07/04/2024 19:43
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ bền vững của HTX nông nghiệp Phước Hảo, huyện Châu Thành.
Tỉnh Trà Vinh đang tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã (HTX) nông nghiệp theo hướng bền vững; trong đó, chú trọng việc ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, ưu tiên phát triển HTX nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; phấn đấu đưa giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp tăng ít nhất 05%; doanh thu tăng ít nhất 15%; khoảng 20% HTX nông nghiệp có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Mục tiêu đến năm 2025 xây dựng ít nhất 05 mô hình HTX nông nghiệp phát triển bền vững, hoạt động hiệu quả, được đánh giá xếp loại khá trở lên theo Thông tư số 01/2020/TT-BKHĐT, ngày 19/02/2020 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Địa phương ưu tiên hỗ trợ phát triển mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới, hoạt động hiệu quả, gắn với vùng sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP; liên kết với doanh nghiệp hình thành chuỗi giá trị quy mô lớn, cung cấp nguyên liệu đầu vào, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về sản lượng, chất lượng, phục vụ thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan xây dựng mô hình HTX nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh và quản lý HTX, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo minh bạch thông tin và an toàn thực phẩm; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các HTX, nâng cao năng lực sản xuất, sơ chế sản phẩm nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các HTX nông nghiệp trong tỉnh sẽ được mở rộng số lượng thành viên, quy mô kinh doanh, thông qua các hình thức liên kết, hợp tác giữa các HTX.
Đồng thời, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phấn đấu có trên 30 HTX nông nghiệp ứng công nghệ cao, áp dụng biện pháp thực hành nông nghiệp tốt (GAP), kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Từ 15 - 20% cán bộ quản lý HTX nông nghiệp được đào tạo nghề Giám đốc HTX nông nghiệp theo chương trình đào tạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ sở đào tạo khác; ưu tiên đào tạo lực lượng cán bộ trẻ, nữ tham gia quản lý, điều hành HTX nông nghiệp.
Tỉnh cũng hình thành mạng lưới khuyến nông, Tổ khuyến nông cộng đồng, các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia tư vấn, hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp.
Các sở, ngành liên quan kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển HTX nông nghiệp; tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho phát triển bền vững HTX nông nghiệp; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, năng lực quản trị cho cán bộ quản lý, thành viên HTX nông nghiệp; đẩy mạnh thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp.
Đến nay, tỉnh có 164 HTX và liên hiệp HTX đang hoạt động; trong đó có 122 HTX nông nghiệp.
Tin, ảnh: THANH HÒA
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.