28/12/2022 08:46
Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là một trong những lĩnh vực được Agribank chi nhánh Trà Vinh đầu tư khá tốt cho nông dân (Ảnh: Nông dân xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang thu hoạch lúa thu - đông).
Trà Vinh là tỉnh nông nghiệp, nội ngành nông nghiệp chưa có sự chuyển dịch tích cực theo hướng phát triển mạnh các ngành có giá trị gia tăng cao và có lợi thế đối với tỉnh như lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt thủy - hải sản, tuy được tốc độ tăng trưởng cao, nhưng quy mô chưa nhiều, chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư lớn vào nuôi trồng khai thác thủy - hải sản; việc áp dụng khoa học công nghệ vào phát triển sản xuất nông sản còn hạn chế; chưa tạo được các chuỗi liên kết sản xuất với tiêu thụ trong và ngoài tỉnh đối với nông sản hàng hóa.
Cùng với đó, tỉnh đang tập trung xây dựng hoàn thành nhiệm vụ XDNTM trước năm 2025, bên cạnh các nguồn lực tập trung dồn sức vào XDNTM, vai trò các nguồn vốn tín dụng đặc biệt là nguồn vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) luôn “đồng hành” cùng với tỉnh phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn…
Tính đến cuối năm 2022, tổng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (chưa bao gồm dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội) ước đạt 20.000 tỷ đồng, chiếm 53,4%/tổng dư nợ; cho vay xuất khẩu ước đạt 610 tỷ đồng; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa ước đạt 4.100 tỷ đồng. Về cho vay các gói tín dụng chính sách, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Trà Vinh ước đạt 3.567 tỷ đồng, tăng 16,15% so với cuối năm 2021.
Đồng chí Nguyễn Văn Hưởng, Phó Giám đốc phụ trách Agribank chi nhánh tỉnh Trà Vinh cho biết: về chiến lược phát triển lĩnh vực “tam nông”, trong thời gian qua, Agribank chi nhánh tỉnh Trà Vinh luôn xác định vai trò là ngân hàng chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn và tiên phong, tích cực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Agribank chi nhánh tỉnh Trà Vinh đã và đang triển khai thực hiện 07 chương trình tín dụng chính sách và 02 chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, giảm nghèo bền vững.
Hàng năm luôn dành trên 85% tổng dư nợ cho vay phát triển lĩnh vực “tam nông”, nguồn vốn Agribank luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thị phần tín dụng cho vay nông nghiệp, nông thôn và là ngân hàng duy nhất trên địa bàn triển khai cho vay chương trình XDNTM đến 100% xã, phường, thị trấn, với tổng dư nợ trên 9.600 tỷ đồng, giải ngân cho vay hơn 63.504 khách hàng....
Có thể thấy qua tác động từ các nguồn vốn tín dụng đã “đồng hành” rất lớn, góp phần làm nâng cao mức sống và thay đổi diện mạo nông thôn; kết cấu hạ tầng nông thôn từng bước được đầu tư đồng bộ và hiệu quả. Các nguồn vốn đã góp phần quan trọng thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, XDNTM và chương trình giảm nghèo của tỉnh. Tổng nguồn lực huy động trực tiếp cho XDNTM trong giai đoạn 2016 - 2020 là 13.544,894 tỷ đồng (trong này, huy động vốn tín dụng 8.444,961/13.544,894 tỷ đồng).
Việc triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM thông qua nguồn vốn của ngân hàng với các đoàn thể chính trị nhằm đưa nguồn vốn kịp thời tới hội viên; Agribank chi nhánh Trà Vinh tổ chức ký kết thỏa thuận với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh để phát triển thêm tổ, hội viên mới… Đến cuối năm 2022, Agribank đã đầu tư qua 799 tổ vay vốn, 14.711 thành viên với tổng dư nợ 1.732 tỷ đồng cùng với 60.759 lượt khách hàng là hộ nông dân (tổng vốn 10.416 tỷ đồng), 04 hợp tác xã và 21 doanh nghiệp đã góp phần phục vụ người dân, nhất là khu vực nông nghiệp, vùng sâu, vùng xa có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, trở thành những nông dân hiện đại, đóng góp xây dựng nông thôn văn minh.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Hưởng, dự kiến năm 2023, tín dụng nông nghiệp, nông thôn tăng trưởng từ 10 - 12% so với năm 2022. Agribank chi nhánh Trà Vinh tiếp tục nghiên cứu, phát triển, đa dạng các sản phẩm tín dụng phù hợp với từng đối tượng khách hàng, đặc biệt là khách hàng trên địa bàn nông thôn (hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các đối tượng của các dự án chuyên đề của Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM);
Tạo điều kiện thuận lợi đối với khách hàng trong tiếp cận vốn… chủ động cân đối, bố trí nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn XDNTM, phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; cho vay đối với các nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM giai đoạn 2021- 2025, Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025 (OCOP) theo quan điểm về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là: “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” mà Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Kế hoạch số 47/KH-UBND, ngày 22/6/2022 của UBND tỉnh Trà Vinh “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã đề ra.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.