06/10/2020 17:03
Chị Nguyễn Thị Cẩm với sản phẩm mứt dừa sáp Cẩm Hằng đạt chứng nhận OCOP 3 sao. |
Đặc sản dừa sáp Cầu Kè đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận, đây là sản phẩm đặc trưng của huyện Cầu Kè và đã được chứng nhận sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) cho Hợp tác xã (HTX) dừa sáp Hòa Tân, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ phần lớn là các khách du lịch, muốn dùng thử loại trái cây đặc sản này khi về Cầu Kè hay thông qua các bạn bè gửi mua làm quà biếu.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Cẩm cho biết: khi cao điểm thu hoạch, giá dừa sáp giảm mạnh (từ tháng 12 âl đến tháng 5, tháng 6 âl năm sau) từ 50.000-100.000 đồng/trái (tùy loại). Đặc biệt, hiện nay diện tích trồng dừa sáp ở Cầu Kè phát triển, mở rộng diện tích trên 300ha, đầu ra sản phẩm chủ yếu là tiêu thụ nguyên trái. Sau khi cơ sở sản xuất thành công mứt dừa sáp, kẹo dừa sáp, đã hướng đến liên kết giữa người trồng dừa với cơ sở sản xuất bánh mứt, đây cũng là dịp để xây dựng và nâng cao giá trị thương hiệu dừa sáp Cầu Kè đến với nông dân.
Sau nhiều lần nghiên cứu, tìm hiểu thị trường và rút kinh nghiệm từ những lần sản xuất mứt từ dừa sáp thất bại, đến nay, cơ sở Cẩm Hằng đã thành công và đưa sản phẩm mứt dừa sáp, kẹo dừa sáp vươn xa; cung ứng ra các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… để có được vị ngọt đậm đà nhưng vẫn giữ nguyên hương vị của dừa sáp, mứt dừa sáp Cẩm Hằng phải trải qua 11 công đoạn. Do đặc tính của cơm dừa sáp là mềm, dẻo và có độ dầu cao; vì vậy, sau khi bổ đôi trái dừa sáp để lấy phần cơm dừa phải xử lý xong trong vòng 24 giờ, khi đó cơm dừa không bị nhũn và lên dầu, làm cho mứt dừa không còn vị thơm của dừa sáp, chất béo của dừa và độ dẻo của cơm dừa vẫn được ổn định.
Chia sẻ bí quyết làm sản phẩm mứt dừa sáp của cơ sở, chị Nguyễn Thị Cẩm cho biết: trước tiên phải chọn trái dừa sáp không quá khô, tốt nhất là trong giai đoạn dừa mới rám trái; độ cơm dừa không quá dày (độ dày của cơm dừa khoảng 1,5-02cm), nếu cơm dừa quá dày sẽ làm cho mứt dừa bị mềm, nhũn và sản xuất không hiệu quả. Sau khi gọt và cắt lát, ướp đường, sữa và dừa được đưa vào chảo để xào đến mứt khô, phải mất khoảng 12 giờ, trong này giai đoạn làm khô mứt dừa chiếm hơn 60% thời gian và 01 lao động chỉ có thể sản xuất khoảng 01 chảo mứt dừa (khoảng 05-07kg mứt thành phẩm).
Hiện nay, giá bán 01kg mứt dừa sáp khoảng 400.000-420.000 đồng, kẹo dừa sáp 250.000 đồng/kg. Tất cả làm theo truyền thống, không sử dụng chất bảo quản hay hương vị va-ni, nên vẫn đảm bảo 100% nguyên vị của dừa sáp và người tiêu dùng có thể dùng trong thời gian khoảng 15-20 ngày. Để tiếp tục nâng cao chất lượng mứt dừa sáp và đáp ứng thị trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… năm 2019, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương Trà Vinh) đã đầu tư hệ thống thiết bị sấy, đóng gói, mã vạch và hút chân không; nên sản phẩm đảm bảo được an toàn thực phẩm và thời gian sử dụng lâu hơn, người tiêu dùng có thể kiểm tra sản phẩm của cơ sở thông qua quét mã vạch trên bao bì.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Cẩm, trước đây để có 01 mẻ mứt dừa mất khoảng 15 giờ, nay với hệ thống máy sấy tự động, sau khi mứt dừa qua giai đoạn xào đường xong; sẽ được đưa vào các khay trong lò sấy khoảng 03 giờ (với 03 máy sấy: có các công suất sấy 06 khay/10kg mứt/mẻ; 10 khay/50kg mứt/mẻ;03 khay/05kg mứt/mẻ), đảm bảo cho cơ sở cung cấp đủ sản lượng mứt theo các đơn hàng của khách. Hàng năm, cơ sở cung ứng ra thị trường khoảng 06-07 tấn cơm dừa thành phẩm, thực hiện thu mua dừa sáp trái cho nhà vườn 3.000-3.500 trái/tháng.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.