10/08/2020 06:20
Anh Kim Thanh Tuấn tận dụng diện tích đất vuông tạp xung quanh nhà trồng xen mít, xoài đem lại thu nhập cho gia đình.
Ghi nhận thực tế tại một số địa phương có nhiều diện tích vuông đất tạp, giồng cát trên địa bàn huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành và huyện Cầu Kè… một thực trạng mà nhiều nông dân hiện nay chưa mạnh dạn chuyển đổi là diện tích của từng hộ nhỏ lẻ (thường từ 500-2.000m2/hộ), thiếu liên kết, chọn trồng cây nào và việc tiêu thụ các sản phẩm… đang được nhiều nông hộ đặt ra cho ngành nông nghiệp.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Phi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang cho biết: những năm qua, đối với diện tích đất triền giồng và giồng cát của huyện khoảng 2.500ha, chủ yếu tập trung tại các xã Nhị Trường, Trường Thọ, Long Sơn, Mỹ Long Bắc, Hiệp Hòa và một phần thị trấn Mỹ Long… được nông dân khai thác hiệu quả, trên 80% diện tích. Các cây trồng được đưa vào trồng như đậu phộng và màu thực phẩm, mang lại lợi nhuận từ 80-120 triệu đồng/ha.
Riêng đối với đất vuông tạp (nằm đan xen trong diện tích xung quanh nhà ở của người dân, đặc biệt là tại các xã Nhị Trường, Long Sơn hiện khai thác chưa cao, diện tích bỏ trống còn nhiều. Do phần lớn diện tích này nhỏ lẻ, nằm rải rác trong từng hộ nên rất khó xây dựng chuỗi liên kết sau khi chuyển đổi các cây trồng (hiện chủ yếu là trồng tre, tầm vông, dầu…).
Nông dân Kim Thanh Tuấn, ấp Ô Răng, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang cho biết: gia đình có gần 0,3ha diện tích đất giồng cát; trong này, có khoảng 0,15ha là trồng tre, tầm vông và công trình nhà ở. Riêng diện tích đất vuông tạp chưa khai thác còn nằm đan xen trong các diện tích tre, tầm vông khoảng 0,15ha; trước đây phần diện tích này cũng được gia đình trồng xen vài cây mít, xoài… hiệu quả kinh tế không nhiều, trung bình hàng năm cho thu nhập khoảng 02-03 triệu đồng. Nếu chuyển giao kỹ thuật và hướng dẫn chọn các giống cây ăn trái hay trồng chanh dây, gấc gắn với thu mua sản phẩm… sẽ tạo được động lực cho các hộ có vuông tạp chuyển đổi; đặc biệt là trong vùng đồng bào Khmer.
Nông dân Kim Thanh Tuấn cũng như hàng trăm hộ dân ở Long Sơn hiện có diện tích vuông tạp (khoảng 20ha) chủ yếu nhỏ lẻ khoảng từ 300-1.500m2/hộ nên chuyển đổi và hưởng các chính sách của ngành nông nghiệp là rất khó.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trang Tửng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: hiện ngành nông nghiệp đang xây dựng quy trình kỹ thuật để hướng dẫn nông dân trồng các giống cây ăn trái hay màu trên những đất vuông tạp, đất còn bỏ trống. Tuy nhiên, do diện tích nằm rải rác và quá nhỏ, nên việc xây dựng vùng nguyên liệu để doanh nghiệp tham gia không khả thi. Đối với các diện tích lớn từ 01ha trở lên hiện không còn, do đó để tận dụng các diện tích nhỏ lẻ có hiệu quả đòi hỏi việc chọn lựa trồng cây gì, giống gì phải phù hợp với kinh tế của từng hộ; như tận dụng diện tích trồng rau màu ngắn ngày, như bạc hà, khoai mì hay gấc, chanh dây…; đối với các cây ăn trái ở vùng đất vuông tạp thích nghi cao như mít, xoài…
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Trong quý I năm 2025, thị xã Duyên Hải tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với cùng kỳ, tạo tiền đề thuận lợi để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm 2025 theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân thị xã đã đề ra.