25/04/2024 10:24
Diện tích sa-pô của các nhà vườn ở ấp Trà Điêu (ven Sông Hậu), xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè đã khô cạn, thiếu nước do không tiếp được nước ngọt.
Nhà vườn Lý Huỳnh Long, ấp Mỹ Văn, xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè cho biết: từ đầu tháng 3/2024 đến nay, đối với các nhà vườn nằm ngoài đê bao (Đường tỉnh 915) đang bị nước mặn xâm nhập, len lỏi vào vườn cây ăn trái. Nguyên nhân là ngoài đê bao, phía giáp với Sông Hậu, nguồn nước lấy trực tiếp vào vườn chủ yếu qua các bọng phi 100, phi 150 và các nắp đậy bọng không kín, kết hợp với mọi, đã làm nước mặn xâm nhập vào vườn cây ăn trái. Gia đình có gần 01ha vườn chuyên canh cây mít; nước trong các vườn cây ăn trái cạn kiệt và nhà vườn cũng không dám lấy nước tưới cho cây, vì độ mặn ở ngoài sông khá cao.
Theo đồng chí Lê Thị Huyền Trang, cán bộ Nông nghiệp - Môi trường xã Ninh Thới: hiện toàn xã có trên 1.100ha vườn cây ăn trái, trong đó trên 60% diện tích nằm ngoài đê bao (Đường tỉnh 915), giáp với Sông Hậu và nguồn nước lấy trực tiếp từ Sông Hậu vào vườn cây. Trước tình hình độ mặn lên cao, nhà vườn phải đóng bọng và các mương trữ nước trong vườn cạn kiệt, không còn nước bơm tát được.
Với gần 0,3ha chuyên canh trồng mận của gia đình bà Lê Thị Ba, ấp Bà Bảy, xã Ninh Thới; gần 01 tháng nay do nguồn nước ngoài Sông Hậu mặn lên cao, không có nước tưới vườn đã làm cho vườn mận bị giảm năng suất. Bà Lê Thị Ba chia sẻ: cây mận chỉ cần 03 - 05 ngày không tưới là rụng trái, nếu cây đang đậu trái sẽ bị teo lại. Hiện nay, do không tiếp được nước ngọt vào vườn, số trái mận rụng đầy các mương trong vườn, gây bốc mùi hôi thối. Kiến nghị tỉnh, huyện cần có chính sách hỗ trợ cho các nhà vườn trong thời điểm ảnh hưởng nước mặn về vốn đầu tư để phục hồi lại vườn cây ăn trái…
Bà Lê Thị Ba, ấp Bà Bảy, xã Ninh Thới bên khu vườn không thể tiếp ngọt được, do độ mặn quá cao ngoài Sông Hậu (từ đầu tháng 3 đến đầu tháng 4/2024).
Tại huyện Cầu Kè có hơn 8.500ha vườn cây ăn trái; trong đó có trên 15% diện tích vườn nằm ven tuyến Sông Hậu ở các xã Ninh Thới, Hòa Tân và An Phú Tân cùng với cồn Bần Chát (ấp An Lộc, xã Hòa Tân), cù lao Tân Qui (ấp Tân Qui 1, Tân Qui 2 xã An Phú Tân). Hàng năm, khi nước mặn từ vàm Cầu Quan lấn sâu lên thượng nguồn Sông Hậu, các nhà vườn ven sông phải đóng bọng và trữ ngọt trong các mương vườn.
Theo đồng chí Phạm Văn Kha, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè: do mùa khô hạn năm 2024 cùng với độ mặn cao, kéo dài đã gây ra tình trạng thiếu nước bơm tát cho vườn cây ăn trái của các nhà vườn ven Sông Hậu khi phải lấy trực tiếp từ sông vào. Bên cạnh đó, các nhà vườn cũng theo dõi chặt diễn biến độ mặn để chủ động đóng các bọng phía trong vườn của mình, tránh nước mặn rò rỉ vào; không bơm tát trực tiếp nguồn nước vào cây nếu nguồn nước mặn đã hiện hữu có trong vườn…
Tình hình mặn hiện nay vẫn ở mức cao (lúc 21 giờ, ngày 14/4/2024 đỉnh mặn 2,27‰) tại vàm Bông Bót (xã An Phú Tân).
Hiện nay, các hình thức “tích nước” được các nhà vườn ở cù lao Tân Qui, cồn An Lộc và ven Sông Hậu thực hiện theo chu kỳ của con nước. Khi thấy độ mặn giảm dưới 01‰, mở cống, bọng cho nước vào các ao, mương trong vườn trữ lại và sử dụng 03 - 05 ngày; khi điều kiện nước ngoài sông vẫn còn độ mặn cao vượt ngưỡng, sẽ đóng bọng, không tiếp nước vào trong mương vườn.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.