25/08/2023 08:12
Học viên tham gia lớp đào tạo nghề: tạo dáng và chăm sóc cây cảnh trong giờ thực hành. Ảnh: T. HÒA
Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, nâng cao chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh và chuyển đổi số tỉnh, năm 2022, chỉ số thành phần Đào tạo lao động được doanh nghiệp (DN) đánh giá chất lượng giáo dục dạy nghề tại tỉnh khá tốt; việc tuyển dụng lao động phổ thông tại tỉnh khá; chi phí đào tạo lao động/tổng chi phí kinh doanh không cao...
Tuy nhiên, DN cũng mạnh dạn đưa ra những hạn chế: năng lực đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng quy mô và chất lượng đào tạo; nhận thức của một bộ phận người lao động về lợi ích của học nghề, tạo việc làm chưa cao, nhất là lao động phổ thông. Phần lớn các DN trong tỉnh không liên kết với hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm trong giới thiệu lao động cho DN. Các DN chỉ tính lao động có bằng cấp, chứng chỉ qua đào tạo, không thống kê số lao động được đào tạo theo hình thức tập nghề, kèm cặp nghề. Vì vậy, lao động tại DN đã tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề và tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc tại địa phương đã qua đào tạo còn thấp.
Mặt khác, chưa cải thiện được ý thức của người lao động tại địa phương nên lao động tại tỉnh chưa đáp ứng hoàn toàn hoặc phần lớn nhu cầu của DN. Việc tuyển dụng cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý, giám sát tại tỉnh gặp khó khăn; một số chỉ tiêu hạn chế chưa được khắc phục, năm 2022 đối với các chỉ tiêu này có sự thay đổi theo hướng tích cực, do đó càng làm sụt giảm thứ hạng của chỉ số thành phần Đào tạo lao động.
Trước thực trạng giảm thứ hạng của chỉ số Đào tạo lao động của năm 2022 so với năm 2021, thực hiện Kế hoạch số 51/KH-UBND, ngày 18/7/2022 của UBND tỉnh về khắc phững hạn chế, yếu kém và nâng cao chỉ số PCI, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Kế hoạch số 1720/KH-SLĐTBXH, ngày 26/7/2023 về khắc phục những hạn chế, yếu kém năm 2022 và nâng cao chỉ số Đào tạo lao động thuộc chỉ số PCI năm 2023 và những năm tiếp theo; trong đó xác định tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và xem đây là mục tiêu quan trọng trong thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu năm 2023. Từ đầu năm 2023, Sở phối hợp với các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện thị xã, thành phố triển khai công tác khảo sát nhu cầu học nghề giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.
Đồng chí Trịnh Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: hiện toàn tỉnh có 17 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đã phủ khắp các địa bàn huyện, thị, thành phố và đủ để đào tạo nguồn lao động cung ứng cho DN trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, có khoảng 20 DN, công ty, hợp tác xã, cơ sở sản xuất... tham gia hoạt động đào tạo nghề theo hình thức đào tạo thường xuyên (kèm cặp, truyền nghề tại cơ sở), đào tạo sơ cấp, góp phần giải quyết việc làm sau khi học nghề cho người lao động tại địa phương.
Xác định giải quyết việc làm cho người lao động là yếu tố quan trọng giúp giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tích cực triển khai nhiều giải pháp xây dựng thị trường lao động năng động, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, đáp ứng nhu cầu về lao động cho DN; phối hợp thực hiện thống kê với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 80% học sinh sau tốt nghiệp của các ngành kỹ thuật có việc làm ổn định; một số ngành nghề trung cấp, cao đẳng có 97% học sinh, sinh viên có việc làm.
Những năm qua nói chung, những tháng của năm 2023 nói riêng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động kết nối, xây dựng kế hoạch và có giải pháp cụ thể đẩy mạnh chương trình đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; trong 08 tháng năm 2023, toàn tỉnh đã tạo việc làm cho 19.508 lao động, đạt 84,82% kế hoạch năm. Đưa 865 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đạt 96,11% kế hoạch; tổ chức 01 phiên giao dịch việc làm, có 270 lao động tham dự, kết quả có 12 lao động được tuyển dụng tại phiên giao dịch. Nâng tổng số người được tư vấn tuyển sinh, đào tạo nghề trong hơn 07 tháng năm 2023 là 13.103 người, đạt 69% kế hoạch. Triển khai kế hoạch đặt hàng đào tạo nghề sơ cấp cho 230 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an.
Nhằm góp phần tác động tích cực đến nâng thứ hạng chỉ số thành phần Đào tạo lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tập trung chỉ đạo thực hiện công tác tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bước đầu đạt hiệu quả tích cực: các địa phương khẩn trương triển khai các dự án thuộc 03 chương trình mục tiêu quốc gia về “Phát triển giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững”; trong đó, ưu tiên rà soát nhu cầu học nghề số lao động bị mất việc làm trở về địa phương, để tổ chức đào tạo nghề phù hợp và gắn với giải quyết việc làm. Hiện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đang tập trung triển khai các hoạt động về đào tạo nghề cho người lao động.
Song song đó, Sở hỗ trợ DN đào tạo lao động theo Kế hoạch số 185/KH-SLĐTBXH, ngày 06/02/2023 của Sở về hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở cho UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ sở đào tạo giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu đào tạo lao động của các DN trong tỉnh. Đồng thời, tổ chức 01 lớp đào tạo nghề tạo dáng và chăm sóc cây cảnh cho 27 lao động đang làm việc tại Công ty Cổ phần Công trình đô thị Trà Vinh.
Qua gần 08 tháng thực hiện chỉ số thành phần Đào tạo lao động, xu hướng học nghề và nhận thức của xã hội, người dân về giáo dục nghề nghiệp ngày càng chuyển biến tích cực, làm cơ sở và là tiền đề cho nâng cao thu nhập; công tác liên kết đào tạo với các cơ quan, DN, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trong và ngoài tỉnh tiếp tục phát triển và đạt hiệu quả.
Với sự nỗ lực của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, sự phối hợp tích cực của các sở, ngành liên quan, các địa phương, các đơn vị đào tạo nghề... tin rằng sẽ tác động tích cực và góp phần cải thiện chỉ số thành phần Đào tạo lao động năm 2023, phấn đấu tăng từ 20 hạng trở lên so với năm 2022, đạt thứ hạng 38/63 tỉnh, thành phố cả nước.
TRƯỜNG NGUYÊN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.