08/09/2021 14:06
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tích cực triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh VDNC ở trâu, bò; tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh VDNC ở trâu, bò. Phóng viên Báo Trà Vinh có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trà Vinh xoay quanh một số hướng dẫn cách nhận biết triệu chứng bệnh và các biện pháp phòng, chăm sóc và xử lý bệnh VDNC trên trâu, bò…
Lực lượng thú y và Đội xử lý, tiêu hủy gia súc thực hiện chôn lấp bò nhiễm bệnh VDNC tại xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú. Ảnh: VĐ
Phóng viên: Nhận định của ông về tình hình dịch bệnh VDNC ở trâu, bò hiện nay trên địa bàn tỉnh như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Văn Đông: Tính đến cuối tháng 7/2021, toàn tỉnh có tổng đàn trâu, bò là 220.759 con; trong này, hơn 94% tổng đàn là chăn nuôi nhỏ, lẻ và theo hộ gia đình. Do tập quán còn chăn thả trên những cánh đồng, bãi chăn thả chung nên mầm bệnh dễ lây lan ra diện rộng và khó kiểm soát. Đối với các huyện xảy ra dịch bệnh đã thành lập Đội xử lý, tiêu hủy gia súc và ứng phó nhanh dịch bệnh VDNC ở trâu, bò.
Phóng viên: Xin ông nhận định về bệnh VDNC ở trâu, bò do các tác nhân gây bệnh nào và hiện có vắc-xin phòng bệnh chưa?
Ông Lê Văn Đông: Bệnh VDNC còn được gọi là bệnh da sần, là bệnh truyền nhiễm do một loại vi-rút thuộc họ Poxviridae gây bệnh trên trâu, bò. Bệnh chỉ gây ra đối với trâu, bò, không lây nhiễm sang người. Bệnh lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt (như muỗi, ruồi, ve, mòng...), vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng ăn, uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch (giao phối tự nhiên hoặc thụ tinh nhân tạo) và qua tiếp xúc trực tiếp.
Hiện nay, đã có vắc-xin phòng bệnh VDNC, đây là biện pháp chủ động và hữu hiệu nhất để phòng bệnh. Nếu hộ nuôi trâu, bò thực hiện tiêm phòng đạt 90% tổng đàn thuộc diện tiêm là hiệu quả nhất trong phòng, chống dịch bệnh VDNC.
Phóng viên: Ngoài vắc-xin, xin ông cho biết một số khuyến cáo và kỹ thuật phòng, chống bệnh VDNC ở trâu, bò?
Ông Lê Văn Đông: Để phòng bệnh hiệu quả, trước tiên người nuôi tuyệt đối không mua trâu, bò nghi, mắc bệnh VDNC và từ vùng dịch bệnh VDNC; trâu, bò mới nhập đàn cần được cách ly khoảng 28 ngày, không được nhập trâu, bò mới nếu trong khu vực đang có dịch VDNC. Thực hiện chăn nuôi trâu, bò an toàn sinh học; chuồng nuôi phải có mùng, màn ngăn côn trùng; định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng nuôi và khu vực xung quanh, phun thuốc diệt côn trùng truyền bệnh.
Khi phát hiện trâu bò có triệu chứng mắc bệnh cần cách ly, báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan chuyên môn để kịp thời thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Phóng viên: Một số biện pháp phòng, trị bệnh khi trâu, bò nhiễm bệnh VDNC?
Ông Lê Văn Đông: Đối với người nuôi cần phát hiện sớm, xử lý kịp thời đối với trâu, bò nghi bệnh VDNC. Trong đó, tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng tốt để nâng cao sức khỏe cho trâu, bò; như: sử dụng kết hợp các loại thuốc tăng sức đề kháng, điều trị triệu chứng và các nguyên nhân nhiễm trùng kế phát. Trợ sức, trợ lực để tăng sức đề kháng bằng các thuốc như dung dịch Glucose, Lactate,… (tốt nhất truyền được qua đường tĩnh mạch); các vitamin ADE, B-Complex, C,... (tiêm hoặc hòa vào nước cho uống hàng ngày). Hạ sốt, giảm đau có thể sử dụng các loại thuốc như Anagin, Paracetamol,... Kháng viêm sử dụng các loại thuốc như Dexamethasone (không sử dụng cho trâu, bò mang thai), Ketoprofene, Prednisolone... Sử dụng các loại thuốc kháng sinh chống bội nhiễm kế phát, nhiễm trùng như: Amoxicillin, Kanamycin, Oxytetracycline, Penicillin + Streptomycin,... - Tiêu đờm, hỗ trợ gia súc dễ thở hơn, tăng cường hoạt động của cơ tim bằng các thuốc như Bromhexin, Cafein...
Đối với các vết loét do bệnh VDNC: rửa sạch các vết loét bằng các dung dịch như nước muối sinh lý, thuốc tím, Iodine... sau đó có thể sử dụng các loại kháng sinh mỡ như Oxytetraxycline, Penicillin + Streptomycin… bôi vào vết loét hoặc xịt Xanh Methylen.
Đối với bê, nghé non thường rất yếu, tổn thương nhiều ở hệ hô hấp. Do đó cần đảm bảo đủ ấm hoặc sưởi ấm cho bê nghé vào mùa đông; giữ chuồng luôn khô sạch; cho ăn uống đầy đủ dinh dưỡng (nếu bê, nghé không tự ăn được phải bơm thức ăn như sữa, cháo gạo loãng qua đường miệng); cần phải lật con vật và đặt ở tư thế dễ thở. Đối với trâu bò khi mắc bệnh có thể không đứng vững hoặc nằm bệt nên sử dụng các dụng cụ cố định để gia súc đứng lên tránh liệt dạ cỏ; cần phải lật con vật và đặt ở tư thế dễ thở, nếu cần thiết có thể sử dụng Pilocarpin hỗ trợ nhu động dạ cỏ.
Phóng viên: Xin cám ơn ông!
HỮU HUỆ (thực hiện)
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.