17/02/2024 18:31
Công trình điện gió của Công ty Cổ phần Điện gió Trà Vinh 1 (thị xã Duyên Hải), một trong những công trình phát triển năng lượng tái tạo theo chủ trương của tỉnh Trà Vinh.
Tỉnh Trà Vinh tập trung nhiều giải pháp cải thiện Bộ Chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn yêu cầu, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi trách nhiệm quản lý quán triệt, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ môi trường, chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, giải quyết vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách trên địa bàn tỉnh.
Các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu; lồng ghép bảo vệ môi trường trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ số, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4...
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, tỉnh không cho phép đầu tư đối với lĩnh vực sản xuất công nghệ cũ, lạc hậu, nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm; tuyệt đối không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Tỉnh khuyến khích phát triển du lịch dịch vụ theo hướng sinh thái, phát triển hài hòa giữa kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, tạo môi trường sống xanh - sạch - đẹp, văn minh, lành mạnh cho người dân.
Đồng chí Lê Văn Hẳn chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp đơn vị liên quan và địa phương kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải, bảo đảm tại khu đô thị có hệ thống thu gom, xử lý triệt để nước thải. Đồng thời, nâng cấp, cải tạo, mở rộng, đầu tư xây dựng nhà máy xử lý, hệ thống thu gom nước thải tại đô thị trên địa bàn tỉnh theo quy định, phụ trách cải thiện Chỉ số 01 (tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường), Chỉ số 15 (tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung).
Sở Giao thông Vận tải phụ trách cải thiện Chỉ số 07 (số lượng phương tiện giao thông công cộng trên 10.000 dân đô thị (xe/10.000 người). Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện giải pháp cải thiện Chỉ số 16 (tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh); trong đó, tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật, cơ chế, chính sách về lĩnh vực nước sạch và vệ sinh nông thôn nhằm thay đổi hành vi thói quen sử dụng nước của người dân, đảm bảo vệ sinh hộ gia đình, vệ sinh cá nhân...
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung giải pháp cải thiện Chỉ số 19 (tỷ lệ diện tích rừng trồng mới tập trung trên diện tích đất quy hoạch phát triển rừng). Sở Công Thương phối hợp đơn vị liên quan đẩy mạnh phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp năng lượng thân thiện môi trường, phát triển đồng bộ và đa dạng hóa các loại hình năng lượng nhằm khai thác, sử dụng triệt để lợi thế của tỉnh về nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch hiệu quả, bền vững, đồng thời phụ trách cải thiện Chỉ số 21 (sản lượng điện từ năng lượng tái tạo).
Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp sở, ban, ngành và địa phương thực hiện đồng bộ giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm môi trường, cải thiện kết quả thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của tỉnh trong các năm tiếp theo; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, khuyến khích cộng đồng cùng tham gia bảo vệ môi trường, thực hiện tốt việc phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn tỉnh...
Cùng với rà soát, tham mưu việc nâng cao năng lực quan trắc môi trường tự động, liên tục trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường phụ trách cải thiện Chỉ số 22 (số trạm quan trắc tự động chất lượng môi trường không khí tại các đô thị loại IV trở lên trên 10.000 dân đô thị), Chỉ số 23 (tỷ lệ các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định của pháp luật).
Sở Tài chính phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố phụ trách cải thiện Chỉ số 24 (tỷ lệ chi ngân sách cho hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường). Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu Kinh tế Trà Vinh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện giải pháp cải thiện Chỉ số 25 (số lượng công chức, cán bộ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường trên 1 triệu dân (người/triệu dân).
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cân đối, bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường được phân bổ hàng năm tiếp tục duy trì mô hình camera giám sát tại các điểm nóng môi trường trên địa bàn quản lý giám sát, quản lý và xử lý hành vi xả rác, nước thải, không để phát sinh mới điểm nóng, cơ sở gây ô nhiễm môi trường; nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ môi trường thông qua hoạt động ra quân vệ sinh môi trường; huy động toàn dân thu gom, xử lý rác thải, phân loại chất thải rắn tại nguồn và hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn quản lý...
Theo kết quả thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường năm 2022 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt và công bố tại Quyết định số 4161/QĐ-BTNMT, ngày 28/12/2023, Trà Vinh có tổng điểm Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường (PEPI) là 64,91, xếp thứ hạng 07, tụt 04 thứ hạng so với năm trước.
Bài, ảnh: THANH HÒA
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.