22/10/2024 10:54
Ông Dương Văn Thọl kiểm tra sản phẩm than gáo dừa trước khi đóng bao bì.
Trong lĩnh vực kinh doanh và chế biến các sản phẩm từ trái dừa của nhiều DN, cơ sở trong tỉnh có thị trường ổn định và giá trị mang lại gia tăng cao hơn từ 35 - 40% so với năm 2023. Trong đó, giá trị dừa trái (dừa khô) và các sản phẩm chế biến sâu như than gáo dừa, xơ dừa, mùn dừa…
Ông Dương Văn Thọl, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Sản xuất - Thương mại Dương Phát, ấp Ngã Tư 1, xã Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần cho biết: trung bình hàng tháng, DN tiêu thụ khoảng 500.000 - 600.000 trái dừa khô; trong đó, có khoảng 300.000 trái dừa khô là thu mua cung ứng cho Công ty Betrimex (Bến Tre) theo liên kết vùng trồng dừa hữu cơ của 04 xã (Ngãi Hùng, Hùng Hòa, Tân Hùng, Tân Hòa, huyện Tiểu Cần), với gần 900 hộ trồng dừa. Ngoài ra, DN còn tham gia chế biến sâu các sản phẩm từ trái dừa khô như sản phẩm cơm dừa, than gáo dừa, mùn dừa, xơ dừa và mặt hàng thủ công mỹ nghệ (nút áo từ vỏ dừa khô).
Cũng theo ông Dương Văn Thọl, giá trị sản xuất từ dừa năm 2024 phát triển rất mạnh, nguyên nhân là mặt hàng dừa được nhiều DN Trung Quốc đặt cơ sở thu mua ở khu vực Bến Tre; từ đó, làm tăng nhu cầu dừa nguyên trái cũng như qua sơ chế… Nguồn nguyên liệu hút (dừa khô trái), người trồng dừa cũng được thụ hưởng thông qua giá mua dừa của DN với nông dân tăng khoảng 40%; ngoài ra, sản lượng sản phẩm từ dừa của DN tăng khoảng 20% so với năm 2023 và thu nhập của công nhân cũng tăng khoảng 20%, hiện DN giải quyết lao động trực tiếp sản xuất khoảng 120 người.
Có thể nói trong mặt hàng lúa, gạo từ năm 2023, 2024 nhìn chung phát triển khá mạnh và mang lại lợi nhuận cao cho DN; đồng thời người sản xuất lúa cũng tăng cao lợi nhuận từ 2,5 - 03 triệu đồng/ha so với vụ sản xuất năm 2023.
Trong 09 tháng năm 2024, DNTN Thuận Thiên (xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú) đã cung ứng ra thị trường khoảng 3.500 - 4.000 tấn lúa thương phẩm, chủ yếu là ST25 và Đài thơm 8; qua đó, DN đã liên kết với khoảng 300 nông dân trong tỉnh (huyện Trà Cú, Cầu Ngang, Duyên Hải) và nông dân ở các tỉnh Cà Mau, Hậu Giang. Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệu, Giám đốc DNTN Thuận Thiên chia sẻ: trong năm 2024, với giá của thị trường lúa gạo tăng mạnh trong xuất khẩu lẫn tiêu thụ nôi địa, làm cho cầu vượt cung, nên giá trị từ mặt hàng lúa gạo mang lại cho DN và nông dân khá tốt.
Chị Lê Thị Kiều Tiên kiểm tra sản phẩm.
Chị Lê Thị Kiều Tiên, chủ cơ sở Tổ hợp may gia công ấp Rẫy A, xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang phấn khởi, cho biết: 02 năm nay, đối với mặt hàng may gia công có bước ổn định và nhiều đơn hàng được ký kết so với trước đây. Hiện cơ sở giải quyết việc làm cho trên 10 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 04 - 07 triệu đồng/tháng và cơ sở cũng hỗ trợ thêm 400.000 đồng/tháng/lao động. Tuy nhiên, cơ sở đang gặp khó trong tuyển lao động may, mặc dù được Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Cầu Ngang, xã đồng hành hỗ trợ, vận động trong hội viên.
Đối với các Tổ hợp may gia công của chị em phụ nữ làm chủ luôn được các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ quan tâm hỗ trợ. Riêng trên địa bàn xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang có 02 Tổ hợp may gia công ấp Rẫy A và ấp Giồng Lớn đều được tiếp cận vốn khởi nghiệp của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, mỗi tổ hợp được hỗ trợ vay vốn 90 triệu đồng.
Cũng theo chị Lê Thị Kiều Tiên, thời gian tới, cơ sở cũng mong muốn được tiếp cận nguồn vốn của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại tỉnh (Sở Công thương Trà Vinh) đầu tư, hỗ trợ thiết bị máy móc và đào tạo nghề may cho lao động tại cơ sở. Hiện cơ sở đang có nhiều đơn hàng và dự định sẽ đầu tư mở rộng quy mô nhà xưởng thêm (diện tích 05x15m) sẽ giải quyết cho khoảng 10 - 15 lao động.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.