21/01/2024 07:56
Nhà vườn Hứa Văn Dân (phải) bên vườn sa bô hơn 40 năm tuổi cho thu nhập trên 400 triệu đồng/ha/năm.
Tại vùng trọng điểm trồng sa bô ở xã Ninh Thới, giai đoạn 1992 - 2000, địa phương này có trên 750ha chuyên canh cây sa bô. Sau thời gian dài, nhà vườn chặt bỏ cây sa bô để thay vào các cây trồng khác như bưởi da xanh, cam sành, mít… Đến năm 2020, diện tích sa bô đã dần được khôi phục và có sự chăm sóc của nhà vườn; hiện tổng diện tích cây sa bô của toàn xã hơn 150ha; đối với các vườn sa bô có độ tuổi từ trên 40 năm tuổi đã giảm mạnh, chỉ còn khoảng vài chục héc-ta.
Theo bà Lê Thị Huyền Trang, Công chức Nông nghiệp và Môi trường xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè: diện tích sa bô của địa phương hiện nay chủ yếu được cải tạo và trồng mới khoảng 05 năm trở lại. Riêng năm 2023, đã phát triển trồng mới được 20ha sa bô, với các giống như sa bô lồng mứt (còn gọi sa bô trứng ngỗng) và sa bô dây (giống sa bô truyền thống).
Với giá sa bô được thương lái thu mua tại nhà vườn lúc thấp nhất là 6.500 - 7.000 đồng/kg và cao nhất trên 12.000 đồng/kg; riêng giống sa bô lồng mứt có giá cao hơn sa bô dây từ 3.000 - 4.000 đồng/kg, nhưng năng suất chỉ bằng 35 - 40% so với sa bô dây.
Nhà vườn Hứa Văn Dân, ấp Rạch Đùi, xã Ninh Thới cho biết: gia đình có gần 0,8ha vườn chuyên trồng sa bô dây, do sâu bệnh và cây già cỗi, hiện còn lại khoảng 45 gốc sa bô/0,2ha có độ tuổi trên 45 năm. Hàng năm, cho sản lượng khoảng 12 tấn trái (60 tấn/ha), với giá sa bô từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, gia đình thu nhập gần 100 triệu đồng/0,2ha. Với giá sa bô luôn ổn định và giá trên 5.000 đồng/kg là nhà vườn có lời. Vì vậy, năm 2000, gia đình phát triển trồng thêm gần 50 gốc sa bô và cây đang cho trái chiếng.
Nói về kinh nghiệm trong xử lý sa bô, theo nhà vườn Hứa Văn Dân, chi phí đầu tư cho sa bô từ lúc ra bông đến có trái thu hoạch khoảng 03 tháng; thời gian cho trái từ tháng 8 âm lịch đến tháng Giêng năm sau. Trong quá trình cây cho trái phải xử lý thuốc, trung bình cứ 20 ngày xịt thuốc 01 lần (chi phí khoảng 500.000 đồng/đợt/45 gốc sa bô) và kéo dài khoảng 10 đợt. Riêng cây sa bô do có bộ rễ cộc luôn ăn sâu xuống đất, nên đối với vùng đất sạn, đất nà sẽ không thích nghi cho cây sa bô phát triển.
Khuynh hướng phát triển cây sa bô ở Cầu Kè đang được nhiều nhà vườn hướng tới; từ đó, kéo theo nghề chiết cành cây giống để cung ứng cho người trồng sa bô lan rộng, không chỉ cung cấp cây giống ở trong huyện Cầu Kè mà sang cả các huyện của tỉnh Bến Tre và Hậu Giang.
Nhà vườn Nguyễn Hoàng Anh, ấp Đồng Điền, xã Ninh Thới cho biết: gia đình có vườn sa bô hơn 0,5ha, nhưng đã chặt bỏ và chuyển sang trồng cây có múi từ năm 2015 khi sa bô mất giá. Đến năm 2020, gia đình đã khôi phục lại vườn sa bô với giống sa bô lồng mứt nhằm chuyên cung ứng cây giống. Hiện nay, với giá sa bô giống dao động 12.000 - 15.000 đồng/cây và cung cấp ra thị trường từ 5.000 - 7.000 cây sa bô giống. Hiện nay, giống sa bô lồng mứt đang được nhà vườn chọn để trồng do đặc điểm mẫu mã đẹp, trái to, có độ ngọt và ruột màu đỏ tươi…
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.