13/11/2023 06:55
Ao nuôi tôm ở xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang “cắt vụ” chờ môi trường nuôi thuận lợi để thả.
Việc người nuôi tôm “cắt vụ” đã ảnh hưởng không ít đến sản lượng tôm chung của tỉnh trong thực hiện chỉ tiêu kế hoạch năm 2023. Trong 10 tháng năm 2023, toàn tỉnh có 38.224 lượt hộ thả nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng trên diện tích 31.131ha/6,55 tỷ con giống; sản lượng thu hoạch 87.194 tấn (tôm sú: sản lượng 13.047,6 tấn/10.235 lượt hộ thu hoạch trên diện tích 9.198ha, đạt 98,1% so với kế hoạch; tôm thẻ chân trắng: sản lượng 74.146,6 tấn (ước có 14.838 lượt hộ thu hoạch trên diện tích 4.892ha), đạt 98,2% so với kế hoạch).
Cùng với đó, tỷ lệ hộ nuôi bị thua lỗ và huề vốn chiếm khá cao, do tác động của các yếu tố như dịch bệnh, giá thành tôm giảm… Trong đó, hộ nuôi tôm sú có 70% lượt hộ có lãi (7.165 lượt hộ) và 16% lượt hộ hòa vốn (1.638 lượt hộ), 14% lượt hộ lỗ vốn (1.432 lượt hộ). Hộ nuôi tôm thẻ chân trắng có 71,5% lượt hộ có lãi (10.609 lượt hộ) và 15% lượt hộ hòa vốn (2.226 lượt hộ), 13,5% lượt hộ lỗ vốn (1.003 lượt hộ).
Nông dân Võ Văn Bền, ấp Bà Nhì, xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải cho biết: gia đình có 02 ao nuôi tôm công nghệ cao, tuy nhiên từ tháng 8/2023 đến nay phải ngưng thả. Nguyên nhân do độ mặn trên các kênh cấp giảm mạnh và thời gian độ mặn dưới 0‰ kéo dài hơn 01 tháng nên người nuôi phải “cắt vụ” và đợi đến khoảng đầu tháng 12/2023 mới vào vụ khi môi trường nước ổn định.
Với giá tôm thẻ chân trắng thương phẩm dao động ở từ 87.000 - 90.000 đồng/kg (60 con/kg), 95.000 - 97.000 đồng/kg (50 con/kg), 132.000 - 135.000 đồng/kg (30 con/kg); tôm sú 190.000 đồng/kg (20 con/kg)… So với cùng kỳ năm 2022 giá tôm sú thấp hơn từ 30.000 - 50.000 đồng/kg, giá tôm thẻ thấp hơn từ 5.000 - 20.000 đồng/kg.
Nông dân Lê Văn Diện, ấp Cái Già, xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang nói: với giá tôm hiện nay, người nuôi giỏi, không “gãy vụ” giữa chừng thì mới có lời chút đỉnh; nếu nuôi khoảng 2/3 thời gian do dịch bệnh phải thu hoạch thì coi như lỗ từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, với thời gian này tôm chỉ đạt khoảng 50 - 60 con/kg. Hiện nay, không chỉ có gia đình tôi mà các hộ ở Hiệp Mỹ Đông đã “cắt vụ” tôm thẻ chân trắng do độ mặn trong nguồn nước đưa vào ao nuôi không có; để thả được tôm, độ mặn phải từ 10‰ trở lên.
Thời gian qua, tôm nuôi thiệt hại với các nguyên nhân do môi trường ao nuôi biến động lớn (nhiệt độ, lạnh, mưa…) dễ phát sinh dịch bệnh gây thiệt hại cho tôm nuôi. Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh, phần lớn tôm nuôi thiệt hại trên địa bàn các huyện Châu Thành, Cầu Ngang, Duyên Hải, thị xã Duyên Hải tập trung ở giai đoạn từ 20 - 50 ngày tuổi, tôm chết có dấu hiệu của bệnh đốm trắng (chiếm 26,3%), đường ruột (chiếm 21,1%), hoại tử gan tụy (chiếm 23,6%), môi trường (chiếm 14,5%), đỏ thân (chiếm 4,1%), hoại tử cơ quan tạo máu (chiếm 3,5%), bệnh phân trắng (chiếm 07%).
Với tình hình giá tôm sú, tôm thẻ và độ mặn của nước không thuận lợi cho người nuôi; một số khu vực nuôi tôm ở huyện Cầu Ngang, Châu Thành đã phát triển mạnh sang nuôi tôm càng xanh. Trong vụ nuôi thủy sản năm 2023, toàn tỉnh có 1.466 lượt hộ thả nuôi trên diện tích 1.714ha (đạt 93,7% so với kế hoạch, tăng 61ha so với cùng kỳ), với số lượng giống 75,3 triệu con, sản lượng thu hoạch 1.984 tấn (đạt 90,2% so với kế hoạch).
Riêng trên địa bàn xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang là địa phương có diện tích nuôi tôm càng xanh được chuyển sang từ nuôi tôm tôm, tôm thẻ chân trắng khá lớn. Hiện toàn xã có 233 lượt hộ thả nuôi 5,825 triệu con giống/224ha; qua thu hoạch có 05 hộ lỗ vốn/03 hộ thiệt hại và 225 hộ lời (33 hộ lời trên 100 triệu đồng/hộ; 121 hộ từ lời 50 - 100 triệu đồng/hộ và 71 hộ lời dưới 50 triệu đồng/hộ).
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.