21/01/2021 13:00
Xông đèn cho hoa cúc tại vườn hoa của gia đình anh Đặng Văn Khoa.
Các loại hoa được nông dân tập trung trồng trong dịp Tết nhiều là hoa cúc (cúc trắng, cúc vàng, cúc mâm xôi, cúc đại đóa, cúc pha lê Đà Lạt…), vạn thọ (vạn thọ sao băng, vạn thọ Pháp, vạn thọ vàng chanh…). Trong vụ hoa Tết năm 2021, huyện Cầu Kè có khoảng 70 hộ nông dân trồng hoa, tập trung ở các xã Hòa Tân, Thạnh Phú, Thông Hòa, Ninh Thới và Tam Ngãi... trong này, có 02 hộ chuyên trồng hoa cúc (loại lớn: đường kính chậu 0,8-1,2m) cung cấp cho các thị trường ở Thành phố Hồ Chí Minh và Tiền Giang, Vĩnh Long.
Theo ông Lê Quốc Thuần, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, hiện trên địa bàn xã có 05 hộ trồng hoa Tết, trong đó 02 hộ chuyên trồng cúc là gia đình ông Đặng Văn Khoa, Nguyễn Duy Phương (ấp Chông Nô III), với hơn 01ha đất trồng hoa cúc giống pha lê Đà Lạt, cúc vàng (khoảng 5.000 chậu các loại) và có giá bán dao động 0,8-03 triệu đồng/cặp; số hộ còn lại trồng hoa vạn thọ, cúc mâm xôi.
Tìm hiểu về nghề trồng cúc pha lê Đà Lạt, chúng tôi được nhà vườn Nguyễn Duy Khương, ấp Chông Nô III, xã Hòa Tân cho biết: 05 năm qua, gia đình đã gắn bó với nghề trồng hoa Tết, chủ yếu là cúc pha lê Đà Lạt. Riêng vụ hoa Tết năm 2021, gia đình mở rộng diện tích và số lượng tăng gấp 03 lần so với trước đây. Tuy trồng hoa cúc pha lê Đà Lạt đòi hỏi người trồng phải có kinh nghiệm và nguồn vốn lớn, nhưng giá trị mang lại rất cao. Từ tháng 6 âm lịch là bắt đầu trồng, sau 07 tháng sẽ xuất bán, trong thời gian liên tục 03 tháng đầu phải xông đèn (kích thích cho cây ra nhánh), trước khi xuất bán khoảng 02 tháng, thuê nhân công cắt bỏ bớt hoa trên đầu nhánh (chỉ để 01 hoa/đọt), số lao động thuê mướn từ 25-30 người/ngày và liên tục khoảng 12-15 ngày (giai đoạn ra hoa).
Được biết mỗi chậu hoa cúc pha lê Đà Lạt được gia đình ông Đặng Văn Khoa, Nguyễn Duy Phương trồng, thường có độ cao 1,5m, độ xòe của tán hoa có đường kính khoảng 01m. Chi phí đầu tư từ lúc trồng đến xuất bán dao động từ 1,5-02 triệu đồng/cặp hoa. Cũng theo anh Nguyễn Duy Khương, trung bình mỗi vụ hoa tết, trừ các khoảng, thu nhập vài trăm triệu đồng.
Nếu so sánh với việc trồng màu (thời điểm Tết) thì trồng hoa bán Tết cho thu nhập tương đối cao và thời gian trồng tuy dài, nhưng thời gian dành cho việc chăm sóc hoa không nhiều, chủ yếu tập trung vào giai đoạn khoảng 01 tháng xuất bán. Còn tại xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè có khoảng 10 hộ tham gia trồng hoa bán dịp Tết chủ yếu nằm cặp theo tuyến Kênh 15 (Đường huyện 33), ấp Ô Chích, Trà Mẹt.
Theo anh Nguyễn Hoàng Trân, cán bộ nông nghiệp xã Thông Hòa, các hộ trồng hoa Tết ở địa phương chủ yếu làm nghề trồng rau màu; tranh thủ dịp Tết nên tận dụng các diện tích đất xung quanh nhà để trồng hoa Tết, chủ yếu là hoa vạn thọ, cúc vàng; nguồn tiêu thụ ở tại địa phương. Các hộ trồng hoa Tết còn mang tính nhỏ lẻ, trung bình từ 100-200 chậu hoa các loại/hộ, mỗi chậu hoa lời từ 15.000-20.000 đồng.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.