22/06/2021 13:04
Cán bộ Dự án SME Trà Vinh khảo sát tại DNTN sản xuất Hai Kháng, xã Tân Sơn, huyện Trà Cú.
Với sự quan tâm và hỗ trợ kỹ thuật thường xuyên từ phía nhà tài trợ dự án (Canada), nên triển khai đúng hướng và chất lượng cao. Các sổ tay, tài liệu gửi đến nhà tài trợ được ưu tiên xem xét, đánh giá và phản hồi nhanh, giúp đẩy nhanh tiến độ dự án. Giai đoạn 2014 - 2022, tổng vốn hoạt động của Dự án SME Trà Vinh 232,314 tỷ đồng, trong đó Chính phủ Canada tài trợ 12,194 triệu đô la CAD), nguồn đối ứng 22,753 tỷ đồng. Dự án khởi động triển khai vào năm 2015 và đang thực hiện kế hoạch năm thứ sáu. Nhiệm vụ Dự án được xác định và cụ thể hóa bằng từng cấp độ mục tiêu nhất định. Đến nay, dự án đã triển khai thực hiện các hợp phần theo thiết kế bám sát các mục tiêu đề ra và hình thành mối liên kết giữa mảng.
Thông tin từ Dự án SME Trà Vinh, trong hợp phần xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Dự án xác định, nâng cấp và hoàn thiện hỗ trợ một số chuỗi giá trị chủ lực của tỉnh: dự án đã phân tích, đánh giá một số sản phẩm lợi thế cạnh tranh. Kết quả có 03 sản phẩm (dừa, lúa, đậu phộng) được lựa chọn trong giai đoạn 2015 - 2017, UBND tỉnh quyết định giao cho Dự án SME hỗ trợ xuyên suốt chuỗi dừa. Hoạt động hỗ trợ đã được cụ thể hóa bằng Kế hoạch hành động chuỗi giá trị dừa. Theo đó, Dự án đã thực hiện một loạt các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực và đầu tư trong giai đoạn 05 năm vừa qua.
Ngoài ra, Dự án hỗ trợ Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và triển khai Kế hoạch Phát triển DNNVV của tỉnh giai đoạn 2018 - 2020 và 2021 - 2025. Trong tiến trình thực hiện kế hoạch phát triển DNNVV, một số hoạt động cụ thể được dự án triển khai và đạt kết quả khả quan như: cụ thể hóa các chính sách liên quan đến phát triển DNNVV; cải thiện tiếp cận thông tin thị trường cho DN, các xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối thị trường cho các sản phẩm chủ lực và đặc thù của tỉnh. Qua đó, Dự án đã tổ chức kết nối gần 40 DNNVV có các sản phẩm đặc thù, ngành hàng chủ lực như trái cây, rau sạch, các sản phẩm liên quan đến dừa, thủ công mỹ nghệ, chế biến thủy, hải sản. Kết quả có 34 hợp đồng và 41 biên bản ghi nhớ, hàng hóa được đưa đến các hệ thống, siêu thị lớn như Co.opmart, Big C, AMAZON… tại các thành phố lớn trong nước và các tỉnh lân cận vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Song song đó, Dự án khảo sát hỗ trợ 05 DN xây dựng video clip giới thiệu về DN sản phẩm chuỗi giá trị dừa, du lịch; 14 DN xây dựng website để quảng bá sản phẩm và bán hàng. Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc, bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cho một số sản phẩm chủ lực của tỉnh, xây dựng và bàn giao bộ tem truy xuất nguồn gốc (QR Code) cho 04 hợp tác xã. Xây dựng và đăng ký bộ nhận dạng thương hiệu du lịch tỉnh Trà Vinh phục vụ cho chiến lược phát triển du lịch của tỉnh. Xây dựng cổng thông tin điện tử thu thập và cập nhật thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý và hỗ trợ phát triển DN. Phần mềm cập nhật cơ sở dữ liệu thông tin về hộ kinh doanh cho cấp huyện. Bộ công cụ đánh giá đo, đếm sự hài lòng và cung cấp dịch vụ công đối với DN tại Trung tâm Phục vụ hành chính công.
Bên cạnh đó, Dự án phối hợp tổ chức 20 cuộc đối thoại với 1.915 lượt người tham dự (trong đó có 636 nữ và 90 DNNVV người dân tộc thiểu số), qua đó giải quyết trên 70 vấn đề liên quan đến DNNVV vốn vay ưu đãi, quy định trong sản xuất, thương mại chính sách, ưu đãi thuế, thuê đất, thông tin lưu thông hàng hóa, hợp tác đầu tư, đầu ra sản phẩm của HTX. Hỗ trợ 147 DNNVV cải thiện dịch vụ phát triển kinh doanh (BDS); ký kết hợp đồng hỗ trợ với 13 DNNVV, tổng vốn 15,253 tỷ đồng. Đến nay, dự án hoàn thành 04 hợp đồng, giải ngân 1,88 tỷ đồng.
Về tổng thể của các DN tiếp cận, các gói thầu hiện triển khai đạt khoảng 85% khối lượng các hạng mục đầu tư, dự kiến sẽ được giải ngân trong thời gian tới; hỗ trợ 10 DNNVV tiềm năng để nâng cấp xây dựng kết cấu hạ tầng, trang thiết bị cơ bản phục vụ chuỗi du lịch, kinh phí hỗ trợ 817,2 triệu đồng. Liên kết chuỗi dừa với 03 sản phẩm (dừa trái khô, tơ xơ dừa, thủ công mỹ nghệ từ dừa); ký 03 hợp đồng liên kết sản xuất 203ha dừa. Mô hình liên kết cung cấp sản phẩm dừa hữu cơ giữa Công ty Cổ phần Trà Bắc với hơn 450 hộ trong tỉnh trên diện tích 300ha; tạo điều kiện cho 03 hợp tác xã liên kết chuỗi giá trị lúa với các công ty ngoài tỉnh. Song song đó, Dự án hỗ trợ xây dựng thiết kế sửa chữa, cải tạo để Vườn ươm vận hành hiệu quả; xây dựng hạ tầng, hỗ trợ vốn, thông tin, mạng lưới phục vụ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh, ưu tiên chú trọng thực hiện Kế hoạch hành động phụ nữ khởi nghiệp, Chiến lược và sổ tay vận hành vườn ươm DN tỉnh, Đề án khởi nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2020 - 2022 và định hướng đến năm 2025. Xây dựng và đưa tài liệu vào chương trình, môn học khởi nghiệp cho học sinh các trường THCS, THPT, Đại học Trà Vinh, Trường Cao đẳng Nghề.
Hợp phần việc sử dụng các kết cấu hạ tầng đã được cải thiện bền vững của các DNNVV tại các xã mục tiêu tăng, từ năm 2016 đến nay, dự án đã thực hiện 44 cuộc tham vấn trên địa bàn 22 xã trọng điểm của dự án để phổ biến mục đích, ý nghĩa của việc bình chọn các công trình ưu tiên cho khoảng 1.165 người dân, DNNVV trong ấp, xã. Từ đó, hỗ trợ nâng cấp xây dựng các hạ tầng quy mô nhỏ theo kế hoạch hành động chuỗi được xây dựng, ưu tiên phục vụ phát triển DNNVV thuộc các chuỗi giá trị dừa và du lịch, lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM. Đến nay, đã đầu tư 25 công trình kết cấu hạ tầng quy mô nhỏ tại 13 xã, thị trấn thuộc 07 huyện, thị xã được đầu tư với tổng mức đầu 57,81 tỷ đồng; trong đó, vốn dự án 51,67 tỷ đồng và vốn đối ứng của địa phương và Nhân dân 10,36 tỷ đồng.
Hợp phần xây dựng năng lực quản lý công trong việc triển khai chương trình hỗ trợ phát triển DNNVV, dự án đã hỗ trợ tỉnh củng cố, cụ thể hóa và xây dựng mới 22 chương trình, chính sách liên quan đến phát triển và hỗ trợ DN, thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, và phát triển khởi nghiệp trong tỉnh, Đề án chuỗi giá trị dừa và đậu phộng, Kế hoạch khởi nghiệp phụ nữ, Chiến lược xúc tiến thương mại (03 - 05 năm), và Đề án khởi nghiệp, Chiến lược và Sổ tay vận hành vườn ươm, Bộ tiêu chí năng lực canh tranh cấp sở ngành huyện thị (DDCI). Bên cạnh đó, trong năm 2021, Dự án đang tiến hành xây dựng Đề án kinh tế biển, kế hoạch hành động nâng cấp chuỗi giá trị dừa giai đoạn 2021 - 2025, Cổng truy xuất nguồn gốc cho các hàng hóa chủ lực của tỉnh. Kết nối 15 chuyên gia (trong và ngoài tỉnh) và 04 tổ chức hỗ trợ tư vấn liên quan đến DNNVV, DN khởi nghiệp các kỹ năng xúc tiến thương mại, cải thiện sản phẩm, xây dựng chiến lược kinh doanh, quảng bá sản phẩm, gọi vốn cho các ý tưởng khởi nghiệp. Dự án đã thực hiện 56 cuộc tham quan học tập trong và ngoài nước cho khoảng 1.500 lượt người tham gia trong gần 05 năm, các chủ đề liên quan như cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tìm hiểu thị trường, kết nối xúc tiến thương mại của ngành hàng dừa và cải thiện quản lý tài chính công.
Theo đánh giá của lãnh đạo Dự án SME Trà Vinh, thời gian tới, Dự án bám theo Kế hoạch năm 2021 và định hướng triển khai đến năm 2022 đã được phê duyệt, theo đó các hoạt động lớn và trọng tâm trong năm đặc biệt chú trọng xây dựng Đề án Kinh tế biển; các chủ nhân ý tưởng kinh doanh được hỗ trợ để triển khai, cụ thể hóa các ý tưởng khởi nghiệp và vận hành thí điểm vườn ươm DN tỉnh; tiếp tục triển khai và đánh giá kết quả thực hiện chương trình hỗ trợ DN; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc, bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cho một số sản phẩm chủ lực của tỉnh; hỗ trợ xây dựng nền tảng dữ liệu điện tử hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh; giải pháp cho DN để vận hành và cung cấp dịch vụ BDS cho DNNVV tại tỉnh; tổ chức tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại điện tử và truyền thống cho DN, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh thuộc các ngành hàng chủ lực, sản phẩm OCOP; hoàn thành các công trình xây dựng cơ bản; hoàn chỉnh bản cập nhật chiến lược rút lui của dự án và cập nhật hoàn chỉnh khung đo lường kết quả thực hiện hoạt động của dự án và đánh giá, tổng kết dự án…
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.