19/05/2022 06:43
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đặc biệt là Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quỳnh Thiện đã có chuyến công tác gặp gỡ 02 doanh nghiệp có chuỗi giá trị lớn ngoài tỉnh và 02 doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện xúc tiến đầu tư; các doanh nghiệp đã cam kết thực hiện một số dự án trọng điểm để thúc đẩy phát triển thủy sản, ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là tiền đề và cơ sở quan trọng, nông dân Trà Vinh kỳ vọng vào những dự án quan trọng này.
Đoàn xúc tiến đầu tư do Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn làm trưởng đoàn tìm hiểu trại ương giống tôm của Công ty Cổ phần Việt Úc tại tỉnh Bạc Liêu.
Đối với Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn và lãnh đạo Công ty đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư tại tỉnh Trà Vinh 06 dự án. Trong đó, có 01 dự án đang triển khai thực hiện và 05 dự án dự kiến triển khai tiếp theo, gồm: Dự án đầu tư sản xuất tôm - lúa có trách nhiệm thực hiện tại ấp Sóc Chuối, xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang, diện tích 30ha; Đầu tư xây dựng khu phức hợp thủy sản tại huyện Duyên Hải và thị xã Duyên Hải, gồm có nhà ở, dịch vụ, hậu cần thủy sản; hợp tác liên kết nuôi tôm sinh thái (tôm - rừng) xuất khẩu; Đầu tư xây dựng vùng nuôi tôm nước lợ tập trung; đầu tư xây dựng khu nuôi tôm nước lợ công nghệ cao; Nhà máy chế biến tôm công suất 50.000 tấn/năm”.
Đối với Công ty Cổ phần Việt Úc tại tỉnh Bạc Liêu, tại đây Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quỳnh Thiện cùng với lãnh đạo tổng Công ty cam kết sẽ mở rộng vùng nguyên liệu nuôi tôm thâm canh mật độ cao trên địa bàn tỉnh.
Hiện trong tỉnh có 02 doanh nghiệp qua xúc tiến đầu tư lĩnh vực thủy sản: Công ty Cổ phần Thủy sản Thông Thuận, ấp Nhà Mát, Xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải đang triển khai Dự án “Đầu tư vào khu sản xuất tôm giống công nghệ cao”, diện tích 10,2ha, khả năng cung ứng trên 500 triệu post ở xã Trường Long Hòa; dự án “Nhà máy chế biến tôm xuất khẩu”, công suất khoảng 1.000 tấn/năm; Dự án “Khu nuôi tôm công nghệ cao”, diện tích trên 20ha tại xã Long Hữu, thị xã Duyên Hải.
Song song đó, Công ty TNHH dịch vụ Nguyễn Gia, khóm Long Thạnh, Phường 1, thị xã Duyên Hải đang triển khai thực hiện Dự án “Hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ nghêu tại các bãi bồi ven biển”, diện tích mặt nước khoảng 200ha, tại xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải.
Trao đổi cùng chúng tôi, ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: nhằm đáp ứng nguyên liệu chế biến, tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp khi hoạt động, Sở NN-PTNT đã định hướng phát triển nuôi thủy sản năm 2022 với diện tích 53.700ha, ước sản lượng 155.000 tấn; phấn đấu đến năm 2025, diện tích nuôi đạt 58.000ha, sản lượng đạt 200.000 tấn; tầm nhìn đến năm 2030, diện tích nuôi 60.000ha, sản lượng đạt 265.000 tấn.
Để đạt chỉ tiêu về diện tích và sản lượng, phát triển thủy sản bền vững, là kinh tế mũi nhọn, Sở NN - PTNT tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi cấp thoát nước, xử lý nước thải, chất thải cho những vùng nuôi tập trung. Khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp ở các huyện ven biển, để tạo nguồn sản phẩm lớn phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Khuyến khích phát triển các mô hình nuôi thủy sản áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, giảm chi phí, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; các mô hình nuôi hữu cơ, nuôi sinh thái, áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận thực hành nuôi thủy sản tốt, để nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Phát triển nuôi các đối tượng thủy sản chủ lực theo hướng chuỗi giá trị, liên kết sản xuất để hình thành vùng nuôi tập trung, cung cấp sản lượng lớn, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu.
Có thể khẳng định: khi các dự án được triển khai, người nuôi thủy sản, nhất là nuôi tôm nước lợ sẽ có nhiều lợi ích: đối với dự án sản xuất giống, người dân có nguồn con giống tại chỗ, đảm bảo chất lượng, an toàn và sạch bệnh; giá con giống thấp hơn so với nhập từ ngoài tỉnh, khả năng thích ứng môi trường tốt hơn, người dân biết được xuất xứ nguồn gốc, người nuôi xác định chính xác thời điểm thả nuôi, thời điểm cải tạo ao và các công đoạn khác trong quá trình nuôi.
Đối với dự án nhà máy chế biến thủy sản, sẽ từng bước đảm bảo đầu ra cho tôm nguyên liệu, giá tốt hơn, do giảm chi phí vận chuyển, kho bãi... Bên cạnh đó, khi khu nhà máy chế biến tôm xuất khẩu hoạt động sẽ giải quyết lao động tại địa phương, góp phần ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, còn góp phần gia tăng sản phẩm xuất khẩu, tăng thu ngân sách, phát triển kinh tế cho tỉnh.
Đối với dự án khu nuôi thủy sản tập trung, người dân được tham gia vào quá trình nuôi của doanh nghiệp, tiếp cận khoa học - kỹ thuật tiên tiến, góp phần giải quyết việc làm cho người dân tại địa phương, ổn định kinh tế, nâng cao đời sống, giữ vững và tăng sản lượng tôm nguyên liệu, ổn định thị trường xuất khẩu cho địa phương.
Để các dự án trên sớm triển khai thực hiện, tỉnh cam kết thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; tạo môi trường thông thoáng và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư; đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng để đáp ứng yêu cầu triển khai dự án trong thời gian sớm nhất; hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong quá trình hoạt động kinh doanh. Hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động, nhất là đào tạo nguồn lao động trẻ có trình độ cao để đáp ứng sản xuất. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện dự án nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết những khó khăn vướng mắt trong quá trình triển khai thực hiện.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.