28/12/2023 08:47
Bà Mai Thị Hoàng Loan chuẩn bị nguyên liệu gói bánh tét.
Hơn thế nữa, năm 2023, sản phẩm bánh tét Trà Cuôn là 01 trong 10 sản phẩm xác lập kỷ lục châu Á, đây là cơ hội giúp hoạt động truyền thống ở làng nghề đột phá trong sản xuất, nâng cao chất lượng, tạo hướng kinh doanh mới với đa dạng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn ở các thị trường.
Theo lãnh đạo Đảng ủy xã Kim Hòa, hiện làng nghề có 15 cơ sở sản xuất, dịch vụ, cửa hàng kinh doanh bánh tét. Các cơ sở sản xuất giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động, vào các ngày lễ, Tết thu hút khoảng 180 lao động. Để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao, các cơ sở sản xuất tại làng nghề bánh tét Trà Cuôn mạnh dạn đầu tư trang thiết bị nâng cao chất lượng sản phẩm. Không chỉ nâng cao hoạt động sản xuất, kinh doanh, mà còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, nhất là lao động nữ.
Trước đây, bánh tét chỉ xuất hiện mỗi khi vào dịp Tết, ngày nay do nhu cầu cuộc sống nên những người làm nghề gói bánh tét sản xuất quanh năm. Đặc biệt, nguyên liệu làm bánh tét trước đây chỉ có đậu xanh, mỡ heo hoặc trái chuối. Ngày nay để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, người làm nghề gói bánh tét cải tiến, bổ sung thêm nguyên liệu như trứng vịt muối, thịt heo làm cho sản phẩm bánh ngon hơn, trọng lượng lớn hơn kết hợp với nước màu từ trái gấc, lá ngót, lá cẩm... để tạo sản phẩm bánh tét 03 màu. Chính sự sáng tạo, bổ sung nguyên liệu để cải tiến hương vị nên nguyên liệu làm bánh tét ngày càng nhiều hơn, từ đó dẫn tới giá thành cao hơn.
Bà Mai Thị Hoàng Loan, chủ cơ sở sản xuất bánh tét Ba Loan tại làng nghề cho biết: so với ngày thường, ngày Tết, hầu hết các nguyện liệu làm bánh tét tăng cao, nhất là lá chuối, thịt mỡ heo tăng 150%; nếp, đậu xanh, trứng vịt muối tăng từ 20 - 30%. Tuy nguyên liệu tăng, nhưng cơ sở giữ bình ổn giá bán để giữ mối khách hàng. Kế hoạch sản xuất vào tháng Tết năm nay, cơ sở dự kiến gói khoảng 30.000 đòn bánh tét, giải quyết việc làm cho 60 lao động.
Bà Lâm Thị Quyên, chủ cơ sở sản xuất bánh tét Anh Thư tại làng nghề bánh tét Trà Cuôn bộc bạch: sau khi sản phẩm bánh tét được xác lập kỷ lục châu Á, không chỉ có cơ sở mà những người làm nghề gói bánh tét tại làng nghề vô cùng phấn khởi. Đây là tín hiệu vui góp phần đẩy mạnh hoạt động truyền thống, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Điều đáng mừng là cơ sở vừa nhận được đơn đặt hàng của khách hàng ở thành phố Đà Lạt, trung bình cơ sở cung cấp bánh tét cho khách hàng mới này từ 40 - 50 đòn/ngày, giá bán 70.000 đồng/đòn (1,1kg/đòn bánh). Với đà phát triển này, Tết năm nay, cơ sở dự kiến sản xuất khoảng 3.000 đòn bánh/ngày. Tết sắp đến giá nguyên liệu làm bánh sẽ tăng lên, nên cơ sở sẽ tăng giá bán lên 05%. Cụ thể giá nguyên liệu đầu vào hiện nay như nếp sáp loại 1 khoảng 21.000 đồng/kg, đậu xanh 30.000 đồng/kg, thịt heo giá 90.000 đồng/kg, mỡ heo 35.000 đồng/kg, lá chuối 10.000 đồng/kg…
Đồng chí Phạm Phước Trãi, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: trong năm qua bánh tét Trà Cuôn được Sở Công thương tổ chức tham gia nhiều chuyến kết nối tại các hội chợ ở các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước. Có thể nói sức tiêu thụ, sự quan tâm của người dân và các đơn vị thu mua đối với bánh tét Trà cuôn ngày càng lớn. Do đó, để đáp ứng nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng trong thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm...
Đặc biệt, hỗ trợ cơ sở sản xuất bánh tét tiến tới quy trình sản xuất tiên tiến, bảo đảm tuyệt đối về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tăng cường thông tin tuyên truyền về sản phẩm bánh tét Trà Cuôn nói riêng và làng nghề bánh tét Trà Cuôn của tỉnh nói chung vào các chương trình quảng bá đặc sản du lịch, xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế, nhằm tăng cường hơn nữa liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần thực hiện hiệu quả công tác marketing tổng thể.
Bên cạnh đó, phát triển sản phẩm bánh tét Trà Cuôn đi kèm dịch vụ phải đa dạng; từng bước nâng cao chất lượng, quy chuẩn, nhất là sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn ở các thị trường khác nhau. Thời gian tới, việc phát triển sản phẩm, dịch vụ phải đi liền với phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, duy trì và thực hiện tốt khâu xúc tiến thương mại, giao lưu thương mại với các tỉnh, thành khác trong cả nước. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu. Hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tại làng nghề xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu, quảng bá sản phẩm, bán hàng trực truyến.
Xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm ở nhiều nơi để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng chuỗi liên kết giá trị làng nghề. Thiết kế, xây dựng các tuyến, điểm và tổ chức hoạt động du lịch, tham quan, giáo dục, trải nghiệm nghề và làng nghề truyền thống về đặc sản của tỉnh. Đồng thời liên kết chặt chẽ với các chương trình du lịch nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của làng nghề và địa phương.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.