30/06/2022 08:20
Toàn cảnh Công ty Nhiệt điện Duyên Hải về đêm.
Để thực hiện tốt mục tiêu chung của EVN, Công ty Nhiệt điện Duyên Hải (Công ty) đã chủ động triển khai nhiều giải pháp quản trị rủi ro, giúp Công ty đảm bảo vận hành các nhà máy an toàn, tin cậy, ổn định.
Công ty Nhiệt điện Duyên Hải thuộc Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1), được giao nhiệm vụ quản lý vận hành Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng, tổng công suất 3.178MW cùng Cảng biển Trung tâm Điện lực Duyên Hải, sản lượng điện sản xuất hàng năm khoảng 20 tỷ kilowatt giờ.
Từ khi thành lập đến nay Công ty đã đảm bảo vận hành ổn định các nhà máy, đã sản xuất hơn 84 tỷ kilowatt giờ điện, góp phần đảm bảo nguồn cung điện, vận hành hệ thống điện quốc gia an toàn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực Tây Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.
Định kỳ hàng năm, Công ty phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, thuộc Công an tỉnh Trà Vinh kiểm tra các trang thiết bị, các bồn chứa dầu của Công ty.
Năm 2022, nhiệm vụ được Công ty đặt lên hàng đầu là thực hiện tốt “mục tiêu kép” để hoàn thành sản lượng điện được EVN/EVNGENCO1 giao. Công ty đã tập trung nhân lực theo dõi và điều hành mọi hoạt động để đảm bảo vận hành các nhà máy an toàn hiệu quả. Trong 06 tháng đầu năm 2022, Công ty đã vận hành ổn định các nhà máy và sản xuất hơn 4,4 tỷ kilowatt giờ điện.
Công tác sửa chữa bảo dưỡng được thực hiện đúng tiến độ. Công ty đang tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong sửa chữa theo phương pháp RCM (Reliability Centered Maintenance). Đây là quy trình hướng dẫn phương pháp quản lý hiệu suất tài sản thông qua xây dựng lịch sửa chữa, bảo dưỡng tập trung vào độ tin cậy cho hệ thống, thiết bị; là phương pháp quản trị tiên tiến, được áp dụng trên thế giới và được EVN triển khai áp dụng cho các Nhà máy nhiệt điện từ năm 2017. Từ năm 2020, Công ty đã thực hiện việc phân tích, đánh giá và thẩm tra công tác sửa chữa thiết bị theo phương pháp RCM. Mục tiêu đến cuối năm 2022, Công ty sẽ hoàn thành việc phân tích RCM trên excel cho 12 hệ thống thiết bị của các nhà máy.
Tiếp tục phát triển và áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý và sản xuất kinh doanh. Năm 2022, Công ty tập trung đẩy mạnh công tác số hóa hệ thống thiết bị của các nhà máy, 80% thiết bị của các nhà máy được “số hóa” và được cập nhật đầy vào hệ thống phần mềm quản lý nguồn và lưới điện (PMIS). Đây là hệ thống phần mềm quản lý kỹ thuật nguồn điện, lưới điện được EVN đầu tư xây dựng với mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý kỹ thuật, giúp các đơn vị vận hành an toàn, tối ưu, tăng hiệu suất và giảm chi phí.
Đồng thời, việc triển khai hệ thống phần mềm thống nhất, xuyên suốt tạo điều kiện tổng hợp, báo cáo thuận lợi và dễ dàng giữa các cấp quản lý. Hiện Công ty có 100% lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên tại công ty có chức năng, nhiệm vụ đã sử dụng hệ thống văn phòng điện tử D-Office, 100% cán bộ quản lý được cấp chữ ký số; 100% tỷ lệ văn bản được ký số; 100% văn bản được phát hành qua trục liên thông nội bộ tới các đơn vị EVN, EVNGENCO1.
Giờ làm việc của đội ngũ kỹ sư tại trung tâm điều hành của Công ty.
Phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng công tác đào tạo và đào tạo lại, thực hiện chính sách thu hút nhân tài, luôn đươc quan tâm. Những năm qua, Công ty đã chú trọng tuyển dụng và đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân sự có chất lượng, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, năng lực quản lý điều hành, khả năng ứng dụng công nghệ hiện đại…; quan tâm đến chuẩn hóa các cơ chế, chính sách đãi ngộ với người lao động; tổ chức đào tạo kiến thức, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên, như: đào tạo nhận thức về chuyển đổi số và ứng dụng AI trong ngành điện, đào tạo về kỹ thuật điều khiển và tự động hóa cho đội ngũ trưởng ca, trưởng kíp, vận hành viên, triển khai đào tạo và sát hạch nghề thông qua phần mềm E-learning. Phối hợp với Trường Đai học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh đào tạo văn bằng 2 chuyên ngành Công nghệ thông tin cho cán bộ, công nhân viên, xây dựng chương trình số hóa tài liệu kỹ thuật, tài liệu quản lý vận hành…
Xây dựng văn hóa quản trị rủi ro đã và đang được Công ty triển khai, phổ biến đến tất cả các đơn vị trong Công ty. Công ty thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn, hội thảo… nhằm giúp cán bộ, công nhân viên hiểu rõ vai trò trách nhiệm của mình trong việc nhận diện và kiểm soát rủi ro trong các hoạt động, các quyết định được đưa ra không chỉ dựa trên định hướng về kinh doanh, lợi nhuận mà cần xem xét trên cơ sở rủi ro; tăng cường truyền thông, chia sẻ kinh nghiệm, sự kiện rủi ro để các cá nhân, đơn vị trong Công ty hiểu rõ và rút kinh nghiệm, nâng cao ý thức quản trị rủi ro…
Ngoài ra, Công ty không ngừng tiếp thu chuyển giao từ phía EVN, EVNGENCO1 và các đối tác trong học tập chính sách quản trị rủi ro và tiếp thu công nghệ phục vụ xây dựng công cụ quản trị, nhằm mục tiêu sản xuất, kinh doanh an toàn, hiệu quả, bền vững.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN - MỘNG HUYỀN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.