13/03/2023 04:22
Mô hình lúa - tôm của nông dân xã Long Hòa, huyện Châu Thành. Ảnh: THANH NHÃ
Sản phẩm tôm Trà Vinh
Thủy sản là một trong những ngành mũi nhọn và có những đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Không chỉ tiêu thụ trong nước, các sản phẩm như tôm, cua, cá, mực, bạch tuộc còn được đẩy mạnh xuất khẩu sang các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, thị trường EU…, trong đó tôm là một trong những sản phẩm chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao. Việc sản xuất, chế biến tôm tập trung nhiều ở khu vực miền trung và đồng bằng sông Cửu Long.
Là một tỉnh ven biển, nằm giữa 02 con sông lớn là Sông Tiền và Sông Hậu, với 03 vùng sinh thái mặn, lợ, ngọt tự nhiên, Trà Vinh đã hình thành được vùng nuôi tôm lớn, tập trung tại các huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải. Với sản lượng trung bình đạt khoảng 75.000 tấn/năm, bao gồm nhiều chủng loại như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh… Tôm Trà Vinh ngày càng khẳng định năng suất, chất lượng và vị thế sản phẩm không chỉ trên thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Năm 2022, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản tại Trà Vinh đạt 59.675ha (tăng 3.065ha so với cùng kỳ). Sản lượng thu hoạch 169.160 tấn (tăng 10.491 tấn so với cùng kỳ). Trong đó, riêng tôm nước lợ có 41.038 lượt hộ thả nuôi trên diện tích 31.400ha với số lượng con giống 7,23 tỷ con, sản lượng 79.437 tấn. Trong đó, tôm sú có 21.876 lượt hộ thả nuôi trên diện tích 23.200 với số lượng giống 1,51 tỷ con; có 11.539 lượt hộ thu hoạch, sản lượng thu hoạch 13.582 tấn (tăng 436 tấn so với cùng kỳ); tôm thẻ chân trắng, có 19.162 lượt hộ thả nuôi trên diện tích 8.200ha (tăng 387ha so với cùng kỳ), với số lượng giống 5,72 tỷ con, có 15.491 lượt hộ thu hoạch, sản lượng thu hoạch 65.855 tấn.
Ngoài ra, đối với tôm càng xanh có 2.138 lượt hộ thả nuôi trên diện tích 1.679ha (giảm 51ha so với cùng kỳ), với số lượng giống 71,29 triệu con, sản lượng thu hoạch 1.905 tấn (tăng 67 tấn so với cùng kỳ). Đối với tôm giống, Trà Vinh có 30 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản đang hoạt động.
Các cơ sở sản xuất giống tại địa phương tập trung phần lớn ở huyện Duyên Hải, thị xã Duyên Hải, Châu Thành và thành phố Trà Vinh. Trong đó có 27 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm sú, sản xuất cung ứng 400 triệu post (đáp ứng khoảng 20% nhu cầu giống thả nuôi trong tỉnh); có 03 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm thẻ chân trắng, cung ứng trên 1,5 tỷ con post (đáp ứng khoảng 26% nhu cầu giống thả nuôi). (Theo báo cáo tổng kết thực hiện kế hoạch phát triển thủy sản năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 của Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh).
Mặc dù là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Trà Vinh nhưng các sản phẩm tôm Trà Vinh chưa được biết đến rộng rãi, danh tiếng chưa tương xứng với sản lượng và chất lượng của Tôm Trà Vinh. Nhằm phát triển thương hiệu tôm Trà Vinh, UBND tỉnh Trà Vinh đã ban hành nhiều quyết định đúng đắn, kịp thời, toàn diện từ góc độ kinh tế - xã hội đến góc độ khoa học và công nghệ, sở hữu trí tuệ. Và một trong các biện pháp đó là xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu chứng nhận “Tôm Trà Vinh”.
Nhãn hiệu chứng nhận tôm Trà Vinh
Thu hoạch tôm thẻ chân trắng - một trong những sản phẩm trong thương hiệu “Tôm Trà Vinh”. Ảnh: HỮU HUỆ
Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu (Khoản 18 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ). Tại Việt Nam, quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu chứng nhận được xác lập trên cơ sở quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho chủ sở hữu khi đáp ứng các điều kiện mà pháp luật quy định.
Xuất phát từ điều kiện tự nhiên và tập quán sản xuất, Việt Nam có rất nhiều các sản phẩm, dịch vụ mang yếu tố đặc thù của địa phương. Nhận thức được lợi ích to lớn của việc bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận đối với chủ sở hữu và các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận cũng như lợi ích to lớn cho người sử dụng, Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách và các biện pháp cần thiết đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận.
Theo Quyết định số 1062/QĐ-TTg, ngày 14/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 - 2020 thì một trong các mục tiêu của Chương trình này là hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho ít nhất 70 sản phẩm đặc thù của địa phương, sản phẩm làng nghề mang tên địa danh.
Ngày 24/12/2020 Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 theo Quyết định số 2206/QĐ-TTg, trong đó liên quan đến nhãn hiệu chứng nhận có 02 nội dung quan trọng: (i) Đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm quốc gia, sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của địa phương và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP; (ii) Khai thác, phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được bảo hộ theo chuỗi giá trị. Giới thiệu, quảng bá và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại khác nhằm khai thác, phát triển giá trị các tài sản trí tuệ.
Các địa phương cũng nhận thấy được tầm quan trọng của nhãn hiệu chứng nhận do đó trong những năm gần đây, số lượng nhãn hiệu chứng nhận được đăng ký bảo hộ đã tăng lên nhanh chóng. Với ưu thế của nhãn hiệu chứng nhận là chủ sở hữu không được phép sử dụng nhãn hiệu chứng nhận trên sản phẩm của mình và phần lớn nhãn hiệu chứng nhận ở Việt Nam có sự tham gia quản lý của cơ quan nhà nước (UBND hoặc các sở, ban, ngành) dưới góc độ là chủ sở hữu hoặc cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận, việc xây dựng, quản lý và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận Tôm Trà Vinh sẽ tạo cơ hội bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm được quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, đảm bảo góp phần thúc đẩy việc khai thác thương mại sản phẩm một cách đồng bộ, nâng cao uy tín và danh tiếng của sản phẩm.
Việc bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận Tôm Trà Vinh góp phần thực hiện chính sách của Nhà nước về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phù hợp với chính sách và định hướng của tỉnh Trà Vinh về việc chú trọng phát triển các sản phẩm đặc thù có lợi thế cạnh tranh gắn liền với việc phát triển các tài sản trí tuệ của địa phương, mang lại lợi ích thiết thực cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh các sản phẩm này cũng như người tiêu dùng và các lợi ích kinh tế - xã hội khác.
Dưới sự quản lý và hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành và các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, ngày 26/01/2022, Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ AGL (Công ty AGL) đã đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh nộp đơn đăng ký Nhãn hiệu chứng nhận “Tôm Trà Vinh” tại Cục Sở hữu trí tuệ. Và ngày 15/02/2023 Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã ký Quyết định số 1043W/QĐ- SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 444526 cho Nhãn hiệu chứng nhận Tôm Trà Vinh cho các sản phẩm, dịch vụ sau:
Sản phẩm: Tôm (còn sống), tôm sú giống, tôm thẻ chân trắng giống, tôm càng xanh giống, tôm sú đông lạnh, tôm thẻ chân trắng đông lạnh, tôm càng xanh đông lanh, tôm khô;
Dịch vụ: Dịch vụ mua bán tôm (còn sống), tôm sú giống, tôm thẻ chân trắng giống, tôm càng xanh giống, tôm sú đông lạnh, tôm thẻ chân trắng đông lạnh, tôm càng xanh đông lạnh, tôm khô; dịch vụ quảng cáo, quảng bá tôm (còn sống), tôm sú giống, tôm thẻ chân trắng giống, tôm càng xanh giống, tôm sú đông lạnh, tôm thẻ chân trắng đông lạnh, tôm càng xanh đông lạnh, tôm khô.
Chủ sở hữu Nhãn hiệu chứng nhận Tôm Trà Vinh là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh.
Sau khi xác lập quyền đối với hiệu chứng nhận thành công, vấn đề quan trọng là phải quản lý và phát triển nhằm khai thác được những lợi ích to lớn của nhãn hiệu này. Hoạt động quản lý nhãn hiệu chứng nhận nhằm hướng tới các mục tiêu sau: (i) Thiết lập cơ chế quản lý và khai thác nhãn hiệu chứng nhận nhằm đảm bảo việc kiểm soát chất lượng, xúc tiến thương mại cho hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu; (ii) Xây dựng được các điều kiện, phương tiện phục vụ quản lý và khai thác, phát triển nhãn hiệu chứng nhận phù hợp với điều kiện của chủ sở hữu và của địa phương cũng như tính chất của loại hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu chứng nhận; (iii) Các hoạt động quản lý, khai thác, phát triển nhãn hiệu chứng nhận được triển khai trên thực tế; (iv) Giá trị kinh tế và thị phần của hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu chứng nhận được gia tăng giá trị.
Tham gia vào hoạt động quản lý nhãn hiệu chứng nhận bao gồm hai nhóm chủ thể. Thứ nhất, các cơ quan nhà nước, thực hiện quản lý nhà nước đối với nhãn hiệu chứng nhận. Thứ hai, chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận thực hiện quyền quản lý nhãn hiệu chứng nhận. Nhằm phục vụ công tác quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận, Công ty AGL đã xây dựng được mô hình quản lý Nhãn hiệu chứng nhận và hệ thống văn bản quản lý Nhãn hiệu chứng nhận Tôm Trà Vinh bao gồm: Quy chế Quản lý và sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận, Quy chế Cấp và chấm dứt quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận và Quy chế Kiểm soát việc sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận. Mô hình quản lý và các quy chế đáp ứng được các quy định pháp luật và thực tế của địa phương cũng như chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Trà Vinh.
Chủ thể có quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Tôm Trà Vinh
Diện tích nuôi tôm dưới tán rừng của gia đình ông Phạm Thái Bình, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải.
Ảnh: THANH HÒA
Bất cứ tổ chức, cá nhân nào có hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm tôm và dịch vụ tại tỉnh Trà Vinh, có nguyện vọng sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Tôm Trà Vinh và đáp ứng điều kiện được quy định trong Quy chế Quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận đều có thể liên hệ với chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận để được trao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận này. Các điều kiện đó bao gồm:
- Có Đơn đề nghị cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận theo mẫu quy định tại Quy chế Quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận;
- Có hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm và dịch vụ từ sản phẩm tôm có nguồn gốc từ tỉnh Trà Vinh và nằm trong phạm vi vùng chứng nhận theo Bản đồ tại Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận;
- Sản phẩm, dịch vụ yêu cầu cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận nằm trong danh mục các sản phẩm, dịch vụ được liệt kê tại Điều 6 Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận;
- Sản phẩm, dịch vụ yêu cầu cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận phải đáp ứng tiêu chí chứng nhận được quy định tại Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận;
- Đáp ứng các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;
- Cam kết thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các nội dung trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quy định tại Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
NAM GIANG
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.