02/03/2021 08:02
Nông dân Nguyễn Văn Luyến chăm sóc gần 0,2ha ớt vụ đông-xuân 2021.
Có thể nói đây là mô hình thành công và mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân trong thực hiện quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu sản xuất ở lĩnh vực nông nghiệp. Chia sẻ cùng với chúng tôi, ông Dương Văn Đởm, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Long Bắc cho biết: từ khi kết cấu hạ tầng nơi đây được trên quan tâm đầu tư, đã tác động rất lớn đến sản xuất (cây màu) theo hướng tập trung và chuyên canh; đồng thời giúp nông dân chủ động được mùa vụ, không còn bị nước mặn xâm nhập (thời điểm chưa có đê bao). Trong chỉ đạo sản xuất, địa phương đã xây dựng các mô hình chuyển giao cho nông dân và tận dụng các nguồn vốn của tỉnh để đầu tư, hỗ trợ giúp nông dân mở rộng phát triển vùng sản xuất với những cây màu có giá trị kinh tế cao như đậu phộng, ớt chỉ thiên, dưa hấu… Dự kiến trong năm 2021, cánh đồng màu Hạnh Mỹ - Bến Cát tiếp tục mở rộng thêm 50ha (đạt 300ha), xã đã được trên tiếp tục hỗ trợ mở rộng lưới điện phục vụ sản xuất màu cho nông dân trong cánh đồng.
Từ trên tuyến đê bao, chúng ta có thể thấy từng vuông rẫy màu chạy dài thẳng tắp, toàn bộ các diện tích trồng màu ở đây được nông dân sử dụng màng phủ nông nghiệp. Đây là một kỹ thuật canh tác nhằm giúp nông dân giảm chi phí về nhân công trong làm cỏ và giữ ẩm cho đất, hạn chế sâu bệnh và nguồn nước tưới. Nông dân Nguyễn Văn Luyến, ấp Bến Cát, xã Mỹ Long Bắc phấn khởi: năm nay gia đình trồng vụ ớt này đầu tiên (khoảng 0,2ha); trước đây các hộ trồng màu xung quanh phải chạy máy nổ để bơm nước từ giếng khoan lên tưới. Tháng 01/2021, được Nhà nước đầu tư đường điện kéo ra tận ngoài đồng, vụ màu đông - xuân năm nay nông dân rất phấn khởi vì không còn sử dụng máy nổ và thay vào đó là sử dụng điện để chạy máy bơm. Hiện giá ớt vụ này khá cao (ngày 19/02 còn 34.000 đồng/kg, thời điểm trước Tết trên 80.000 đồng/kg ớt); gia đình cũng hy vọng vụ ớt này sẽ có thu nhập kha khá để trang trải cuộc sống.
Nông dân Trương Trọng On, ấp Hạnh Mỹ, xã Mỹ Long Bắc cho biết: gia đình có gần 01ha đất chuyên sản xuất lúa, từ năm 2015-2016 chuyển sang trồng 02 vụ lúa + 01 vụ màu; từ khi được tỉnh đầu tư tuyến đê bao và Điện lực Cầu Ngang đầu tư kéo điện phục vụ cho sản xuất, gia đình tôi và các hộ trồng màu ở trong vùng đê bao Hạnh Mỹ - Bến Cát rất phấn khởi. Đến năm 2018, toàn bộ diện tích sản xuất của gia đình được chuyển đổi sang chuyên canh màu, với các loại cây trồng chủ lực như dưa hấu, ớt hoặc đậu phộng… đem lại thu nhập cho gia đình trên 200 triệu đồng/ha/năm.
Ông Trần Minh Yên, Chủ tịch UBND xã Mỹ Long Bắc cho biết: trong sản xuất màu hàng năm của địa phương khoảng trên 1.000ha, riêng vụ màu mùa khô chiếm trên 90% diện tích màu của xã. Trong năm 2020, thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi sản xuất theo Nghị quyết số 15/2016/NQ-HĐND, ngày 08/12/2016 của HĐND tỉnh “về chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, trên địa bàn xã có 134 hộ được hỗ trợ, với diện tích chuyển đổi trên 30ha, gồm trồng màu, cỏ nuôi bò. Xã cũng kiện toàn, phát triển các mô hình tổ hợp tác và tổ hội nghề nghiệp trong sản xuất, với 48 tổ hợp tác (16 tổ hội nghề nghiệp)….
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.