22/02/2021 05:00
Thu hoạch đậu phộng tại vùng chuyên canh màu ấp Huyền Đức, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang.
Từng bước hình thành vùng sản xuất chuyên canh và liên kết
Với những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp tỉnh nhà giai đoạn 2015-2020, đã hình thành được một số vùng chuyên canh tập trung: đậu phộng (3.000ha), dưa hấu (800ha), hành tím (180ha),… chuyên canh cây ăn trái tập trung: nhãn (700ha), chôm chôm (280ha), măng cụt (150ha), xoài (600ha), quýt đường (100ha), thanh long ruột đỏ (200ha), dừa sáp (160ha),... tiến bộ kỹ thuật được chuyển giao ứng dụng vào sản xuất, diện tích sử dụng giống mới ngày càng mở rộng; xây dựng được một số mô hình hợp tác, liên kết sản xuất; từng bước nhân rộng một số mô hình sản xuất có hiệu quả; ứng dụng công nghệ trồng rau màu trong nhà kính và trồng rau thủy canh; công nghệ tưới nhỏ giọt; phân bón thông minh; phao quan trắc - ứng dụng điện toán đám mây trong canh tác lúa thông minh; xây dựng và duy trì 26 nhãn hiệu nông sản tạo được lòng tin cho người tiêu dùng; nhân rộng một số mô hình sản xuất có hiệu quả và mô hình hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Lĩnh vực trồng trọt đã hình thành và phát triển được một số vùng sản xuất tập trung lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; qua đó đã xây dựng và phát triển được 17 nhãn hiệu lúa gạo. Đối với cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày và cây hàng năm khác đã được đầu tư phát triển mở rộng diện tích khá lớn; trong này cây màu phát triển dưới chân ruộng được phát triển mạnh và nông dân đã có sự quan tâm đầu tư cải tiến quy trình kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và sử dụng giống mới từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu của thị trường. Một số nơi áp dụng quy trình công nghệ cao, VietGAP, hữu cơ vào sản xuất, nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí và nâng cao thu nhập cho người sản xuất (năm 2020: diện tích gieo trồng 54.250ha, năng suất bình quân 24,51 tấn/ha, sản lượng ước đạt 1,33 triệu tấn; xây dựng và phát triển được 04 nhà lưới khép kín sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao trên rau củ quả)…
Đối với diện tích cây ăn trái và cây dừa tiếp tục được cải tạo và trồng mới 1.500ha/năm, theo hướng tập trung chuyên canh, phát triển cây có giá trị kinh tế cao, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới nâng cao năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường (cam sành, bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ, xoài, dừa sáp,…). Qua đó, các địa phương đã xây dựng và duy trì phát triển 06 nhãn hiệu cây ăn trái (thanh long, xoài cát chu, dừa sáp, chôm chôm, măng cụt, quýt đường). Năm 2020, diện tích phát triển cây ăn trái 18.500ha, cây dừa 22.500ha (tăng 3.414ha), tổng sản lượng ước đạt 551.500 tấn (cây ăn trái 271.500 tấn, cây dừa 280.000 tấn), tăng 56.918 tấn so với năm 2015.
Tạo “cú hích” thông qua các chính sách nông nghiệp và liên kết
Đến cuối năm 2020, ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng; đối với cây lúa, tiếp tục triển khai và duy trì các điểm sản xuất lúa theo hình thức hợp tác, liên kết với diện tích khoảng 3.500ha có khoảng 3.600 hộ tham gia, trong đó có một số doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) tham gia đầu tư, như: Công ty Giống cây trồng miền Nam đầu tư bao tiêu sản phẩm 250ha, thu mua khoảng 1.500 tấn; HTX 9 Táo đầu tư sản xuất và bao tiêu hàng năm trên 100ha lúa giống; HTX nông nghiệp Huyền Hội xây dựng mô hình khuyến nông gắn với mô hình liên kết sản xuất giữa DN và các HTX với quy mô 100ha; HTX nông nghiệp Phú Mỹ Châu ký hợp đồng với HTX Nông sản xanh Cần Thơ diện tích 70ha; HTX nông nghiệp Dân Tiến hợp tác, liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa theo quy trình canh tác thông minh quy mô 75ha,...
Trong cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày, có 06 DN hợp đồng tiêu thụ một số sản phẩm màu và cây công nghiệp ngắn ngày; như Công ty Giống cây trồng miền Nam đầu tư sản xuất bắp giống hàng năm khoảng 100ha (thu mua 700 tấn trái) và đậu bắp, đậu xanh giống 20ha (thu mua khoảng 30 tấn); Công ty TNHH 01 thành viên giống Việt Hòa đầu tư
và thu mua hết bắp nếp giống 139ha; Công ty TNHH hạt giống Vạn Phát liên kết tiêu thụ ớt 15ha, thu mua 22 tấn quả; Công ty TNHH một thành viên Mekong fresh bình quân mỗi tháng thu mua khoảng 200 tấn rau, củ, quả cung cấp cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Về cây ăn trái và cây công nghiệp lâu năm, thông qua HTX Thanh long ruột đỏ xã Đức Mỹ cung ứng thị trường mỗi tháng 30 tấn tại tỉnh Tiền Giang và các chợ đầu mối; HTX nông nghiệp Thủy Tiên (huyện Cầu Kè) làm đầu mối tiêu thụ cây các loại (chôm chôm, cam sành, xoài, măng cụt) khoảng 200 tấn trái/năm; Công ty TNHH XNK Bến Tre (BETRIMEX) đầu tư và bao tiêu sản phẩm dừa hữu cơ 550ha ở xã Tân Hòa (Cầu Kè), xã Đại Phước (Càng Long)...
Để ổn định và mở rộng vùng nguyên liệu trong giai đoạn 2020-2025 và cung ứng cho các DN, HTX; theo ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh, các sản phẩm nông nghiệp phải hướng sản xuất an toàn và liên kết. Trong này, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp các đơn vị thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ và ứng dụng khoa học công nghệ trong toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị sản xuất ngành hàng. Thí điểm và nhân rộng các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, mô hình về kỹ thuật mới, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến, trong quản lý vùng chuyên canh, truy xuất nguồn gốc và liên kết chuỗi giá trị, mô hình kinh tế tuần hoàn sử dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp.
Phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân 03%/năm giai đoạn 2021 - 2025. Đến năm 2025, tổng giá trị sản xuất ước đạt 33.621 tỷ đồng (theo giá năm 2010); cơ cấu giá trị sản xuất nội ngành, nông nghiệp chiếm 58,79%, thủy sản chiếm 40,23%, lâm nghiệp chiếm 0,98%. Duy trì mức tăng trưởng ngành trồng trọt 2,71%/năm; sản lượng lương thực đạt 1,2 triệu tấn (1,17 triệu tấn lúa); nâng giá trị sản xuất bình quân đất nông nghiệp 135 triệu đồng/ha/năm. Phát triển vùng sản xuất lúa hữu cơ, theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị; tập trung chuyển đổi khoảng 12.510ha diện tích sản xuất lúa và 500ha đất trồng mía sang các loại cây trồng khác và nuôi thủy sản. Mở rộng diện tích cây bắp và rau màu thực phẩm các loại ở các vùng đất giồng cát và luân canh trên đất lúa, đất chuyên màu. Tiếp tục thực hiện chuỗi nâng cấp giá trị cây đậu phộng. Xây dựng các vùng chuyên canh rau màu theo hướng hữu cơ, an toàn, GAP khu vực các vùng ven thị trấn, thị xã, thành phố. Phát triển vùng trọng điểm trái cây ở các huyện vùng ngọt cặp theo tuyến Sông Tiền và Sông Hậu. Trong đó, đặc biệt chú trọng phát triển các loại cây ăn trái chủ lực: xoài, cam sành, bưởi, chuối, nhãn, thanh long, dừa trồng tập trung theo hướng thâm canh theo hướng an toàn, đạt tiêu chuẩn GAP; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và chỉ dẫn địa lý.
|
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.