22/01/2023 11:55
Ông Huỳnh Sa Rây ứng dụng công nghệ điện toán đám mây qua smartphone để gửi thông tin cập nhật chỉ số đường trên sản phẩm dưa lê trồng trong nhà kín về đơn vị liên kết thu mua.
Tăng giá trị và sức cạnh tranh sản phẩm vào thị trường
Đồng chí Trần Trường Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Trà Vinh cho biết: KHCN đóng vai trò rất lớn vào phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0. Xác định tầm quan trọng đó, ngành NN-PTNT tỉnh đã huy động và tập trung các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp 4.0... Ngoài ra, triển khai thực hiện một số đề tài nghiên cứu KHCN liên quan đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như: ứng dụng công nghệ blockchain để quản lý và truy xuất nguồn gốc cho một số cây trồng chủ lực của tỉnh; ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng khẩu phần và chế biến nguồn thức ăn tại chỗ cho bò thịt…
Với các mặt hàng chiến lược của tỉnh như thủy sản (tôm sú, tôm thẻ…) được triển khai nuôi theo hướng công nghệ cao; lúa, cây ăn trái sản xuất theo hướng hữu cơ; màu sản xuất trong nhà kín… Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 25%. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, thủy sản ứng dụng công nghệ cao và quy trình sản xuất tốt (GAP) đạt trên 10% (tương đương 26.523ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp 4.0). Xây dựng và duy trì 55 nhãn hiệu nông sản, được cấp 64 mã số vùng trồng và có 104 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP… từng bước khẳng định vị thế của sản phẩm trên thị trường. Các mô hình sản xuất có hiệu quả và mô hình hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được nhân rộng...
Ông Huỳnh Sa Rây, Tổ trưởng Tổ trồng màu công nghệ cao Lương Hòa A (xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành) cho biết: hiện tổ có 12 thành viên, diện tích 1,2ha. Sau khi ứng dụng quy trình trồng dưa lê Hàn Quốc trong nhà kín, giúp nông dân chủ động được mùa vụ (3,5 vụ/năm) và hạn chế thấp nhất sâu bệnh, chủ động về nguồn nước, dinh dưỡng trong quá trình phát triển của cây trồng. Tính hiệu quả kinh tế mang lại rất cao, bình quân 01 nhà lưới (1.000m2) người trồng thu lời từ 35 - 40 triệu đồng/vụ dưa.
GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng Khoa Nông nghiệp (Trường Đại học Cần Thơ) hướng dẫn nông dân Cầu Ngang cách nhận biết nhu cầu nguồn nước trong tưới ngập - khô xen kẽ ở cây lúa qua nhận diện bộ rễ.
Nhiều lĩnh vực được ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến
Hiện nay, với ứng dụng KHCN đã được đưa vào lĩnh vực trồng trọt của tỉnh như: công nghệ nuôi cấy mô thực vật In vitro nhân nhanh cây giống sạch bệnh (dừa sáp); ứng dụng công nghệ trồng rau, màu trong nhà kín; ứng dụng công nghệ trồng rau trong dung dịch (thủy canh); sử dụng phần mềm quản lý sâu bệnh PPDMS 2.0, nhằm đưa ra dự báo dài hạn, trung hạn, ngắn hạn.
Lĩnh vực chăn nuôi, đã đưa các giống vật nuôi qua thụ tinh nhân tạo bằng tinh cọng rả đông, ứng dụng công nghệ phối giống tinh bò bằng tinh phân biệt giới tính. Ứng dụng chế phẩm vi sinh vật cấy dạng bột và dạng lỏng trong chế biến thức ăn xanh theo phương pháp ủ chua; chăn nuôi áp dụng các giải pháp sinh học thay thế chất kháng sinh... Lĩnh vực thủy sản, ứng dụng nuôi tôm thẻ thâm canh mật độ cao bằng bể tròn lót bạc khung thép tuần hoàn nước; ứng dụng chuyển đổi số trong nuôi tôm công nghệ cao… mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Văn Huệ, Phó Giám đốc Hợp tác xã Tiến Thành (xã Long Hòa, huyện Châu Thành) cho biết: là vùng đất sản xuất lúa hữu cơ (từ năm 2000, sản phẩm đã được chứng nhận EU ORGANIC BIO; chứng nhận JAS (hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn của Bộ Nông lâm và Thủy sản Nhật Bản), do đặc điểm trong sản xuất ở đây 01 vụ nuôi thủy sản và 01 vụ lúa. Từ khi được Sở KHCN, UBND huyện hỗ trợ xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ Long Hòa - Hòa Minh và chỉ dẫn địa lý, cấp mã vùng trồng… đã nâng cao giá trị sản phẩm, thương hiệu từng bước được khẳng định với khách hàng trong và ngoài nước. Hàng năm, vùng sản xuất lúa của cù lao đã tham gia liên kết, cung ứng ra thị trường khoảng 100ha lúa hữu cơ.
Thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2022 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu: “Chuyển mạnh từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, năng suất cao, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao dựa trên lợi thế của từng địa phương góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu” và “Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 03%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm, thủy sản đạt bình quân trên 05%/năm”.
Cũng theo đồng chí Trần Trường Giang, để thực hiện đạt mục tiêu và định hướng đề ra, cần tập trung triển khai thực hiện tốt các giải pháp: tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn phát triển mới.
Đổi mới tổ chức sản xuất, kinh doanh, hoàn thiện quan hệ sản xuất. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề; trình độ, hiệu quả công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN và đổi mới sáng tạo.
Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng sản phẩm; xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng; đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.
Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro, hội nhập và hợp tác quốc tế. Tiếp tục triển khai thực hiện và hoàn chỉnh cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực đầu tư vào kinh tế nông nghiệp.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.