19/07/2024 07:38
“Khô tôm rim chua ngọt” của hộ kinh doanh Lâm Thị Kim Quyên vừa được UBND thị xã Duyên Hải công bố quyết định và trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP thị xã đợt 1 năm 2024. Ảnh: ĐỨC HUY
Theo đồng chí Vũ Hồng Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương: nhiều sản phẩm đặc trưng trước đây sản xuất theo phương thức truyền thống từ khi tham gia vào chương trình OCOP đã được chuẩn hóa, sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng. Các sản phẩm sau khi công nhận được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao in và dán trên bao bì sản phẩm, nâng tầm và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.
Thời gian qua, Sở Công thương đã tập trung hỗ trợ các chủ thể OCOP trong tất cả hoạt động xúc tiến thương mại. Đồng thời, hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia kênh tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, hỗ trợ mang các sản phẩm tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ trong nước. Qua đó, có nhiều chủ thể OCOP ký kết hợp đồng với các siêu thị, trung tâm thương mại; thông qua hoạt động quảng bá sản phẩm, hầu hết doanh nghiệp đều có doanh thu tăng trưởng khá.
Hiện trên địa bàn tỉnh đã có trên 12 cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP thực hiện ký kết nguyên tắc đưa sản phẩm vào một số hệ thống phân phối hàng hóa lớn như: hệ thống siêu thị Co.opmart, siêu thị Mega Market, siêu thị WinMart và cửa hàng WinMart+/Win. Có trên 150 sản phẩm OCOP được đưa vào các siêu thị, kênh bán hàng trực tuyến (online), một số sản phẩm OCOP như: mật hoa dừa, đường hoa dừa, dừa sáp, kẹo dừa sáp, dừa sáp sợi, bánh tét, tôm khô, chả hoa năm thụy, dầu dừa Phương Huỳnh, Cacao MeKong, bánh tráng INMEX Trà Vinh, cơm dừa sấy khô, thảm xơ dừa, trà sâm đinh lăng, gạo ST25,…
Các chủ thể đã được tham gia trưng bày sản phẩm tại 09 cuộc hội chợ/năm. Hàng năm tham gia 10 - 12 cuộc hội nghị kết nối cung cầu và trưng bày trong một số hội nghị chuyên ngành… Nhiều sản phẩm có mặt ở các hệ thống bán lẻ hiện đại, xây dựng được mạng lưới phân phối rộng lớn và trở thành mặt hàng xuất khẩu, được thị trường đón nhận tích cực, doanh thu hàng năm đều tăng cao, tạo việc làm cho nhiều lao động.
Đồng chí Vũ Hồng Dương cho biết: một số sản phẩm OCOP sau khi đạt chứng nhận vẫn chưa phát triển đột phá, khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Mặc dù thời gian qua, Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ các chủ thể sản xuất, như: hướng dẫn quy trình thực hiện các bước VietGAP, nhãn hiệu sản phẩm, hỗ trợ kinh phí cũng như kết nối để đưa sản phẩm đi tiêu thụ tại các hội chợ, hội nghị kết nối cung - cầu, nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.
Một số sản phẩm OCOP do sản xuất chủ yếu thủ công, thiết bị công nghệ lạc hậu, chưa quan tâm đến kiểu dáng, bao bì đóng gói nên sức cạnh tranh trên thị trường còn thấp, giá thành cao, chưa đáp ứng yêu cầu về sản lượng hàng hóa của các hệ thống phân phối.
Ngoài ra, nguồn lực hỗ trợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP còn hạn hẹp, các chủ thể sản xuất OCOP còn thiếu địa điểm để quảng bá, giới thiệu và lan tỏa đến người tiêu dùng, vẫn còn nhiều người chưa biết đến sản phẩm OCOP. Thêm vào đó, tính chủ động quảng bá thương hiệu, hàng hóa của chính cơ sở sản xuất sản phẩm còn hạn chế. Việc tìm kiếm thị trường đang đi theo lối mòn cũ, thiếu tính tư duy đột phá, nên hiệu quả phát triển thị trường, tìm kiếm đầu ra sản phẩm chưa cao.
Sản phẩm “Yến sào Nguyên Minh” của hộ kinh doanh Yến sào Nguyên Minh vừa được UBND thị xã Duyên Hải công bố quyết định và trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP thị xã đợt 1 năm 2024. Ảnh: ĐỨC HUY
Đồng chí Vũ Hồng Dương cho biết thêm: thời gian tới, xác định xúc tiến thương mại là nền tảng, chuyển đổi số là động lực nhằm phát triển hiệu quả và bền vững sản phẩm OCOP; hoạt động kết nối cung - cầu, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm là trọng tâm thông qua các diễn đàn, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP. Đặc biệt, tập trung xây dựng để hình thành các “điểm đến” về sản phẩm OCOP (điểm OCOP, cà-phê OCOP,...) gắn với các điểm du lịch, các hoạt động văn hóa.
Tiếp tục nâng cao năng lực sản phẩm OCOP nhằm thúc đẩy thương mại, thị trường sản phẩm tiêu dùng nội địa và định hướng xuất khẩu. Nâng cao vai trò chủ thể, đặc biệt là phát huy tính chủ động, sáng tạo của các chủ thể. Sự chủ động của các chủ thể tham gia vào Chương trình OCOP, đặc biệt là phát huy sự sáng tạo của các hợp tác xã, doanh nghiệp trong phát triển sản phẩm, thúc đẩy thị trường.
Không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm đảm bảo theo các tiêu chí sản phẩm OCOP, đồng thời nâng cao năng lực và sự tham gia của các chủ thể OCOP vào hệ thống thương mại điện tử, hình thành các sàn thương mại điện tử quy mô lớn, các kênh bán hàng trực tuyến (online), đặc biệt là cho với các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương;…
MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.