19/08/2021 09:11
Nhằm phòng, chống dịch bệnh hiệu quả đồng thời ổn định sản xuất và đời sống của Nhân dân, tỉnh tập trung nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn đã chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên quan đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn, đã vào vụ thu hoạch qua “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử lớn của Việt Nam như: Tiki.vn, Sendo.vn, Shopee.vn, Voso.vn... đồng thời, nâng cao chất lượng vận hành sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Trà Vinh, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã phân phối mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản để phục vụ người tiêu dùng.
Vụ lúa hè - thu 2021, nông dân tỉnh Trà Vinh xuống giống gần 73.000ha và đang vào vụ thu hoạch rộ. Không chỉ gặp khó do không tìm được thương lái thu mua lúa thương phẩm, nông dân còn gặp khó trong việc thuê máy gặt đập liên hợp và nhân công thu hoạch lúa.
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh chỉ đạo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát lại số lượng máy gặt đập liên hợp trên địa bàn tỉnh để bố trí hỗ trợ nông dân thu hoạch lúa. Việc sắp xếp, bố trí máy gặt đập liên hợp phải khoa học; địa phương nào có trà lúa chín trước thì tập trung thu hoạch trước. Cùng với đó, tỉnh kêu gọi thương lái, doanh nghiệp trong tỉnh thu mua lúa cho nông dân.
Trường hợp không có thương lái, doanh nghiệp trong tỉnh, các ngành, địa phương xây dựng chuỗi liên kết với các tỉnh khác trong khu vực để hỗ trợ tiêu thụ lúa vụ hè - thu cho nông dân trên địa bàn. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh lưu ý, mọi hoạt động hỗ trợ thu hoạch và tiêu thụ lúa của nông dân phải đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.
Đến nay, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch được hơn 15.000ha lúa hè - thu, với năng suất bình quân 5,2 tấn/ha. Hiện, toàn tỉnh có hơn 30.000ha lúa ở các địa phương đang trong giai đoạn chín cần thu hoạch.
Tại huyện Cầu Kè, Hội Nông dân các cấp trong huyện Cầu Kè đã đứng ra liên kết, kết nối với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh kịp thời hỗ trợ tiêu thụ trên 145 tấn nông sản của bà con nông dân trên địa bàn huyện, với tổng giá trị gần 1,2 tỷ đồng, trong này có trên 105 tấn trái cây các loại và hơn 40 tấn rau, củ, quả các loại.
Trước đó, khi nhà vườn huyện Cầu Kè vào vụ thu hoạch nhãn xuồng cơm vàng, với sản lượng hàng trăm tấn nhãn thương phẩm nhưng không tìm được thương lái thu mua, nhiều cơ quan đoàn thể, tổ chức trong tỉnh tích cực phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ nhà vườn thu hoạch và tiêu thụ nhãn, với giá mua tại vườn là 10.000 đồng/kg, cao hơn giá thị trường cùng thời điểm 2.000 đồng/kg. Giá mua này bằng giá bán đến người tiêu dùng trong tỉnh Trà Vinh, nhà vườn được hỗ trợ toàn bộ chi phí nhân công thu hoạch, vận chuyển…
Tổ thu mua nông sản của Hội Nông dân huyện Cầu Kè tham gia giải cứu nông sản cho nông dân tại xã Châu Điền. Ảnh: HỮU HUỆ
Ông Thái Phước Lộc, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Trà Vinh cho biết, từ ngày 19 - 30/7, đơn vị đã phối hợp với Hợp tác xã nông nghiệp Xanh (thành phố Trà Vinh), Hội Nông dân huyện Cầu Kè và chính quyền địa phương hỗ trợ nhà vườn ở Cầu Kè thu hoạch và tiêu thụ hơn 52 tấn nhãn xuồng cơm vàng. Trong số này, trên 30 tấn được tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh Trà Vinh, số còn lại được tiêu thụ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện hợp tác xã vẫn tiếp tục thu mua nhãn và các loại nông sản khác cho nông dân trong tỉnh với giá bằng giá thị trường.
THANH HÒA
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.