23/02/2023 09:41
Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Trà Vinh tham gia ngày hội tư vấn, giới thiệu việc làm. Ảnh: HỒNG NHUNG
Năm 2021, chỉ số thành phần “Đào tạo lao động”, do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) chủ trì đạt 5,36 điểm, hạng 49/63 tỉnh, thành của cả nước, tăng 0,12 điểm và tăng 12 hạng so với năm 2020 (từ vị trí 61 lên 49). Chỉ số này có 07/11 tiêu chí bị đánh giá thấp và hạn chế so với điểm trung vị của cả nước; 04/11 tiêu chí được đánh giá tốt hơn trung vị cả nước. Với kết quả đạt được, tỉnh đề ra chỉ tiêu phấn đấu năm 2022, tăng từ 02 hạng trở lên so với năm 2021, đạt thứ hạng 47/63 tỉnh, thành phố cả nước.
Năm 2021, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh xếp hạng 51/63 tỉnh, thành phố của cả nước và đứng vị trí thứ 10/13 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đạt 62,03 điểm, giảm 03 bậc và giảm 0,41 điểm so với năm 2020, thuộc nhóm “trung bình”. Đến nay, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI chưa công bố kết quả chỉ số PCI năm 2022, nhưng những kết quả đạt được về chỉ số thành phần “Đào tạo lao động” rất khả quan.
Nguyên nhân do năm 2022, dịch bệnh Covid-19 ổn định, các sở, ngành triển khai thực hiện chỉ số thành phần “Đào tạo lao động” có nhiều thuận lợi. Ngày 18/7/2022, Chủ tịch UBND tỉnh ký Kế hoạch số 51/KH-UBND về khắc phục những hạn chế, yếu kém và nâng cao chỉ số PCI năm 2022 và những năm tiếp theo. Tỉnh đề ra chỉ tiêu phấn đấu chỉ số PCI năm 2022 đạt từ 64 điểm trở lên và thứ hạng thuộc nhóm 48 tỉnh, thành phố cả nước (tăng ít nhất 03 hạng so với năm 2021).
Để chỉ số thành phần “Đào tạo lao động” năm 2022 đạt mục tiêu đề ra, Sở LĐ-TB-XH chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan chỉ đạo các bộ phận chuyên môn kịp thời hỗ trợ, tư vấn các doanh nghiệp (DN) tham gia trực tiếp đào tạo nghề thông qua việc lập hồ sơ đăng ký hoạt động đào tạo thường xuyên cho người lao động tại một số DN. Đồng thời, hỗ trợ các DN xây dựng nội dung, chương trình đào tạo phù hợp với sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của DN; tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động vừa có việc làm, vừa có tay nghề. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động đa dạng các loại hình và ngành nghề đào tạo để tăng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư của tỉnh.
Năm 2022, Trường Đại học Trà Vinh, Trường Cao đẳng Nghề Trà Vinh xây dựng chương trình đào tạo theo hướng mở, linh hoạt. Trong đó, chú trọng đào tạo các kỹ năng để sau khi tốt nghiệp đáp ứng nhu cầu sử dụng của DN, đặc biệt là các DN FDI. Những năm qua, tỉnh luôn xác định tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và xem đây là mục tiêu quan trọng trong thực hiện các chỉ tiêu hàng năm. Sở LĐ-TB-XH phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tích cực phổ biến, tuyên truyền các văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành chuyên môn đến DN. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức 12 phiên giao dịch việc làm; trong đó có 06 phiên trực tuyến với 04 tỉnh: thành phố Cần Thơ, Cà Mau, Bến Tre, Thành phố Hồ Chí Minh, có 1.674 lao động tham dự (có 71 lượt DN, 1.443 lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tham dự); lồng ghép tổ chức 60 cuộc tuyên truyền, tư vấn học nghề và tạo việc làm cho 6.000 lao động nông thôn, phối hợp tuyên truyền, tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm 45 cuộc, 3.576 lượt người tham dự.
Hiện nay, toàn tỉnh có 16 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; cơ bản đủ để đào tạo nguồn lao động cung ứng cho DN trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, còn có 20 DN, công ty, hợp tác xã, cơ sở sản xuất... tham gia đào tạo nghề theo hình thức kèm cặp, truyền nghề tại cơ sở và giải quyết việc làm tại chỗ, góp phần giải quyết việc làm sau khi học nghề cho người lao động tại địa phương.
Về thực hiện đào tạo lao động ở các cấp trình độ thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp, năm 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các DN tuyển sinh, đào tạo nghề cho 19.150 người; lao động qua đào tạo đạt 68,99%; lao động có văn bằng, chứng chỉ đạt 35,97%. Trong đó, trình độ cao đẳng 856 sinh viên, trung cấp 653 học sinh, sơ cấp 1.393 học viên, đào tạo nghề trình độ dưới 03 tháng 2.058 lao động; tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho 14.190 lao động.
Chất lượng đào tạo nghề được các DN, người sử dụng lao động đánh giá cao; đặc biệt, đối với người tốt nghiệp các ngành nghề trọng điểm ra trường được các DN tuyển dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển tay nghề. Bên cạnh, Sở LĐ-TB-XH còn đặt hàng đào tạo với Trường Cao đẳng Nghề Trà Vinh, tổ chức 02 lớp đào tạo nghề thường xuyên cho lao động đang làm việc tại công ty TNHH may mặc Đông Thái (Càng Long) từ Đề án hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động tại DN, với số lao động được hỗ trợ đào tạo 68 người, tổng kinh phí hỗ trợ 102 triệu đồng.
Năm 2023, với năng lực đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề trong tỉnh, dự kiến sẽ tuyển, đào tạo 19.000 người. Trong đó, đào tạo trung cấp, cao đẳng 1.340 người; đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng 7.725 người; đào tạo ngắn hạn cho lao động nông thôn 9.935 người. Căn cứ Quyết định số 2366/QĐ-UBND, ngày 09/12/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2023, phấn đấu đến cuối năm 2023, lao động qua đào tạo đạt 69,30%, trong đó lao động có văn bằng chứng chỉ đạt 36,04%. Sở LĐ-TB-XH tiếp tục phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS trên địa bàn tỉnh; đồng thời, phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể và UBND huyện, thị thực hiện Đề án phân luồng góp phần nâng cao chỉ số đào tạo lao động. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân có điều kiện tham gia tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo lao động trình độ sơ cấp tại tỉnh, khuyến khích đầu tư các cơ sở đào tạo nghề với trang bị hiện đại để đào tạo nguồn lao động có chất lượng cao, cơ cấu ngành nghề hợp lý, gắn với nhu cầu của thị trường lao động. |
TRƯỜNG NGUYÊN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.