02/02/2024 07:08
Nhà vườn Nguyễn Quang Trực kiểm tra phát triển của dừa sáp giống sau quá trình ươm.
Tràn lan cây giống dừa sáp…
Anh Thạch Phu My, ấp Chông Nô 2, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè là một trong những nông dân đầu tiên tham gia khôi phục và phát triển cây dừa sáp trên vùng đất Hòa Tân, thông qua việc ươm cây giống từ các trái dừa được chọn lựa trong buồng dừa sáp.
Anh Phu My cho biết: giai đoạn 2002 - 2005, thông qua dự án khảo sát và xác định, bảo vệ cây dừa sáp đầu dòng (05ha dừa sáp trên địa bàn xã Hòa Tân) do Viện Cây có dầu (Thành phố Hồ Chí Minh) và UBND huyện Cầu Kè phối hợp thực hiện. Trong dự án trên, đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn nhà vườn cách tiếp cận, chọn trái dừa từ cây dừa sáp để ươm, chăm sóc và nhân giống.
Từ “cái nôi” dừa sáp ở Cầu Kè, có thể nói dừa sáp đã gần như hiện hữu tại nhiều tỉnh thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Do việc ươm, nhân giống dừa sáp chưa có sự ràng buộc về mặt pháp lý nên ngoài huyện Cầu Kè, nông dân ở các địa bàn trong và ngoài tỉnh đã tự nhân giống để bán… Đây là vấn đề dễ gây nhầm lẫn cho người trồng dừa, khi nguồn gốc cây giống (dừa sáp) không còn đảm bảo các yếu tố về mặt sinh trưởng, đặc điểm vùng đất, cây đầu giồng nên chất lượng tuyển chọn trái dừa để ra cây giống dễ dẫn đến việc suy giảm độ sáp trong quả dừa nếu không được chọn lọc tốt, đảm bảo các yếu tốt về kỹ thuật…
Nguồn dừa sáp giống hiện có dừa sáp ươm theo truyền thống (dừa khô trái chọn lọc để giống) và dừa sáp cấy phôi do Trường Đại học Trà Vinh và Viện Cây có dầu thực hiện… Theo số liệu từ Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh), toàn tỉnh hiện có trên 800ha dừa sáp; trong đó, có 65,8ha dừa sáp cấy phôi. Diện tích trồng tập trung nhiều nhất là huyện Cầu Kè 714ha (trong đó sáp phôi 60ha, tương đương 1.521 cây); huyện Châu Thành trên 10ha (sáp phôi 5,8ha)…
Đồng chí Phạm Văn Kha, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè cho biết: cây dừa sáp giống hiện đang có mặt trên thị trường phần lớn do các hộ trồng dừa sáp và tự nhân giống, bán ra ngoài; chưa có sự kiểm tra, giám sát từ ngành chuyên môn. Đặc biệt là những năm gần đây, nông dân các tỉnh lân cận phát triển mạnh diện tích dừa sáp nên cũng tự sản xuất, ươm cây giống và thường lấy tên dừa sáp Cầu Kè. Gây nhầm lẫn cho người trồng dừa, dẫn đến chất lượng cây giống không được thuần từ đặc điểm về thổ nhưỡng của vùng đất Cầu Kè…
Cần có nhãn hiệu chứng nhận “Giống dừa sáp Trà Vinh”
Hiện nay, cây dừa sáp ươm theo truyền thống (chọn từ trái dừa không sáp/trong buồng dừa có sáp) đã được các nhà vườn tự nhân giống đại trà và thực hiện mua bán, trao đổi với nhau khá phổ biến. Trên địa bàn huyện Cầu Kè hiện có khoảng 26 điểm bán trái dừa sáp gắn với bán cây giống, cung cấp ra thị trường khoảng trên 10.000 cây giống (không tính lượng cây giống trong nông dân tự trao đổi với nhau).
Nông dân Lý Thị Đến, Ấp 2, xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè cho biết: các hộ khi muốn trồng dừa sáp, thường chọn lựa sự uy tín và biết rõ nguồn gốc của người có dừa sáp giống để đến mua cây giống về trồng. Do dừa sáp giống ươm theo cách truyền thống từ trái dừa, phải được chọn lựa kỹ từ những buồng dừa sáp có từ 02 - 03 trái sáp, số dừa không sáp còn lại được giữ lại và ươm lên cây giống. Không phải cây dừa sáp nào cũng giữ lại trái dừa để ươm dừa giống, thì gọi là dừa sáp giống… khi đó, dừa cho tỷ lệ sáp không cao hoặc không có.
Nhà vườn Nguyễn Quang Trực, ấp Chông Nô 3, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè chia sẻ: đây là địa phương có diện tích dừa sáp lớn nhất, nên phần lớn chất lượng cây giống cơ bản được mang đầy đủ các yếu tố về thổ nhưỡng, quần thể sáp cao và chọn lựa trái dừa để giống cũng được nhà vườn chú trọng chọn lọc. Riêng gia đình có khoảng 120 cây dừa sáp, khả năng cung cấp ra thị trường từ 1.200 - 1.500 cây dừa sáp giống/năm. Do dừa sáp giống ươm kéo dài khoảng trên 04 tháng mới xuất bán và tỷ lệ hao hụt khoảng 25% (dừa trái không lên mọng), hiện giá bán dao động 40.000 - 45.000 đồng/cây dừa sáp giống.
Cũng theo nhà vườn Nguyễn Quang Trực, việc tỉnh xây dựng chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu “Giống dừa sáp Trà Vinh” là rất cần thiết cho nông dân, đặc biệt là trái dừa sáp. Đây sẽ là “hành trang” pháp lý để khi nông dân sản xuất, cung cấp và ươm giống phải được xác định vùng địa lý (huyện Cầu Kè) là nơi có đủ điều kiện đưa ra thị trường cây dừa sáp giống (ươm truyền thống), từ đó mới nâng cao được giá trị cho cây dừa sáp giống.
Hiện nay, chất lượng cây giống đang mập mờ, đánh đố người trồng… do cây dừa sáp đã có mặt ở nhiều tỉnh thành trong khu vực. Nên những hộ trồng dừa cứ tự ươm, sản xuất và cung ứng ra thị trường; từ đó nhiều vườn dừa khi đến giai đoạn thu hoạch thì không có sáp; ảnh hưởng đến đặc sản “Dừa sáp Cầu Kè”.
Ông Đỗ Việt Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và Sở hữu trí tuệ CIPTEK, đơn vị đang thực hiện xây dựng chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu “Giống dừa sáp Trà Vinh” cho tỉnh Trà Vinh, cho biết: việc xây dựng và xác định về chỉ dẫn địa lý (Trà Vinh) để các địa phương cũng như nông dân khi chọn mua giống dừa sáp, nhằm đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc và là tiêu chuẩn cơ sở để căn cứ, xem xét cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, mua bán sản phẩm giống dừa sáp Trà Vinh ra thị trường.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.