11/01/2021 10:02
Nông dân ấp Huyền Đức, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang chuẩn bị cho vụ màu Tết năm 2021.
Một số giải pháp được ngành nông nghiệp tập trung: tiếp tục đổi mới và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu nông sản. Huy động nguồn lực cho phát triển nông thôn, trọng tâm là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM theo chiều sâu, hướng tới XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, chú trọng nâng cao chất lượng các tiêu chí. Đẩy mạnh thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm chủ lực” và Đề án “Phát triển ngành nghề nông thôn; nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chí sản phẩm OCOP”. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của Trung ương và địa phương đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ các thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX đầu tư vào sản xuất, tiêu thụ, chế biến và bảo quản nông sản, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn. Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; nâng cao năng lực phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai…
Năm 2020, với việc tập trung chuyển đổi mạnh trong sản xuất nông nghiệp và điều chỉnh cơ cấu nuôi thủy sản hợp lý, phát triển các khu nuôi thủy sản tập trung ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 635ha; chuyển đổi từ hình thức nuôi quảng canh sang nuôi thâm canh, bán thâm canh được 346ha (nâng tổng số đến cuối năm 2020 đạt 11.492ha); tiếp tục duy trì mô hình nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng rừng và thủy sản - lúa (tôm - rừng 5.750ha, thủy sản - lúa 5.600ha). Nâng tổng số từ năm 2014 đến nay, chuyển đổi 19.811ha (chuyển sang trồng cây hàng năm 12.035ha, cây lâu năm 4.421ha, kết hợp và chuyên nuôi thủy sản 3.354ha) và có 2.716ha đất trồng mía chuyển đổi sang trồng lúa, màu, trồng cỏ nuôi bò, trồng dừa, cây ăn trái và nuôi thủy sản. Về tập trung phát triển nông thôn, với nguồn vốn triển khai thực hiện các công trình xây dựng cơ bản và đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất nâng cao thu nhập người dân, đã giải ngân 231,273/524,443 tỷ đồng từ nguồn vốn phân bổ (vốn Trung ương 293,17 tỷ đồng, vốn địa phương 231,273 tỷ đồng).
Theo ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, trong phát triển kết cấu hạ tầng để đáp ứng phục vụ nông nghiệp - nông thôn; Trà Vinh sẽ triển khai đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa Định An, huyện Trà Cú (đã có chủ trương đầu tư); cảng cá Động Cao (huyện Duyên Hải); các dự án đầu tư hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải. Đồng thời, tỉnh cũng đề nghị Trung ương xem xét hỗ trợ 3.427 tỷ đồng thực hiện các công trình thủy lợi điều tiết nước phục vụ sản xuất, khắc phục hạn hán, trữ ngọt góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (bổ sung 05 công trình thủy lợi điều tiết nước phục vụ sản xuất; đầu tư 04 công trình thủy lợi khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn; nâng cấp mở rộng 34 trạm cấp nước trên địa bàn 07 huyện; đầu tư xây dựng 02 hồ trữ nước ngọt).
Một số huyện vùng trọng điểm trong phát triển cây màu trên đất triền giồng, giồng cát và dưới chân ruộng được tập trung xuống giống với các loại màu chủ lực, như đậu phộng, dưa hấu, rau ăn củ các loại như huyện Cầu Ngang: tổng diện tích gieo trồng 17.890ha; trong đó, màu lương thực 2.275ha, màu thực phẩm 12.135ha, màu công nghiệp 3.480ha; huyện Trà Cú: tổng diện tích cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày 8.619ha; trong đó màu lương thực 1.734ha, màu thực phẩm 4.420ha, rau các loại 4.150ha, đậu các loại 270ha.
Năm 2021, ngành nông nghiệp Trà Vinh sẽ tập trung xuống giống đối với cây lúa (cả năm) là 194.350ha, sản lượng 1,08 triệu tấn; cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày và cây hàng năm khác 51.650ha, sản lượng 1,32 triệu tấn; cây lâu năm: dừa 306.000 tấn, cây ăn trái 262.000 tấn. Chăn nuôi: đàn heo 220.000 con, đàn trâu, bò 220.000 con, đàn gia cầm 7,5 triệu con; sản lượng thịt hơi các loại 75.000 tấn. Thủy sản: tổng sản lượng 237.580 tấn, trong đó: sản lượng khai thác 79.380 tấn, sản lượng nuôi 158.200 tấn. |
Trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị, trong năm 2020, đến nay trên địa bàn thị xã Duyên Hải chuyển đổi 18,4ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi khác (nâng tổng số đã chuyển đổi được 334,4ha: màu ngắn ngày là 246,8ha, cây lâu năm 11,6ha và kết hợp nuôi trồng thủy sản là 76ha), góp phần tăng lợi nhuận từ 30-70 triệu đồng/ha; nhiều cây màu mang lại giá trị kinh tế cao như hành tím (tăng gần 200ha so với năm 2015), hay mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm trên cây đậu phộng ở xã Long Hữu, Trường Long Hòa với 22,37ha, giúp nông dân an tâm sản xuất…
Có thể nói, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang luân canh một số loại cây trồng như dưa hấu, đậu phộng, bắp, ớt chỉ thiên,… tạo điều kiện cho sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân. Người sản xuất cũng được tiếp cận với kỹ thuật qua ứng dụng khoa học- công nghệ vào sản xuất, như tưới tiết kiệm nước, trồng rau an toàn trong nhà lưới, rau an toàn hữu cơ, sử dụng giống cây trồng mới, có chất lượng và năng suất cao; phù hợp với vùng sinh thái…
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.