27/12/2022 07:21
Cống Tầm Phương (Phường 9, thành phố Trà Vinh) đóng cống ngăn nước mặn xâm nhập mùa khô năm 2021 - 2022.
Cụ thể, Sở NN-PTNT chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn và diễn biến hạn, mặn; tăng cường khảo sát, đánh giá tình hình xâm nhập mặn trên các tuyến kênh rạch chính, kịp thời thông báo cho các ngành, địa phương và nhân dân biết nhằm chủ động ứng phó trong sinh hoạt và sản xuất. Đồng thời, đôn đốc các địa phương trục vớt lục bình, nạo vét hệ thống kênh nội đồng để khơi thông dòng chảy và trữ nước.
Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh phối hợp các địa phương xây dựng kế hoạch vận hành các cống đầu mối trên địa bàn phục vụ sản xuất vụ lúa đông - xuân 2022 - 2023 và hè thu năm 2023; tăng cường quan trắc nguồn nước trên các kênh rạch chính, tại vị trí các cống đầu mối và trong nội đồng, tiến hành đóng các cống đầu mối khi độ mặn từ 1‰ trở lên; tranh thủ mở cửa cống lấy nước khi độ mặn giảm dưới 01‰, đảm bảo mực nước ngọt trong nội đồng đạt cao trình tối thiểu 0,5m.
Các địa phương huy động lực lượng giải tỏa các vật cản trên kênh, rạch, triển khai trục vớt lục bình đảm bảo dòng chảy, đủ điều kiện dẫn nước tưới từ công trình đến hệ thống kênh dẫn; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi như sửa chữa cống, bọng, nạo vét kênh cấp II, phấn đấu hoàn thành trong tháng 12/2022 để đưa vào vận hành khai thác, kịp thời ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh vào đầu mùa khô.
Sở NN-PTNT thôn tỉnh Trà Vinh chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thủy sản kiểm tra, rà soát, điều chỉnh cơ cấu cây trồng và lịch thời vụ sản xuất cho phù hợp.
Cùng đó, khuyến cáo người dân xuống giống theo đúng lịch thời vụ, phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn nước của từng vùng; sử dụng các giống thích nghi với điều kiện hạn mặn; ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật về canh tác, chăm sóc cây trồng trong điều kiện thiếu nước ngọt; tưới tự động, tưới nhỏ giọt, phun sương, tưới ướt khô xen kẽ... để tiết kiệm nước.
Ngoài ra, ngành chuyên môn khuyến cáo mức độ chịu mặn của một số loại cây trồng phổ biến để người dân biết và lấy nước tưới cho phù hợp; kiên quyết không để người dân sản xuất tự phát, không theo quy hoạch, ở những khu vực có nguy cơ thiếu nước tưới.
Đối với cây màu nông dân chỉ xuống giống ở những vùng canh tác truyền thống và chủ động được nguồn nước ngọt để tưới. Với cây ăn trái và cây lâu năm, các đơn vị rà soát, khoanh vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, cân đối nguồn nước cần thiết trong thời gian bị ảnh hưởng xâm nhập mặn để chủ động tích trữ nước ngọt tưới cho cây trồng. Đơn vị chuyên môn thường xuyên kiểm tra, kịp thời xử lý khi phát sinh dịch bệnh trên cây trồng trong mùa khô.
Ở lĩnh vực chăn nuôi, các đơn vị hướng dẫn người dân dự trữ thức ăn, nước uống cho đàn vật nuôi; thực hiện các biện pháp vệ sinh tiêu độc, sát trùng chuồng trại, phòng ngừa các loại dịch bệnh thường xảy ra đối với gia súc, gia cầm trong mùa khô; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, phát hiện kịp thời các ổ dịch để có biện pháp ứng phó, ngăn chặn.
Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, các đơn vị hướng dẫn người dân biện pháp phòng, chống, ứng phó hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong lĩnh vực thủy sản, theo dõi tình hình biến động của thời tiết và môi trường nước như nhiệt độ, độ mặn, pH... để hướng dẫn, khuyến cáo người dân bố trí loại con nuôi và thời vụ nuôi phù hợp.
Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn xây dựng kế hoạch cấp nước cụ thể nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong mùa khô hạn, đảm bảo về số lượng và chất lượng nguồn nước để phục vụ Nhân dân.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lê Quang Răng cho biết, theo nhận định của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, mùa khô năm 2022 - 2023, mặn có thể xâm nhập sớm hơn trung bình các năm khoảng 01 tháng ở các vùng cửa sông ven biển và có thể diễn biến bất thường. Cùng với các giải pháp phòng, chống hạn, mặn, ngành nông nghiệp cũng đã xây dựng kịch bản rủi ro thiên tai theo 02 cấp độ 01 và 02, với các phương án ứng phó cụ thể đối với từng trường hợp nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán, mặn xâm nhập gây ra.
Trà Vinh là một trong những tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng hạn hán, mặn xâm nhập nội đồng vào mùa khô khiến nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh bị thiếu nước tưới.
Gần đây nhất là đợt hạn, mặn mùa khô 2019 - 2020 đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và dân sinh trên địa bàn tỉnh với tổng ước tính thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng; trong đó, cây lúa bị thiệt hại nặng nhất, với gần 382ha lúa mùa, hơn 23.747ha lúa đông - xuân và gần 1.700ha lúa hè - thu. Tổng thiệt hại cây lúa trong toàn tỉnh là 919 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hàng chục héc-ta hoa màu và hơn 271ha cây ăn trái trong tỉnh cũng bị thiệt hại trên 30% diện tích. Hạn hán, mặn xâm nhập đợt này cũng làm hàng nghìn hộ dân nông thôn bị thiếu nước sinh hoạt.
Bài, ảnh: THANH HÒA
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.