31/08/2021 09:23
Nguồn cung dồi dào do nông dân chọn rau ăn lá có thời gian thu hoạch ngắn, chi phí thấp, lợi nhuận nhiều, trồng xoay vòng từ 07 - 08 đợt/năm, lợi nhuận mỗi đợt đạt từ 50 - 100 triệu đồng/ha, tùy theo thời điểm giá.
Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, mặt hàng nông sản rau ăn lá của người dân xã Hòa Lợi rơi vào tình trạng cung vượt cầu, nông dân bị thua lỗ hoặc huề vốn do đầu ra bấp bênh, nông dân bỏ 50% số lượng rau ăn lá quá tuổi thu hoạch.
Nông dân Nguyễn Văn Sang, ấp Đa Hòa Bắc, xã Hòa Lợi cho biết: với 4.000m2 đất sản xuất, vụ màu vừa qua, ngoài 1.500m2 gừng, diện tích còn lại trồng xà lách, hành lá, cải thìa… nhưng vào thời điểm thu hoạch rơi vào thực hiện giãn cách xã hội, ông bỏ 50% diện tích rau cải quá tuổi thu hoạch do hoạt động giao thương của thương lái bị giới hạn tại địa phương nên thu hoạch không kịp, thêm vào đó giá nông sản sụt giảm nên vụ rau cải vừa rồi hòa vốn.
Nông dân Nguyễn Văn Sang chăm sóc hành lá.
Nông dân Thạch Xương, ấp Kinh Xáng, xã Hòa Lợi cho biết: từ khi thực hiện giãn cách xã hội, ông giảm diện tích xuống giống rau cải còn 1.000m2. Với diện tích trên, ông chủ yếu trồng cải ngọt, mồng tơi. Mỗi loại rau ông xuống giống cách nhau từ 10 - 15 ngày, hiện nay ông đang thu hoạch mồng tơi, bình quân khoảng 10kg/ngày, giá bán 3.000 đồng/kg. Trồng theo cách này tránh dội hàng đụng chợ, vừa có rau cải thu hoạch mỗi ngày vừa có nguồn thu nhập, bởi rau cải các loại có thời gian ngắn khoảng 30 - 40 ngày thu hoạch.
Với ông Xương, tuy đầu ra nông sản hiện nay bấp bênh nhưng trước mắt gia đình ông vẫn duy trì sản xuất, nếu không trồng thì khi hết giãn cách xã hội sẽ không có rau cải để bán.
Hiện nay, do thực hiện giãn cách xã hội nên lượng rau cải thu mua của nông dân ấp Kinh Xáng chủ yếu tiêu thụ tại chợ Bạch Đằng và chợ Phường 1, thành phố Trà Vinh, nguồn cung giảm 60% so với trước đây. Mặc dù hoạt động giao thương hàng hóa bị giới hạn, nhưng thương lái vẫn tiếp tục thu mua của các thành viên trong tổ hợp tác để duy trì mối liên kết gắn bó nhiều năm qua.
Thương lái Thạch Thị Trị, ấp Kinh Xáng cho biết: những năm qua, hầu hết số lượng rau cải của tổ hợp tác ở ấp Kinh Xáng đều do bà thu mua sau đó phân phối cho tiểu thương ở các chợ trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, bà thu mua khoảng 400kg rau cải các loại giao cho các tiểu thương trong chợ Bạch Đằng và chợ Phường 1, ngoài số lượng rau cho các tiểu thương trong chợ, số lượng còn lại bà bày bán ở chợ Trà Vinh, ngày nào bán hết lợi nhuận 300.000 đồng/ngày, ngày nào bán không hết bà tặng cho các điểm khu cách ly. Tuy địa phương đã tạo điều kiện cho các thương lái hoạt động giao thương nhưng số lượng không lớn và địa bàn hoạt động giới hạn. Nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, bà hy vọng Nhà nước hỗ trợ cho thương lái được tiêm ngừa vắc-xin Covid-19, bởi hoạt động của thương lái tiếp xúc khá nhiều người nên trong quá trình kinh doanh cũng thấp thỏm lo lắng.
Hiện xã có 17 tổ hợp tác sản xuất rau màu và chăn nuôi với 275 thành viên, trong đó có hơn 80% thành viên tổ hợp tác tham gia trồng rẫy, do đó nguồn cung nông sản tiêu thụ khá lớn. Tuy nhiên, hiện nay dịch bệnh diễn biến phức tạp, đầu ra nông sản bấp bênh, nông dân thu lỗ, hoặc có lợi nhuận thấp so với trước.
Ông Tạ Văn Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Lợi cho biết: phần lớn diện tích sản xuất rau cải của nông dân không lớn, nhờ xoay vòng liên tục nhiều đợt trong năm nên nông dân có nguồn thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi đối với thành viên tổ hợp tác không nhiều. Vì vậy, ngoài các thành viên tổ hợp tác, xã mong nhà nước có cơ chế chính sách ưu đãi mở rộng cho các đối tượng nông dân để khuyến khích nông dân tích cực tham gia sản xuất.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.