24/06/2022 07:05
Với 62,03 điểm, giảm 03 bậc và giảm 0,41 điểm so với năm 2020, thuộc nhóm điều hành trung bình. Trong 10 chỉ số thành phần, có 04/10 chỉ số tăng điểm và tăng hạng: Chi phí không chính thức, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động, Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; 06/10 chỉ số giảm điểm và giảm hạng: Gia nhập thị trường, Cạnh tranh bình đẳng, Tiếp cận đất đai, Tính minh bạch, Chi phí thời gian, Tính năng động của chính quyền tỉnh.
Đội ngũ cán bộ, công nhân và người lao động của Công ty Nhiệt điện Duyên Hải hiện có gần 60% là người Trà Vinh. Trong đó, có nhiều công nhân được đào tạo và làm việc ổn định tại công ty. Ảnh: Giờ làm việc của đội ngũ kỹ sư tại trung tâm điều hành của Công ty.
Năm 2021 chỉ số Đào tạo lao động do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) chủ trì, đạt 5,36 điểm, hạng 49/63 tỉnh, thành cả nước, tăng 0,12 điểm và tăng 12 hạng so với năm 2020 (từ vị trí 61 lên 49). Chỉ số này giữ nguyên 11 chỉ tiêu từ năm 2020 đến năm 2021. Năm 2021, có 07/11 chỉ tiêu bị đánh giá thấp và hạn chế so với điểm trung vị của cả nước; có 04/11 chỉ tiêu được đánh giá tốt hơn trung vị cả nước liên quan đến chất lượng giáo dục dạy nghề tại tỉnh và mức độ dễ khi tuyển dụng tại tỉnh đối với các vị trí như lao động phổ thông, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý giám sát…
Năm 2021, với vai trò chủ trì của chỉ số này, Sở LĐ-TB-XH đã nỗ lực cải thiện; quan tâm công tác hỗ trợ doanh nghiệp (DN), nhằm nắm thực trạng, những khó khăn phát sinh trong quá trình tuyển dụng và đào tạo lao động. Qua đó, xác định nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động qua đào tạo, ngành nghề cần đào tạo cho người lao động, nhu cầu học nghề của người lao động... làm cơ sở để xây dựng kế hoạch, đào tạo phát triển và sử dụng nguồn lao động tại địa phương, chủ động đề ra các giải pháp hỗ trợ DN. Năm 2021, Sở đã triển khai nắm bắt thông tin, rà soát gần 30 DN tại Khu Công nghiệp Long Đức và một số DN khác đang hoạt động trong tỉnh có nhu cầu lao động lớn.
Để đáp ứng các nhu cầu lao động, mặc dù năm 2021 dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các DN tuyển sinh, đã đào tạo nghề cho 10.071 người; ước tỷ lệ lao động qua đào tạo vào cuối năm 2021 đạt 68,7%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ công nhận đạt 35,84%. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH, năm 2021, 07/11 chỉ tiêu bị đánh giá thấp và hạn chế so với điểm trung vị của cả nước được DN quan tâm: chi phí tuyển dụng và đào tạo lao động tại tỉnh còn cao; chất lượng giáo dục phổ thông và điểm thi trung bình tốt nghiệp THPT tại tỉnh chưa tốt; tỷ lệ lao động tại DN đã tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề và tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc tại địa phương đã qua đào tạo còn thấp; lao động tại tỉnh chưa đáp ứng hoàn toàn hoặc phần lớn nhu cầu của DN…
Ngoài những nguyên nhân hạn chế được DN đánh giá, theo Sở LĐ-TB-XH, phần lớn các DN trong tỉnh không liên kết với hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm trong giới thiệu lao động cho DN. Các DN chỉ tính lao động có bằng cấp, chứng chỉ qua đào tạo mà không thống kê số lao động được đào tạo theo hình thức tập nghề, kèm cặp nghề; hoạt động liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và DN chưa đi vào chiều sâu, chỉ đáp ứng nhu cầu về kiến tập, thực tập của học sinh, sinh viên, người học nghề. Mặt khác, DN, người sử dụng lao động chưa chủ động đào tạo nghề; nhận thức của một bộ phận người lao động về lợi ích của học nghề, tạo việc làm chưa cao, nhất là lao động phổ thông.
Chỉ số Đào tạo lao động liên tục 02 năm 2018 - 2019 giữ vị trí cuối bảng xếp hạng; năm 2020 tăng 02 hạng và năm 2021 tiếp tục tăng 12 hạng. Điều này đã thể hiện sự quan tâm tích cực của các sở, ngành địa phương về đào tạo lao động, giải quyết việc làm. Với những kết quả đạt được, kỳ vọng năm 2022, chỉ số này tiếp tục tăng, tương xứng với những nỗ lực mà toàn tỉnh đã, đang phấn đấu thực hiện.
|
Xác định những hạn chế thông qua đánh giá của các DN, để năm 2022 tốt hơn, theo Sở LĐ-TB-XH, trong 05 tháng đầu năm 2022, đã tổ chức 09 cuộc hội thảo, tư vấn cho 7.464 lao động, đạt 32,4% kế hoạch, đưa 420 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đăng ký tổ chức các lớp thuộc các ngành, nghề đào tạo mới theo nhu cầu xã hội, hỗ trợ các DN đào tạo nghề sơ cấp cho người lao động. Đầu năm 2022 đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức tư vấn tuyển sinh các cấp trình độ đào tạo nghề cho 5.804 người, đạt 30,5% kế hoạch. Và theo dự kiến, từ nay đến năm 2025, phấn đấu đưa 4.500 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài gồm các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia…
Từ nay đến cuối năm 2022, Sở LĐ-TB-XH chủ động thực hiện các nội dung có liên quan đến các chỉ tiêu thuộc chỉ số thành phần Đào tạo lao động. Sở chủ động tiếp tục chỉ đạo các bộ phận chuyên môn kịp thời hỗ trợ, tư vấn các DN tham gia trực tiếp vào công tác đào tạo nghề thông qua việc lập hồ sơ đăng ký hoạt động đào tạo thường xuyên cho người lao động tại một số DN. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các DN đào tạo nghề cho người lao động. Hỗ trợ xây dựng nội dung, chương trình đào tạo phù hợp với sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của DN; tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động vừa có việc làm, vừa có tay nghề. Đặc biệt, chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động đa dạng các loại hình và ngành nghề đào tạo để tăng mạnh số lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo, chú trọng chất lượng nguồn lao động qua đào tạo ở các trình độ giáo dục nghề nghiệp.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.