27/04/2024 07:23
Đồng chí Nguyễn Quỳnh Thiện (bìa trái), Phó Chủ tịch UBND tỉnh tìm hiểu về thiết bị mới của Công ty Cổ phần Trà Bắc.
Chỉ số chi phí thời gian có 14 chỉ tiêu, năm 2022 có 05 chỉ tiêu được đánh giá tốt, 06 chỉ tiêu bị đánh giá thấp và hạn chế so với trung vị của cả nước và 03 chỉ tiêu được đánh giá trung bình. Qua khảo sát, doanh nghiệp (DN) đánh giá ưu điểm là cán bộ Nhà nước thân thiện và giải quyết công việc hiệu quả (riêng hiệu quả giải quyết công việc đạt điểm số cao nhất nước); phí, lệ phí được công khai; số giờ thanh tra, kiểm tra thuế phù hợp...
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế: một ít DN đánh giá mức độ đơn giản về thủ tục giấy tờ tại tỉnh, thời gian thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) được rút ngắn hơn so với quy định; hoạt động thanh tra, kiểm tra của các đoàn kiểm tra tại tỉnh vẫn còn trùng lặp; phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký...
Với những ưu điểm và hạn chế có liên quan đến chỉ số thành phần chi phí thời gian của năm 2022, với nhiệm vụ được giao và mục tiêu tiếp tục phấn đấu năm 2023 theo Chương trình số 10-CTr/TU, ngày 26/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh nâng cao chỉ số PCI tỉnh Trà Vinh đến năm 2025, Văn phòng UBND tỉnh đã nỗ lực thực hiện các vấn đề có liên quan. Trong đó, trọng tâm là cải cách TTHC, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN, hài lòng DN.
Năm 2023, Văn phòng UBND tỉnh tham mưu, trình Chủ tịch UBND tỉnh công bố danh mục TTHC, tổng số văn bản quy phạm pháp luật có quy định TTHC được công bố 252; tổng số TTHC/danh mục, TTHC được công bố 1.161 (công bố mới 1.063, công bố bãi bỏ 98), được công khai 1.161 TTHC; TTHC thuộc thẩm quyền quản lý, theo dõi của tỉnh tính đến cuối năm 2023 là 1.831 TTHC; TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh 1.831 (trong đó, số TTHC do Trung ương quy định là 1.831 TTHC).
Kết quả rà soát, đánh giá TTHC được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1419/QĐ-UBND, ngày 20/9/2023 về việc thông qua phương án đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực quản lý nhà nước về bưu chính và bảo trợ xã hội thuộc phạm vi, quản lý nhà nước của UBND tỉnh. Qua đó, rà soát 14 TTHC ở các lĩnh vực bưu chính và bảo trợ xã hội; đề xuất phương án đơn giản hóa, số TTHC sửa đổi, bổ sung 14 thủ tục. Rút ngắn thời gian thực hiện trung bình của 01 thủ tục với tỷ lệ cắt giảm chi phí 14,88%.
Áp dụng các hình thức chuyển đổi số trong thực hiện giải quyết TTHC là quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, Văn phòng UBND tỉnh nỗ lực thực hiện tích hợp dịch vụ công (DVC) của tỉnh trên Cổng DVC quốc gia. Qua đó, có 1.808 TTHC và 202 quyết định công bố TTHC được công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, tích hợp 1.014 DVC trực tuyến lên Cổng DVC quốc gia (DVC trực tuyến một phần là 23,57%, toàn trình là 32,54%). Đồng thời, kết nối giữa hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khác: đăng ký DN, bảo hiểm xã hội, đất đai, văn bản quy phạm pháp luật, cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến, thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch, cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách, quản lý danh mục điện tử dùng chung của các cơ quan Nhà nước phục vụ Chính phủ điện tử, DVC lĩnh vực đường bộ trong nước, về dân cư, mã bưu chính VNPostPrice, Cổng DVC Bộ Xây dựng, đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến, kho quản lý dữ liệu tổ chức, cá nhân trên Cổng DVC quốc gia...
Nhằm thực hiện tốt chỉ số thành phần chi phí thời gian qua công tác thanh tra, kiểm tra thuế, năm 2023, DN bị thanh tra, kiểm tra không phát sinh; tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 20/CT-TTg, ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN, Thanh tra tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn thanh tra các sở, ban, ngành tỉnh, huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2023, trong đó có nội dung thanh tra, kiểm tra DN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 867/QĐ-UBND, ngày 13/5/2021 của UBND tỉnh về ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh trong quản lý Nhà nước đối với DN sau đăng ký thành lập. Đồng thời, Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra đối DN, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Năm 2023, tỉnh không có kiến nghị, phản ánh của tổ chức, công dân liên quan đến nhũng nhiễu của cán bộ qua thanh tra, kiểm tra đối với DN.
Thực hiện cải cách TTHC, ứng dụng khoa học công nghệ và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, các TTHC thường xuyên được rà soát, bổ sung, công bố mới, kịp thời và rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định, hạn chế tối đa việc gây phiền hà, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức tiếp nhận xử lý công việc. Tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương... đã được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả trong năm 2023.
Nhằm thực hiện chỉ số thành phần chi phí thời gian hiệu quả, đạt chỉ tiêu, Văn phòng UBND tỉnh tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động, phát huy vai trò tham mưu trong xử lý các vấn đề chính sách, vướng mắc của DN. Đặc biệt, triển khai thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh để kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc của DN; tiếp nhận và phản hồi trong quá trình giải quyết kiến nghị của DN. Đồng thời, tăng cường phối hợp, đổi mới, nâng cao chất lượng đối thoại DN; hỗ trợ DN phát triển, sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.