình tổ hợp tác. Thông qua các nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, vốn khởi nghiệp... đến nay, Hội đã đầu tư hơn 02 tỷ đồng cho hội viên tham gia mô hình trồng chanh không hạt trên địa bàn các huyện Càng Long, Châu Thành, Tiểu Cần và Trà Cú.
Thông qua nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (500 triệu đồng) và vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM (215 triệu đồng) đã đầu tư cho các thành viên Chi hội nghề nghiệp chanh không hạt xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành phát triển mô hình trồng chanh không hạt có bao tiêu sản phẩm gắn với xuất khẩu.
Anh Sơn Hải Phong, Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp chanh không hạt xã Lương Hòa A cho biết: đến nay, Chi hội có 29 thành viên tham gia liên kết trồng gần 20ha chanh không hạt được Hợp tác xã Thành Trí (xã Huyền Hội, huyện Càng Long) ký hợp đồng gắn với bao tiêu sản phẩm (giá thấp nhất là 10.000 đồng/kg) để xuất khẩu sang châu Âu. Toàn bộ quy trình và kỹ thuật được Hợp tác xã Thành Trí hỗ trợ và tập huấn, chuyển giao cho các thành viên. Việc sản xuất gắn với hợp đồng bao tiêu sản phẩm sẽ tạo sự an tâm cho nông dân; đồng thời tạo được vùng nguyên liệu đạt chuẩn theo yêu cầu từ đối tác, sản xuất ổn định và không còn lo tình trạng nông sản “được mùa - mất giá”…
Anh Lưu Văn Tài, ngụ ấp Đai Tèn, xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành cho biết: tham gia Chi hội nghề nghiệp trồng chanh không hạt xã Lương Hòa A có nhiều thuận lợi cho nông dân; trong đó, sản xuất được an tâm hơn khi các thành viên được liên kết nhau vào tổ và sản phẩm (chanh không hạt) được doanh nghiệp bao tiêu theo hợp đồng. Từ đó, người nông dân không còn lo lắng về đầu ra và kỹ thuật; sản xuất theo kế hoạch của doanh nghiệp, hạn chế tình trạng dư thừa hàng hóa khi vào mùa vụ đông ken…
Cũng theo anh Lưu Văn Tài, hiện gia đình đang đầu tư 0,5ha đất lúa chuyển đổi trồng chanh không hạt có liên kết về bao tiêu sản phẩm. Chi phí đầu tư từ lúc trồng đến năm thứ 02, khoảng 20 triệu đồng/1.000m2 và từ năm thứ 03 bắt đầu xử lý cho trái; hiện vườn chanh của gia đình chuẩn bị xử lý cho bông vụ trái chiếng tháng 8/2024. Với năng suất trung bình khoảng 30 tấn/ha và giá bao tiêu 10.000 đồng/kg, lợi nhuận từ 150 - 200 triệu đồng/ha/năm.
Hiện mô hình liên kết trồng chanh không hạt xuất khẩu được Hợp tác xã trồng chanh không hạt Thành Trí xã huyền Hội, huyện Càng Long thực hiện thu mua và cung cấp (xuất khẩu) cho Công ty TNHH The Fruit Republic (Hà Lan). Đến cuối tháng 5/2024, tổng diện tích chanh không hạt được phát triển trồng gắn với liên kết bao tiêu trên 120ha; trong đó, tập trung nhiều nhất ở huyện Càng Long với 48,2ha/55 hộ trồng (gồm xã Huyền Hội 40ha/45hộ; xã Phương Thạnh 5,8ha/05 hộ và xã Tân Bình 2,4ha/05 hộ).
Cũng theo đồng chí Phạm Quốc Việt, dự kiến đến cuối năm 2024, sẽ phát triển thêm 50ha trên địa bàn các xã Lương Hòa A (huyện Châu Thành), Phước Hưng (huyện Trà Cú)... Mô hình liên kết gắn với bao tiêu sản phẩm, tạo điều kiện cho hội viên, nông dân phát triển sản xuất bền vững và ổn định; đồng thời hướng đến quy trình sản xuất hữu cơ, sạch, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu với các đối tác liên kết...
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.