06/09/2023 08:41
Thương lái thu mua tôm ô-xy ở xã Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang và phân loại để vận chuyển về chợ đầu mối ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Qua 08 tháng năm 2023, toàn tỉnh đã có 35.437 lượt hộ ở các huyện vùng ven biển trong tỉnh thả nuôi tôm nước lợ trên diện tích 29.419ha, với hơn 06 tỷ con tôm giống; qua đó, đã thu hoạch 73.395,5 tấn. Trong này, tôm sú có 20.065 lượt hộ thả nuôi trên diện tích 23.023,5ha (đạt 118,07 % so với kế hoạch, tăng 662,7ha so với cùng kỳ), với số lượng giống 1,204 tỉ con, sản lượng thu hoạch 11.448,6 tấn, đạt 86,1% so với kế hoạch, tăng 843,9 tấn so với cùng kỳ; khoảng 70% lượt hộ (6.057 lượt hộ) có lợi nhuận; 16% lượt hộ (1.385 lượt hộ) hòa vốn; 14% lượt hộ (1.211 lượt hộ) lỗ vốn.
Về đối tượng tôm thẻ chân trắng, có 15.372 lượt hộ thả nuôi trên diện tích 6.395,5ha (đạt 77,1% so với kế hoạch, giảm 1.033,6ha so với cùng kỳ), với số lượng giống 4,79 tỷ con. Thu hoạch với sản lượng 61.946,9 tấn (có 12.845 lượt hộ thu hoạch trên diện tích 3.886ha), đạt 82% so với kế hoạch, tăng 1.717 tấn so với cùng kỳ. Trong đó, có khoảng 71,5% lượt hộ (9.184 lượt hộ) có lợi nhuận; 15% lượt hộ (1.927 lượt hộ) hòa vốn; 13,5% lượt hộ (1.734 lượt hộ) lỗ vốn ....
Theo đồng chí Nguyễn Văn Quốc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh), đối với diện tích thả nuôi tôm nước lợ, cơ bản đã kết thúc vụ nuôi; tuy nhiên, hiện nay giá tôm đang tăng trở lại nên nhiều nông dân nuôi rải vụ (chủ yếu tôm thẻ chân trắng) do thời gian nuôi và thu hoạch khoảng 120 ngày nên thời gian khoảng 04 tháng còn lại, sẽ có diện tích khoảng 2.000ha được nông dân lắp vụ. Về tình hình thời tiết, từ nay đến cuối năm chủ yếu ảnh hưởng mưa bão, nên một số bệnh trên tôm nuôi thường gặp là bệnh đường ruột.
Với giá tôm thương phẩm trong 10 ngày cuối tháng 8/2023 dao động: đối với tôm thẻ chân trắng (30 con/kg) từ 127.000 - 130.000 đồng/kg (tăng 3.000 đồng/kg so với thời điểm giữa tháng 8/2023), loại 50 con/kg: 97.000 -102.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng/kg), loại 100 con/kg: 78.000 - 80.000 đồng/kg. Tôm sú loại 20 con/kg: giá dao động 195.000 - 205.000 đồng/kg; loại 30 con/kg: 150.000 - 160.000 đồng/kg; loại 40 con/kg: 115.000 -120.000 đồng/kg... Với giá tôm hiện nay, người nuôi tôm thẻ có lời khi tôm đạt kích cỡ từ 30 - 50 con/kg.
Nông dân Lê Trang Diển ở ấp Cái Già, xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang chia sẻ: vụ tôm thu hoạch vừa qua, nhìn chung người nuôi tôm không có lời nhiều, trước đây lời 100 triệu đồng nay chỉ còn 30 - 35%. Riêng gia đình vừa thu hoạch 04 tấn tôm thẻ, so với năm 2022, gia đình thu lời trên 150 triệu đồng; nhưng trong năm 2023 do giá tôm giảm, chi phí nuôi tăng (điện, thức ăn, thuốc thú y thủy sản....) nên hiệu quả kinh tế của con tôm mang lại không cao, lợi nhuận chỉ bằng 40% so với năm 2022. Để chuẩn bị cho vụ thả nuôi trong 04 tháng cuối năm với giá tôm đang tăng trở lại, gia đình dự định khoảng 20/9 sẽ tiến hành thả nuôi lại vụ tôm thẻ khoảng 200.000 con giống/diện tích 900m2.
Tình hình nuôi tôm hiện nay đa phần người nuôi đang hướng tới nuôi rải vụ và khi giá tôm giảm, ảnh hưởng thời tiết hay dịch bệnh; người nuôi sẽ “cắt vụ” nhằm giảm thiệt hại. Bên cạnh đó, người nuôi tôm hiện đang chú trọng đến hình thức nuôi tôm ô-xy để bán cho các thương lái vận chuyển về các chợ đầu mối ở Thành phố Hồ Chí Minh. Trên địa bàn huyện Cầu Ngang, có khoảng 5.400ha diện tích mặt nước nuôi tôm nước lợ; trong đó, có trên 3.100ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng; hơn 2.200ha diện tích nuôi tôm sú cùng với 86ha diện tích nuôi tôm theo hướng công nghệ cao.
Đồng chí Lê Văn Phi, Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang cho biết: với giá tôm hiện nay, nhìn chung đa số các hộ nuôi thành công đều có lời; tức là cỡ tôm từ 30 - 50 con/kg tôm thẻ chân trắng. Trong diện tích 5.400ha nuôi tôm nước lợ, có khoảng 30 - 35% diện tích thu hoạch được người nuôi bán tôm ở hình thức tôm ô-xy, đối với tôm ô-xy sẽ có giá cao hơn so với tôm ướp đá. Riêng diện tích nuôi tôm công nghệ cao, trên 90% người nuôi bán tôm ô-xy.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Quốc, với giá tôm đang có xu hướng tăng mạnh ở những tháng cuối năm, do đó, về chỉ tiêu sản lượng của ngành sẽ cơ bản vượt kế hoạch. Trong đó, sản lượng tôm thẻ chân trắng sẽ tăng mạnh. Về các đối tượng nuôi khác cũng đang có giá khá cao như tôm càng xanh và cua biển, hiện sản lượng 02 đối tượng trên lần lượt đạt 77,6% và 94,1% so với kế hoạch năm.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Mục tiêu XDNTM hướng đến là nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Với ý nghĩa đó, hơn 13 năm triển khai XDNTM, tỉnh Trà Vinh luôn nhận được sự đồng thuận cao của các tầng lớp Nhân dân, trong đó có đồng bào Khmer. Thông qua các nguồn vốn đầu tư của Trung ương và địa phương đã góp phần thay áo mới ở địa phương có hơn 31,5% đồng bào Khmer sinh sống. Những ngày này, hòa chung niềm vui khi Trà Vinh là tỉnh đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long hoàn thành nhiệm vụ XDNTM, khắp phum sóc, đồng bào Khmer cũng đang hân hoan nhìn lại những đổi thay tích cực từ Chương trình mục tiêu quốc gia mang lại.