11/02/2023 16:33
Ông Thạch Sươne, xã Song Lộc, huyện Châu Thành chăm sóc diện tích lúa đông - xuân 2022 - 2023.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Thanh Bình, việc chuyển đổi đất trồng lúa nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, nguồn nước, lao động nông thôn ở từng địa phương; từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông hộ. Tuy nhiên, để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phát triển bền vững, UBND tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp chuyển đổi phải đúng quy định pháp luật về quản lý đất đai, phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất địa phương, nhu cầu thị trường, điều kiện nguồn nước và khí hậu; chú trọng việc hình thành vùng sản xuất tập trung theo từng cây trồng gắn với dồn điền, đổi thửa, liên kết sản xuất theo chuỗi nhằm tạo thị trường tiêu thụ bền vững, góp phần nâng cao sản lượng trên cùng một đơn vị sản xuất.
Tỉnh cũng đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về giống, vật tư nông nghiệp, đảm bảo chất lượng để đáp ứng nhu cầu sản xuất; thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo và phòng, chống sâu, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người sản xuất. Đồng thời thực hiện tốt công tác thông tin thị trường tiêu thụ nông sản, xúc tiến thương mại, quảng bá và xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc nông sản chủ lực của tỉnh.
Bên cạnh đó, các ngành liên quan nghiên cứu, chọn tạo, phổ biến và ứng dụng các giống mới cho năng suất, chất lượng tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu và chống chịu với sâu bệnh; ứng dụng các quy trình kỹ thuật luân canh, xen canh, tuần hoàn, kết hợp… để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, phát huy tối ưu hiệu quả của từng mô hình nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Song song đó, tăng cường công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới, công nghệ hữu cơ, công nghệ cao, công nghệ 4.0 vào sản xuất để tăng hiệu quả kinh tế.
Cùng với việc đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các vùng chuyển đổi, tỉnh Trà Vinh thực hiện đồng bộ các chính sách của Trung ương và của tỉnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2023, tỉnh Trà Vinh có kế hoạch bố trí gần 50 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp; trong đó hỗ trợ nông dân chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng, vật nuôi khác.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Trần Trường Giang cho biết, năm 2022, tỉnh Trà Vinh chuyển đổi trên 3.148ha đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác và nuôi thủy sản; tăng 2,35 lần so với Kế hoạch của UBND tỉnh Trà Vinh. Như vậy, từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi 22.165ha đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm 13.324ha, cây lâu năm 5.421ha, chuyên nuôi thủy sản hoặc trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản 3.420ha. Hầu hết các diện tích chuyển đổi đều cho hiệu quả tăng nhiều lần so với trồng lúa trước đó.
Gia đình ông Thạch Sươne, xã Song Lộc, huyện Châu Thành có gần 1,5ha đất sản xuất nông nghiệp trước đây đều trồng lúa. Nhưng khoảng 05 năm trước, ông chuyển 1,5 công (1 công =1.000m2) sang trồng khổ qua.
Ông Thạch Sươne chia sẻ, hơn 02 năm nay, giá vật tư nông nghiệp tăng cao nên bình quân mỗi vụ sản xuất lúa khoảng 3,5 tháng, sau khi trừ tất cả chi phí khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/công, gia đình ông chỉ thu được lợi nhuận khoảng 01 triệu đồng/công. Trong khi đó, với 1,5 công đất trồng khổ qua, thời gian mỗi vụ chỉ khoảng 2,5 tháng là kết thúc, cho lợi nhuận tối thiểu 10 triệu đồng; thậm chí có vụ “được giá” gia đình ông đạt lợi nhuận gần 20 triệu đồng/công; tăng ít nhất 10 lần so với trồng lúa trên cùng diện tích.
Lý giải về việc trồng màu cho lợi nhuận cao hơn nhiều lần nhưng gia đình ông vẫn giữ phần lớn diện tích trồng lúa, ông Thạch Sươne cho rằng tuy trồng màu cho lợi nhuận cao nhưng đòi hỏi nông dân mất nhiều công chăm sóc hơn. Bên cạnh đó, gia đình ông đã quen trồng lúa, nên e ngại thị trường đầu ra nông sản gặp khó khi chuyển đổi sang trồng các loại cây khác.
Bài, ảnh: THANH HÒA
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.