02/05/2023 08:12
Ông Hà Văn Trường (phải) trao đổi với lãnh đạo UBND xã về những khó khăn trong hoạt động xay xát lúa gạo.
Ông Hoàng Minh Hòa, Giám đốc DNTN Vạn Hòa ở ấp Đức Mỹ, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long chia sẻ: gia đình có 02 nhà máy xay xát lúa đạt chuẩn xuất khẩu về lau bóng gạo và tách vỏ cho các đối tác ngoài tỉnh. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, nguồn lúa của các thương lái đưa vào nhà máy giảm, nhà máy hoạt động không hết công suất; hiện dao động khoảng 300 tấn lúa/ngày/nhà máy (trước đây từ 500 - 600 tấn/ngày).
Cũng theo ông Hòa, nguyên nhân giảm là do các thương lái sau khi thu mua lúa trong nông dân, thường vận chuyển thẳng về các tỉnh có thế mạnh về xuất khẩu gạo để tách vỏ và lau bóng trực tiếp nhằm giảm chi phí.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Thị Kim Liên, Phó trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Càng Long cho biết: hiện trên địa bàn huyện còn 08 doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực xay xát lương thực phục vụ xuất khẩu với quy mô lớn (từ 300 - 700 tấn/ngày), giảm 50% so với giai đoạn 2015 - 2016. Về xay xát lúa (chủ yếu cung ứng gạo ăn gia đình) có 80 cơ sở, hộ gia đình và công suất hoạt động giảm từ 60 - 70%; nguyên nhân nguồn gạo cung ứng dùng cho nhu cầu gia đình thường được các thương lái thu mua lúa trao đổi 02 chiều khi đưa lúa về các tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp… sẽ mua gạo về bán cho các đại lý, nên nhu cầu xay lúa để dùng ăn trong gia đình ở nông thôn không còn sôi động như những năm trước đây.
Ghi nhận về tình hình hoạt động của các cơ sở xay xát lúa tại các vùng trọng điểm có hệ thống nhà máy xay xát phát triển trong những năm 2010 - 2015 như xã Phước Hưng (huyện Trà Cú) và xã Trường Thọ (huyện Cầu Ngang), đây là 02 địa bàn tiếp giáp nhau… Đến nay, chỉ có khoảng 30% cơ sở còn duy trì hoạt động theo hướng cầm chừng.
Ông Hà Văn Trường, ấp Bến Chùa, xã Phước Hưng, huyện Trà Cú chia sẻ: nhà máy xay lúa của gia đình trước đây đầu tư hơn 700 triệu đồng (năm 2000), khoảng 05 - 07 năm nay, nghề xay xát lương thực không còn hoạt động mạnh như trước đây. Hiện nay, đa số người dân thường mua gạo bao (đóng gói sẵn), rất ít đưa lúa vào nhà máy xay để đem gạo về ăn.
Với giá xay lúa gia công hiện nay chỉ có 300 đồng/kg lúa (cám, tấm sẽ được chủ lúa đem về). Vì số lượng ít, nhà máy phải “trữ lúa” của người dân đem lại, khi đủ số lượng mới cho máy khởi động chạy (khoảng 02 - 03 ngày/500kg lúa). Cũng theo ông Trường, trong khi công suất của nhà máy là 05 tấn lúa/ngày, với tình hình xay xát như hiện nay, gia đình dự kiến sẽ hoạt động hết năm 2023 sẽ ngưng.
Còn tại ấp Chông Văn, xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang là địa phương khá nổi tiếng về hoạt động xay xát lúa cho các thương lái để vận chuyển gạo đi về các địa phương ngoài tỉnh. Từ vài chục cơ sở xay xát, hiện nay chỉ còn 05 cơ sở và công suất hoạt động chỉ đạt 30%.
Ông Kiến Thành, chủ cơ sở xay xát Kiến Thành ở ấp Chông Văn cho biết: gia đình có nhà máy xay xát lúa (03 cối), công suất xay 05 tấn lúa/ngày. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, tình hình xay lúa cho các bạn hàng giảm mạnh; trung bình hiện nay, chỉ xay được khoảng 500kg lúa/ngày và 02 ngày mới chạy máy 01 lần. Các bạn hàng xay lúa để vận chuyển gạo đi các tỉnh, không còn đặt hàng ở đây nữa.
Theo đồng chí Thái Thanh Tú, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hưng, huyện Trà Cú: hoạt động của các nhà máy xay xát lương thực ở địa phương đang dần mất đi sự cạnh tranh, do nằm trong vùng tiếp giáp với nguyên liệu (lúa) của các huyện Trà Cú, Cầu Ngang và Châu Thành. Nhưng nguồn lúa được đưa vào xay xát tại các cơ sở ở địa phương giảm mạnh, số hộ sử dụng lượng lúa sau sản xuất để xay dùng trong gia đình giảm trên 90%, đa số các hộ gia đình (có trồng lúa) đều mua gạo bao sẵn ngoài thị trường về ăn.
Nguồn cung gạo đóng bao sẵn được các thương lái lúa vận chuyển theo 02 chiều: mua lúa tại địa phương để chở về các tỉnh ngoài bán cho xuất khẩu; sau đó, vận chuyển một ít gạo ngược lại về địa phương phân phối, bỏ mối cho các đại lý bán sỉ, lẻ gạo ra ngoài cho người tiêu dùng. Từ đó, các cơ sở xay xát lúa ở địa phương không thể hoạt động, khi nhu cầu người dân có lúa đưa vào xay giảm mạnh.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.