07/11/2024 15:57
Đây sẽ là điểm tựa cho ngư dân Long Trị trên ngư trường, giúp họ đoàn kết, cùng nhau chia sẻ, hỗ trợ nhau khi khó khăn, hoạn nạn, an tâm bám biển dài ngày để mưu sinh, phát triển kinh tế.
Ngư dân Trần Văn Hoàng (người phía trước) trao đổi với lãnh đạo địa phương về các phương án nâng cấp, sửa chữa tàu, đảm bảo đủ điều kiện để vươn khơi đánh bắt nhiều ngày.
Đồng chí Phan Văn Nhã, Trưởng Ban Nhân dân ấp Long Trị, xã Long Đức cho biết: Long Trị hiện có 314 hộ với hơn 1.300 nhân khẩu, hơn 80% nhân khẩu trong độ tuổi lao động làm nghề khai thác, đánh bắt thủy sản.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh nói chung, sự quan tâm đầu tư phát triển nghề khai thác, đánh bắt thủy sản nói riêng của chính quyền địa phương, nghề cá ở Long Trị hiện nay có phần ổn định, phát triển. Toàn ấp hiện có 76 tàu đánh bắt thủy sản lớn, nhỏ (từ 20CV đến 1.500CV), thu nhập bình quân hàng tháng từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng/chuyến tàu đánh bắt khoảng 30 ngày (trung bình khoảng 15 tấn cá các loại: cá thu, cá ngừ, cá bớp, cá gúng...). Thường mỗi tàu (có chiều dài từ 15m trở lên), ngoài thuyền trưởng, thuyền viên (có cấp giấy chứng nhận) cũng cần thêm “bạn tàu” tham gia hoạt động đánh bắt trên biển, đó cũng góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lực lượng lao động ở địa phương.
Anh Trần Văn Hoàng, sinh năm 1970, là ngư dân có hơn 30 năm “tuổi nghề” với nghề khai thác, đánh bắt thủy sản. Anh Hoàng cho biết: gia đình tôi có 07 tàu cá. Từ nhỏ, cứ trông đến hè, được nghỉ học là theo cha đi biển “đánh cá”. Lớn lên, tôi đã chọn nghề này, có vất vả nhưng tôi thích, quan trọng bởi nó là nghề mưu sinh, đem lại kinh tế rất ổn định cho gia đình.
Tại Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2024 - 2028, thành lập Nghiệp đoàn nghề cá xã Long Đức, anh Trần Văn Hoàng được ngư dân địa phương tín nhiệm bầu làm Chủ tịch nghiệp đoàn. Anh Hoàng chia sẻ: gắn với nghề này lâu năm, tôi hiểu được những khó khăn, vất vả khi ra khơi đánh bắt thủy sản. Dù là nghề “kiếm sống được”, nhưng để đủ điều kiện chuẩn bị cho 01 chuyến tàu đi biển từ 01 đến 02 tuần hoặc 01, 02 tháng, không phải ngư dân nào, gia đình nào cũng dễ dàng có được. Và hơn nữa, cũng phải có sức khỏe, có kiến thức, kinh nghiệm của “nghề biển” mới có thể đánh bắt hiệu quả, có lợi nhuận sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư cho mỗi chuyến ra khơi.
Chuẩn bị cho chuyến đánh bắt đợt cuối năm âm lịch, anh hoàng chia sẻ: tôi đang đầu tư sửa sang, tu bổ lại 04/07 tàu để đảm bảo đủ điều kiện đánh bắt ngoài khơi theo đúng quy định, trong đó phải đầy đủ thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Đợt cuối năm này, có thể tàu đánh bắt ở ngoài khơi đến tết Nguyên đán mới về.
Nghe vậy, tôi chợt hỏi: vậy phải trữ cá trên tàu đến những 02 tháng?
Anh Hoàng vui vẻ: những chuyến ra khơi đánh bắt dài ngày trên biển, giờ rất thuận lợi. “Bạn hàng” ra tận biển để thu mua cá và cũng có thể hỗ trợ cung cấp các vật dụng thiết yếu cho tàu, từ thức ăn (thịt, rau, quả tươi) đến nước đá ướp cá hoặc những vật dụng cần thiết khác. Cứ đánh bắt vài ngày, có cá thì gọi “bạn hàng” thu mua. Điều quan trọng là tìm được người làm ăn chân chính, thuận mua, vừa bán, chứ không thu mua theo kiểu “ép giá”.
Dù là khá sớm để trao đổi với anh về những định hướng cho Nghiệp đoàn nghề cá xã Long Đức với 100% thành viên là chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên, ngư dân ấp Long Trị, nhưng với vẻ chân chất, mộc mạc, anh Hoàng rất tâm huyết: thông qua hoạt động của nghiệp đoàn, tôi muốn anh em ngư dân địa phương cùng đoàn kết, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong nghề; cùng chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn gặp phải và cả những kinh nghiệm khi vươn khơi, bám biển; thông tin cho nhau những quy định, chính sách mới trong nghề... để cùng mưu sinh, phát triển kinh tế, tiếp cận cơ hội làm giàu từ biển.
Cùng với nghề đánh bắt thủy sản, đồng chí Phan Văn Nhã, Trưởng Ban Nhân dân ấp Long Trị cho biết thêm: ở đây, chị em trong Chi hội Phụ nữ ấp có thành lập tổ vá lưới. Bởi sau mỗi chuyến ra khơi, chủ tàu thường sửa sang, tu bổ lại dàn lưới, chị em có thời gian nhàn rỗi tham gia vá lưới, có thêm thu nhập.
Gia đình Chị Lê Thị Mai cũng sống bằng nghề đánh bắt thủy sản, chị cho biết: bình quân 01 ngày (08 tiếng) ngồi vá lưới, tiền công là 140.000 đồng, nếu làm thêm giờ, từ 10 - 11 tiếng/ngày là 200.000 đồng. Được cái là công việc nhẹ nhàng, làm việc ở trong mát nên rất thích hợp với chị em. Và quan trọng là cũng có thêm nguồn thu nhập đáng kể, cải thiện cuộc sống.
Dù không nói nhiều về những khó khăn, vất vả của nghề khai thác, đánh bắt thủy sản, nhưng qua trao đổi với ngư dân Trần Văn Hoàng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Long Đức, tôi phần nào hiểu được những khó khăn chung của nghề này và những khó khăn riêng của ngư dân Long Trị. Khi nguồn lợi hải sản ven bờ ngày càng cạn kiệt, nguồn lợi hải sản xa bờ tuy rất tiềm năng, nhưng lại phụ thuộc rất lớn vào năng lực đánh bắt của tàu cá trang bị và các dịch vụ hậu cần nghề cá đi kèm. Giá cả vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào cho 01 chuyến đi biển thường xuyên biến động; lao động nghề cá phải làm việc trong môi trường có cường độ lao động và rủi ro cao. Rồi những bất thường, không theo quy luật của thời tiết do biến đổi khí hậu… đã và đang đe dọa sự an toàn của người và tàu cá hoạt động trên các vùng biển.
Hy vọng, Nghiệp đoàn nghề cá xã Long Đức đi vào hoạt động, kịp thời, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của ngư dân địa phương - là điểm tựa trên ngư trường, giúp họ đoàn kết, cùng nhau chia sẻ, hỗ trợ nhau khi khó khăn, hoạn nạn, giúp nhau an tâm bám biển dài ngày để mưu sinh, phát triển kinh tế gia đình, làm giàu từ biển.
Bài, ảnh: HÀ THANH
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 122/CĐ-TTg, ngày 27/11/2024 gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024.